Nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” do diễn viên Chánh Tín thủ vai có nguyên mẫu ngoài đời là chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo. Cuộc đời bí ẩn của ông đã được tình báo Mỹ (CIA) và báo chí Mỹ giải mật.

Đại tá, Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Thảo (Chín Thảo, Albert Thảo, 1922- 1965) xuất thân trong một gia đình trí thức tôn giáo.  Ông là cựu học viên trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Trường phòng mật vụ Nam Bộ, Tiểu đoàn trưởng D410 trong kháng chiến chống Pháp.

Trong chiến tranh chống Mỹ, ông được giao một nhiệm vụ đặc biệt, chưa có tiền lệ trong lịch sử tình báo:luồn sâu vào hàng ngũ địch, hoạt động đơn tuyến, lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của chúng để từ trong đánh ra, làm suy yếu ngụy quân, ngụy quyền. Phạm Ngọc Thảo đã dựng ngọn cờ binh biến tại Sài Gòn trong suốt nửa đầu thập kỷ 60 tới khi hy sinh anh dũng ở tuổi 43.        

"Con nhà võ, nhưng ưa văn nghệ"                     

Cái tên Phạm Ngọc Thảo xuất hiện trên sách báo phương Tây khá sớm, trong bài viết “Chiến tranh du kích ở đồng bằng sông Mekong tháng Chạp 1961: Cuộc chiến trên đồng lúa” của Malcom Brown.

Bài viết gây chấn động và được đưa vào tập văn tuyển nổi tiếng, như một biểu tượng cho năm 1961 ở Nam Việt Nam.

{keywords}
Phạm Ngọc Thảo thời làm tỉnh trưởng Bến Tre. Ảnh: Life

Theo đó, Phạm Ngọc Thảo được đặc tả trên cương vị tỉnh trưởng Kiến Hoà (tên chính quyền Diệm đặt cho Bến Tre), là “một sĩ quan cấp tá dáng dấp như con mèo, tóc húi cua, với cái nhìn gây nao núng” (disconcerting walleye, trên thực tế ông Chín Thảo mắt lé). Ký giả Brown cho biết ông Thảo từng là một sĩ quan tình báo của Việt Minh, nhưng đã sang với Ngô Đình Diệm sau năm 1954. Là con nhà võ nhưng ưa văn nghệ, “Thảo luôn giống như một kịch trường”, Brown viết tiếp.

Bài viết của Brown là đợt sóng ngầm, báo động về một thực tế ở Nam Việt Nam, cuộc chiến mà lúc đó còn chưa hằn dấu ấn nung đỏ của nó lên tiềm thức nước Mỹ: ban ngày miền Nam “thuộc về” chính quyền Sài Gòn tồn tại nhờ viện trợ Hoa Kỳ, ban đêm do những người cách mạng kiểm soát.

Ông Thảo dùng bài báo để ngăn cấm lính Sài Gòn không được gieo hoạ cho dân. Nhưng riêng với Diệm - Nhu, vùng Bến Tre “phẳng lặng” vào ban ngày nhờ tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo, đã nổi lên như điểm nhấn về bình định nông thôn, tạo đà cho ông Thảo leo cao hơn trong chính quyền Sài Gòn. Còn theo các bậc lão thành cách mạng, như ông Trần Quốc Hương, từng chỉ đạo công tác của Phạm Ngọc Thảo từ 1955 đến 1958, đây còn là thời kỳ ông Thảo đã tương kế tựu kế “thả cả ngàn cán bộ ta bị bắt, trong đó có anh Bảy Thanh (Võ Viết Thanh)”. Trung tướng Nguyễn Thị Định cũng cho rằng ông Thảo là người, từ trong hậu địch, đã góp phần chuẩn bị thế trận cho cao trào Đồng khởi nổi tiếng.

Sách báo phương Tây đã khắc hoạ một Phạm Ngọc Thảo tả xung hữu đột trong thời kỳ Sài Gòn chìm ngập dưới triều cường của những cuộc đảo chính. Trong bài “Sự sụp đổ của dòng họ Ngô Đình” (báo The Saturday Evening Post, 21 tháng Chạp, 1963), tác gia nổi tiếng về Việt Nam Stanley Karnow viết: “Viên trung tá sáng giá (brilliant) Phạm Ngọc Thảo … một trong những người trung thành nhất, gần gũi nhất với Diệm, đã miễn cưỡng nhập vào hàng ngũ chống đối. Ông Thảo đã bị thuyết phục rằng, chỉ có lật đổ chế độ (Diệm) mới cứu được đất nước”.

Sau chiến tranh, khi viết cuốn sách nổi tiếng Việt Nam - những trang sử (Việt Nam A History),  Karnow vẫn dành khá nhiều giấy mực để điểm lại hoạt động (quậy tung) chính trường Sài Gòn của Phạm Ngọc Thảo, cũng như thời kỳ ông Thảo làm sĩ quan liên lạc giữa Đại sứ quán của “Việt Nam Cộng hoà” với CIA và Lầu Năm góc tại Washington.

{keywords}
Phạm Ngọc Thảo (cầm micro). Ảnh: Tạp chí Life

Karnow viết rõ hơn về vai trò “lửa cháy đổ thêm dầu” của Phạm Ngọc Thảo trong tiến trình đảo chính lật Diệm như sau: “Các viên tướng (phe đảo chính) đặc biệt lo lắng về phe đại tá Phạm Ngọc Thảo, gồm các đơn vị lục quân, thuỷ quân, quân dù và thiết giáp, lên tới khoảng 3000 quân. Được can ngăn để thôi không bạo động vào tháng Tám, nay lực lượng của Thảo lại chủ trương động binh hôm 24 tháng 10 (1963), chỉ hai ngày trước hạn chót (deadline) cho phe các viên tướng được (quan thày Mỹ cho) phép hành động. Các viên tướng phải gắng phanh Thảo lại lần nữa. Sau một trận mặc cả (haggling) thật lực, Thảo đã chấp thuận hợp binh với phe các viên tướng, những kẻ vẫn tiếp tục bán tin bán nghi về sự chung thuỷ của ông”.

Tới năm 1981, khi được phía Việt Nam chính thức cho biết về con người thực của Phạm Ngọc Thảo, Karnow vẫn dùng chữ “brilliant” (tựa kim cương) để mô tả ông Thảo.

Các nguồn tin từng thân cận với Ngô Đình Diệm cho biết Phạm Ngọc Thảo  nổi bật trong ố tướng lĩnh, một người hùng từng đánh bại quân Pháp trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, lại bạt thiệp, ăn nói giỏi, viết lách tài.

Trong Chiến thắng bị bỏ lỡ (Lost Victory, NXB Contemporary books, 1989, một cuốn sách có vẻ như không mấy ai xem, căn cứ trên tiêu chí là cho tới nay không thấy có ý kiến phản hồi từ giới độc giả phương Tây) trùm CIA W. Colby cũng đôi lần nhắc đến Phạm Ngọc Thảo, và dường như muốn gây cảm tưởng rằng người Mỹ đã “mô phạm” trong việc ông Thảo bị sát hại. Trang 173 của sách này cũng viết rằng mãi đến 1976, người Mỹ mới hay tin Phạm Ngọc Thảo từng ngấm ngầm “làm việc cho phe Cộng sản”. Nhưng lưu trữ được giải mật gần đây lại cho thấy CIA đã, khá sớm, ngập vào mối quan tâm chết người tới Phạm Ngọc Thảo ra sao.

Chuyên gia lật đổ

Chân dung chuyên gia lật đổ Phạm Ngọc Thảo trong bức tranh chính trị Sài Gòn - dưới ngọn bút của CIA được miêu tả kỹ hơn.

Hàng chục tài liệu của tình báo Mỹ, đả động ở nhiều mức độ đến Phạm Ngọc Thảo, đã được giải mật sau chiến tranh. Trong đó, có vài tài liệu chỉ nói về ông.

{keywords}

Sớm hơn cả thấy có Kế hoạch và các hoạt động của nhóm đảo chính do Trần Kim Tuyến thủ mưu đề ngày 21 -8- 1963. Tài liệu này cho thấy các phán xét hậu chiến, rằng Trần Kim Tuyến đã mất ảnh hưởng từ sau khi Diệm-Nhu đổ, là sai lầm. Trùm mật vụ này, kẻ giúp Mỹ - Diệm tạo dựng bộ máy kìm kẹp ở miền Nam, kể từ đời lực lượng giáo phái thân Pháp bị đàn áp giữa những năm 1950, sau ngày Diệm đổ vẫn tiếp tục giúp người Mỹ điều hành các trận đồ quái đản như ngũ liên gia bảo, cũng như mạng mật vụ đô thành, theo các cán bộ từng hoạt động cùng Phạm Ngọc Thảo, như ông Vũ Anh, nay là nghệ sĩ cắt hình bóng nổi tiếng. Còn việc Phạm Xuân Ẩn giúp Trần Kim Tuyến trong cuộc di tản từ nóc nhà Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn năm 1875, vẫn theo các bậc lão thành, không hề do “nhân từ” như một số lời bàn hậu nghiệm (a posteriory), mà chỉ là động tác nghề nghiệp của ông Ẩn, để chuẩn bị cho bước đường kế tiếp, nếu Hà Nội giao tiếp cho ông một nhiệm vụ hoạt động hải ngoại …

Kế đó, 11-9-1963, CIA soạn thảo Những bước tiến của Huỳnh Văn Lạng và Phạm Ngọc Thảo đối với mưu đồ đảo chính (Progress of Huynh Van Lang and Pham Ngoc Thao with plans for coup d'etat). Tài liệu nêu tên các tướng tá Sài Gòn liên đới, gồm Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Khắc Bình và … Nguyễn Hữu Hạnh. 12 năm về sau, tướng Hạnh, ở cương vị quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, sẽ dẫn đường cho cán bộ - chiến sĩ xe tăng Quân Giải phóng, vừa húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập, vào tiếp nhận cuộc đầu hàng của nội các Sài Gòn cuối cùng.

Lưu trữ của Mỹ cho biết tiếp về Kế hoạch của Thủ tướng Nguyễn Khánh nhằm đẩy Hoa Kỳ dấn vào Bắc Việt Nam (Prime Minister Nguyen Khanh's plan to involve the United States in North Vietnam), đề ngày 22 tháng Bảy, 1964. Theo tài liệu này, Phạm Ngọc Thảo đã bắn tin cho phía Mỹ rằng Khánh đang tìm cách “giúp” Mỹ lún sâu hơn trong vũng lấy Việt Nam. Đồng thời, ông Thảo cũng được Mỹ “hỏi ý kiến” về khả năng đảo chính lật Nguyễn Khánh (Comments by Lieutenant Colonel Pham Ngoc Thao concerning the likelihood of a military coup against Prime Minister Nguyen Khanh).

Như mọi người đều biết, đây là thời gian Washington cần gấp một hậu phương ổn định ở miền Nam để đổ quân Mỹ vào, cũng như dựng đầu cầu đánh ra Bắc, sang Lào. Bản Điều tra về cơ may đứng vững của chính quyền Sài Gòn (Chances for a stable government in South Vietnam) được  SNIE (cơ quan tình báo Hoa Kỳ làm chức năng dự báo chiến lược) đề ngày 8-9- 1964 lại cho thấy một miền Nam cực kỳ bất ổn về chính trị.

Tài liệu tiết lộ: “sân khấu chính trị - xã hội miền Nam VN rúng động, Việt Cộng ngày càng mạnh lên, ý thức chống Mỹ sâu sắc hơn, mâu thuẫn của chính quyền quân phiệt với các bộ phận dân cư tăng lên, chia rẽ đảng phái, sắc tộc, giáo phái sâu hơn, và nhất là, phe Phạm Ngọc Thảo và một số sĩ quan đang mưu đồ đảo chánh …”. Quân đội và nội các Sài Gòn, những cơ cấu phản tự nhiên mà lý do tồn tại là cuộc chiến tranh của Mỹ, với những sĩ quan thăng tiến nhiều khi chỉ do có tham dự đảo chính, có vẻ  đang được Hà Nội vận dụng để chặn đường tiến của quân viễn chinh Mỹ. Các cuộc đảo chính sẽ được ký giả và sử gia trong ngoài nước gán cho người này người khác cầm đầu. Nhưng trong ống kính cơ quan tác chiến tình báo Mỹ, chỉ hội tụ cái tên Phạm Ngọc Thảo. Tướng Westmoreland trong hồi ký của mình đã gọi Phạm Ngọc Thảo là “nhà đảo chính chuyên nghiệp”. Người Mỹ không thể ăn ngon, ngủ yên một khi Phạm Ngọc Thảo vẫn tung hoành, dùng lực lượng do Mỹ trả lương, vũ khí Mỹ để đánh Mỹ ngay trong hậu phương của Mỹ.

Theo tài liệu CIA, vừa đi công cán hải ngoại về, ông Thảo đã lập tức đánh thức người Mỹ về một mưu đồ của Pháp thò tay vào chính trường Sài Gòn. Tới lúc này, Nguyễn Khánh đã tìm cách toa rập với các chủ cũ người Pháp, để tìm kiếm “một giải pháp trung lập cho Việt Nam cộng hoà”, cho chú Sam ra rìa. Lá bài trùng của ông Thảo trong các cuộc đảo chính, tướng Lâm Văn Phát (em của thiếu tá tình báo QĐNDVN Lâm Thị Phấn, nguyên mẫu của nhân vật chính bộ phim Người đẹp Tây Đô, khởi chiếu 1996), cũng cung cấp những chi tiết về các tiếp xúc này của Nguyễn Khánh với người Pháp.

Thời kỳ Nguyễn Khánh cầm trịch vẫn là màn trình diễn “xiếc đi trên dây” của Phạm Ngọc Thảo. Trước đó, từ giữa năm 1963, Mỹ có sáng kiến đưa ông Thảo sang học sĩ quan tham mưu cao cấp ở Fort Bragg, một cơ hội giúp ông Thảo, mà cái tên nghĩa là “ngọn lá bằng ngọc”, xuyên sâu vào lòng địch. Khi về, ông Thảo trở thành một cuốn tự điển sống của quân lực VNCH, vì thế các cố vấn Mỹ rất cần có ông. Kiến thức đã giúp ông tránh khỏi lưỡi đao của Nguyễn Khánh, lúc đó đang tìm cách triệt các thủ hạ cũ của Diệm. Kết quả cuối cùng là Khánh phải mời ông vào Bộ Tổng tham mưu làm vai trò đệm, dung hoà quan hệ giữa Khánh và Mỹ.

Phía Mỹ cũng nhập vào cuộc chơi này, vì ông Thảo có ảnh hưởng trong Đảng cần lao nhân vị do Diệm – Nhu lập, lúc đó vẫn còn rất mạnh so với phe cánh của sếp sòng Nguyễn Khánh. Nhưng họ cũng ráo riết cho ra lò lớp sĩ quan made-in-USA, những kẻ được hy vọng sẽ tập trung vào việc giúp người Mỹ làm chiến tranh, chứ không chỉ biết cắn xé nhau trong đấu đá giành địa vị. Một năm sau, khi đám tiểu yêu hung hăng (Young Turks, theo cách gọi của CIA, gồm Nguyễn Chánh Thi, Đặng Văn Quang, Lê Nguyên Khang, Vĩnh Lộc, Dư Quốc Đống … với Nguyễn Cao Kỳ, làm phát ngôn viên, do rành tiếng Anh hơn), đã đủ lông cánh, Mỹ sẽ dùng vũ lực để lập nên một chính quyền Mỹ hoá, quân phiệt hoá triệt để, không có chỗ cho lực lượng thứ ba.

Phần tiếp theo: Tình báo Phạm Ngọc Thảo chơi "Ván bài lật ngửa"

  • Lê Đỗ Huy (dịch)