Bị kẻ địch phản kích quyết liệt, cuộc binh biến tháng Năm của ông Chín Thảo bị dập tắt. Bản thân bị truy nã, mọi phương tiện của ông Thảo cạn kiệt, quân sĩ tan tác.
Bài 1: Phạm Ngọc Thảo, nguyên mẫu vai diễn để đời của Chánh Tín
Ở Việt Nam trước 1975, tháng Tám luôn là thời kỳ sục sôi những biến động cách mạng. Tháng Tám 1964 có tới bốn tài liệu của CIA có tiêu điểm là Phạm Ngọc Thảo.
Một "âm mưu đảo chính"
Theo tài liệu Kế hoạch đảo chính của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, người Mỹ cho rằng nếu cuộc đảo chính nổ ra, Trần Thiện Khiêm sẽ không trở tay kịp. Chính phủ mới, nếu phe đảo chính lên nắm quyền, sẽ gồm Phạm Ngọc Thảo làm thủ tướng, Dương Văn Minh hoặc Phan Khắc Sửu sẽ được đôn làm Quốc trưởng.
Lý do làm đảo chính, theo Phạm Ngọc Thảo, là Nguyễn Khánh đã nhân nhượng giáo phái quá nhiều, và mất uy tín với dân.
Phạm Ngọc Thảo (thứ 2 từ trái sang). |
Ngày hôm sau, 29 tháng Tám 1964, CIA ra liền hai báo cáo nhan đề Phạm Ngọc Thảo: tóm tắt lý lịch và phân tích về nhân sự này (Pham Ngoc Thao: biographic summary and personality analysis), và Phạm Ngọc Thảo tìm cách giành sự ủng hộ cho cuộc đảo chính (Efforts of Pham Ngoc Thao to get support for a coup d'etat attempt).
Theo đó, CIA mong rằng Phạm Ngọc Thảo sẽ khó nhận được sự hỗ trợ của không lực VNCH. Hôm sau, 30 tháng Tám, điện mật mang tên Các phe phái đều chuẩn bị đảo chính (Groups planing Coups d’etat, 30-8-1964), cho rằng, sắp có đảo chính khả thi (!), một khi cả phe Phạm Ngọc Thảo, và phe các tướng thuộc đảng Đại Việt đều chuẩn bị đảo chính.
Mồng 1 tháng Chín, 1964 là lúc người Mỹ thấy cần phải điều tra sự trung thành của các chỉ huy quân Sài Gòn, và khả năng thành bại của một cuộc đảo chính, nếu xảy ra (Tài liệu Loyalties of the Armed Forces commanders and the possibility of success if a coup d'etat is attempted : situation appraisal as of 31 August 1964).
Trong số 30 tướng tá cao cấp được Mỹ khảo sát, Phạm Ngọc Thảo vẫn ở tiêu điểm: tên ông đứng thứ hai, sau Nguyễn Khánh. Hơn một tuần sau, Nguyễn Khánh tỏ rõ sự nhân nhượng qua tài liệu của tình báo Mỹ nhan đề Kế hoạch từ nhiệm của Nguyễn Khánh vào cuối nhiệm kỳ (Plans of General Nguyen Khanh to leave the government at the end of his mandate), soạn thảo ngày 9-9-1964. Theo đó, người Mỹ dự kiến nhân sự chính phủ lâm thời, và lịch trình buộc lưu vong một số tướng lãnh Sài Gòn.
Trong tầm ngắm, ngoài các tướng vẫn còn mang quốc tịch Pháp như Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn, hẳn phải có Phạm Ngọc Thảo, cùng một “cây” đảo chính nữa là Lâm Văn Phát. Nhưng cuộc đảo chính 19 tháng Chín 1964, được công bố là do hai tướng Lâm Văn Phát và Dương Văn Đức cầm đầu vào, dẫn đến Nguyễn Khánh phải từ nhiệm hôm 23 tháng Mười, theo phát hiện của CIA, thuộc về một kế hoạch cướp chính quyền bất thành của Việt Cộng (điện mật Mưu toan lật đổ 13 tháng Chín, Attempted coup on Sept.13).
Phạm Ngọc Thảo với giáo hữu Cao Đài. Ảnh: Tạp chí Life |
Chính giới Sài Gòn thì không thể không nhận thấy rằng cuộc đảo chánh hôm 19-9, tuy bất thành, đã làm đổ bể lễ ký kết thoả thuận đổ quân vào miền Nam và dội bom miền Bắc của trục Washington – Sài Gòn, dự định vào ngày 20-9-64.
Kể từ đó đến cuộc đảo chính tháng Hai 1965 (tài liệu CIA: Situation in South Vietnam, February 19, 1965), cái tên Phạm Ngọc Thảo vẫn dội vào các loại văn, võ phòng của Mỹ ở Sài Gòn và Washington.
Một sớm đầu tháng Ba, lãnh đạo cấp cao của Mỹ, vừa ngủ dậy, đã lại thấy trên bàn mình hung tin về một âm mưu đảo chính (Coup rumors in Saigon, 4-3-1965). Đám gà giò của Mỹ, mà CIA gọi là “bọn tiểu tướng hung hăng” (Young Turks generals), vừa mới ra ràng đã bắt đầu đá nhau thục mạng để giành ngôi chủ soái, nhân dịp Nguyễn Khánh bị đẩy đi lưu vong. Tháng Năm đến, và con bài mới của Mỹ là Nguyễn Văn Thiệu, chỉ định dạng trong hồ sơ của CIA năm 1964, đã bẩm báo cho chủ mình về một âm mưu đảo chính của Phạm Ngọc Thảo trong công văn Mật vụ dự báo cho Bộ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Thiệu về một mưu đồ đảo chính vào 20 tháng Năm, cùng các biện pháp đối phó của chính phủ (Police information available to Defense Minister Nguyen Van Thieu concerning possible coup attempt on 20 May and government countermeasures). Điện mật này chỉ rõ: cuộc đảo chính sẽ do Phạm Ngọc Thảo chỉ huy, được hiệp trợ bởi Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, và có thể cả các thành viên khác thuộc Nhóm tướng Đà Lạt, tức là Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Vỹ; cuộc đảo chính sẽ do Đảng Cần Lao nhân vị tài trợ. Phe của Thiệu sẽ đối phó bằng lực lượng phản đảo chính, và sự chiêu hàng (round-up) các phần tử nổi loạn …
"Tử vì đạo"
Bị kẻ địch phản kích quyết liệt, cuộc binh biến tháng Năm của ông Chín Thảo bị dập tắt. Bản thân bị truy nã, mọi phương tiện của ông Thảo cạn kiệt, quân sĩ tan tác. Ông được khuyến dụ bởi các đồng đạo là nên lánh ra nước ngoài, và bởi các đồng chí là nên về chiến khu. Nhưng một khi nhiệm vụ gây rối loạn hậu phương của ngụy để ngăn Mỹ đổ quân vào miền Nam và ném bom miền Bắc còn dang dở, người lính Phạm Ngọc Thảo quyết không rời trận địa. Noi theo Cụ Hồ, ông dùng kỹ năng tuyên huấn của mình để sách động cách mạng trên tờ báo Việt Tiến, được lưu hành tới 5 vạn bản nhờ bộ máy in ấn, phát hành của lực lượng Công giáo yêu nước trong các xứ đạo …
Giở lại chồng công văn tháng Sáu 1965 của tình báo Mỹ, đập vào mắt có tài liệu nhan đề Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Colonel Pham Ngoc Thao, 4-6-1965). Điện mật này đánh số 00780, do William Colby, phó giám đốc về kế hoạch cơ quan CIA ở Sài Gòn viết như sau:
1. Đã phát hiện được Phạm Ngọc Thảo tung tăng lượn phố (circulating freely) ngay giữa Sài Gòn, và giúp đỡ chủ bút của một tờ báo bí mật.
(Hai đoạn số 2 và 3 bị CIA xoá khi giải mật!!!).
4. Vấn đề này quả là nghiêm trọng (real), trên hai phương diện. Thứ nhất, chính quyền hiện hành của Việt Nam cộng hoà vẫn ngại ngùng, không có chủ trương bắt, và hành hình Phạm Ngọc Thảo. Còn rất ít nghi ngờ về chỗ ẩn nấp của Thảo ở Sài Gòn, cũng như một kế hoạch phối hợp cảnh sát để bắt giữ Thảo. Chính quyền Sài Gòn lại luận giải một cách chắc chắn rằng Thảo là một biểu tượng của người Công giáo, tới mức, việc bỏ tù/thủ tiêu Thảo trong tình hình như thế này sẽ gây bùng nổ (flame). Cách suy luận như thế của thủ tướng Quát lại được dung túng bởi công văn số 4003 ngày 2 tháng Sáu của Sứ quán Mỹ từ Sài Gòn, theo đó đại sứ Taylor báo cáo rằng Quát đã nhất trí để cho Thảo một số người khác bí mật rời đất nước, cho dù chính Quát hiểu rằng cần có một kỷ luật cấp quốc gia cao hơn.
5. Vấn đề thứ hai là cốt cách của Thảo. Ông ta tin vào sứ mạng cứu nhân độ thế, xả thân vì dân tộc mình, như một thiên sứ (messianic view of his role as the savior of the nation). Ông ta biết rõ mình phải làm gì. Lung lạc được Thảo bởi tiền tài hay hình phạt, kể cả tử hình, để ông ta ngừng tạo ra tình thế chỉ có lợi cho một mình Việt Cộng, rõ ràng là điều không thể. Việc Thảo không sợ bị trừng phạt còn do ông ta được bảo trợ bởi các thủ lĩnh quân sự Công giáo. Cũng không có bằng chứng rõ rệt rằng, Thảo đang không được Việt Cộng hỗ trợ một cách bí mật …
Sự chần chừ của Chính phủ Phan Huy Quát trong việc thẳng tay đàn áp những người cách mạng, kể cả phong trào công giáo yêu nước miền Nam, đã dẫn tới quyết định của Mỹ đôn lên nhóm tay sai đầu sỏ khát máu hơn. Tới 24 tháng Sáu 1965, lý lịch của kẻ đã cùng người Mỹ đàn áp Phạm Ngọc Thảo trong cuộc chính biến tháng Năm là Nguyễn Văn Thiệu đã được CIA kính trình lên thượng cấp (Biographical sketch of Nguyen Van Thieu, Chairman of National Directory Committee). Ngay cả trong công văn này, tên của Phạm Ngọc Thảo vẫn được nêu bật (highlight), ngay sau tên của hai “gà chọi” mới của Mỹ là Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Được thăng chức “Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia”, Thiệu lập tức lùng bắt Phạm Ngọc Thảo để thủ tiêu. 16 tháng Bảy, an ninh quân đội Sài Gòn tưởng như đã giăng bẫy để ám hại được ông Thảo ở Tam Hiệp, Biên Hoà.
Nhưng Chín Thảo chỉ bị trọng thương, và đã lết được về một nhà thờ, nơi ông được cha đạo cứu chữa. Ngay hôm sau, ông lại bị bắt. Lần này, kẻ thù đã dùng cực hình man rợ đến cực điểm để tra tấn ông Thảo cho đến chết, ngay trong đêm 17 tháng Bảy. Ngay sau đó, tin ông Thảo từ trần trong một tai nạn đã được tung lên các báo Sài Gòn
Gần đây xuất hiện nhiều viết lách của phía bên kia, cho rằng ông Thảo không phải là cộng sản, mà là người công giáo theo “chủ nghĩa quốc gia”. Xét cho cùng, các mục tiêu mà những người cộng sản Việt Nam hằng theo đuổi, như Cụ Hồ từng chỉ ra, không khác gì bổn phận một giáo dân kính Chúa, yêu nước. Các bồi bút cũng cố đánh lạc hướng dư luận sang hướng các quan hệ của ông Chín Thảo với tình báo Mỹ, mà về thực chất là một trận tuyến lợi hại của phe cách mạng, như các tài liệu của CIA đã vô tình phản ảnh được phần nào.
Trở lại công văn Đại tá Phạm Ngọc Thảo mồng 4- 6 – 65, Colby viết tại điểm 7: “Chúng tôi nhận thức rõ sự cần thiết của việc không được làm cho Thảo, về mặt chính trị, trở thành vị thánh tử vì đạo (political martyr)”.
Nhưng kẻ thù đã thất bại ngay cả trong mưu đồ này. Các nguồn tin của Sài Gòn sau đó cho biết, chịu một cái chết đau đớn nhất, ông Thảo đã không hé môi về bất cứ cái tên nào của những quân nhân hay chính khách của chế độ Sài Gòn, từng là đồng minh trong đảo chính của ông, hay bất kỳ một thông tin gì khác. Trong mắt các tín đồ, Albert Phạm Ngọc Thảo đã chịu đựng mọi cực hình tàn khốc đến chết. Theo chuẩn mực của tôn giáo, ông đã trở thành bậc Thánh, chịu thống khổ để cứu nước nhà - savior of the nation. Danh hiệu này, cùng chữ martyr (thánh tử vì đạo), vô hình trung, đã được CIA dùng chỉ ông Thảo trong công văn ngày 4-6-65 nói trên.
- Lê Đỗ Huy (dịch)