- Trong bài viết “Thất nghiệp là do sinh viên chọn nhầm sân”, độc giả Vũ Tuấn Anh (Viện Quản lý Việt Nam) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp hiện nay là do công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT chưa tốt.

{keywords}
Ngày hội hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tuyết

Theo ông Tuấn Anh, học sinh và phụ huynh chỉ thích lao vào các trường đại học với hi vọng sau này kiếm được công việc nhàn hạ, lương cao, trong khi lực lượng lao động phổ thông, thợ lành nghề đang còn thiếu, xã hội vẫn có nhu cầu cao với đối tượng này thì không mấy ai ngó ngàng.

Những em chỉ đủ khả năng học nghề, học trung cấp, cao đẳng vẫn muốn cố vào những trường đại học “vét điểm sàn 13-14 điểm”. Trong quá trình học tập lại lười biếng, kiến thức không có, kỹ năng yếu, viễn cảnh thất nghiệp ngay khi tốt nghiệp là tất yếu.

Ông Vũ Tuấn Anh khẳng định lỗi không phải tại nhà trường, xã hội, mà thủ phạm chính là sinh viên và phụ huynh đã chọn nhầm sân chơi nghề nghiệp cho các em.

Phản hồi lại bài viết này, nhiều độc giả cho rằng ý kiến của tác giả là “sự bất lực của một nền giáo dục yếu kém chỉ biết đổ lỗi”.

Anh Phạm Văn Linh nói, yếu kém đầu tiên là từ các nhà hoạch định và dự báo nhu cầu việc làm. “Hiện nay các báo cáo về nguồn việc làm chưa hề được truyền đạt cho các em học sinh ngay từ ghế nhà trường. Các em thành thị có thể có nhiều lựa chọn và nắm bắt thông tin tốt hơn. Nhưng ở miền núi lấy đâu ra tạp chí, internet... để biết về nhu cầu việc làm của thị trường. Thứ 2 là yếu kém về trình độ quản lý giáo dục. Tại sao lại phân biệt trường có điểm làng nhàng 13-14 điểm? Đó trước hết thể hiện sự vô tâm của các nhà quản lý khi cho tồn tại những trường ĐH không đủ chất lượng”.

Trong khi đó, chị Phan Thị Cần cho rằng bài viết chỉ đúng với sinh viên Mỹ. Còn ở Việt Nam, “học sinh phổ thông không hề được đào tạo thành một con người tự lập, tự quyết”.

Một độc giả phản biện “thử học sư phạm ra xin việc đi, giỏi cỡ nào mà không có vài chục đến trăm triệu thì cũng không xin được việc”.

“Thất nghiệp là do sinh viên chọn lầm sân" không sai nhưng chẳng đúng. Một mặt ngành giáo dục cho các địa phương mặc sức mở trường, rồi lại tìm mọi cách để cho các trường vét sinh viên bằng mọi chiêu, rồi quay lại trách sinh viên. Đây chính là cách để quý vị thoái thác trách nhiệm?” – chị Cẩm Tú đặt câu hỏi.

Trong khi tác giả Vũ Tuấn Anh khẳng định rằng sự định hướng của gia đình là quan trọng thì một sinh viên nêu lên thực tế không hiếm: “Đừng đổ lỗi cho bố mẹ chúng tôi, cũng đừng đổ hết lỗi cho sinh viên chúng tôi. Bố mẹ tôi là nông dân thì biết gì mà hướng nghiệp cho chúng tôi, biết việc gì “hot”, việc gì hay mà tư vấn, còn học sinh cấp 3 đã biết gì về công việc sau này, môi trường đâu mà chọn. Nói là hướng nghiệp nhưng chỉ chung chung đại khái đâu có rõ ràng. Bản thân anh Vũ Tuấn Anh tôi tin là anh cũng không hiểu rõ công việc từng lĩnh vực chứ đừng nói chúng tôi. Có thể thấy sự bất lực của cơ quan quản lý và ngành giáo dục nước nhà”.

Ngược lại, một sinh viên khác đồng tình với quan điểm của ông Vũ Tuấn Anh rằng chính áp lực gia đình đã khiến các em không được theo học ngành nghề mà mình yêu thích và có khả năng. “Tôi hiện là sinh viên năm nhất đại học, hiện đang theo học ngành mà tôi không có hứng thú, tôi học ngành này là do gia đình buộc tôi học ngành này với lí do đầu ra rộng, dễ xin việc làm. Nhưng theo sự tìm hiểu của tôi về những người giàu có và thành đạt trên thế giới khi nói đến sự thành công thì không ai không nói đến sự đam mê với nghề. Hôm nay đọc bài viết của độc giả Vũ Tuấn Anh tôi đã tìm thấy người có cùng quan điểm và cho tôi thêm nhiều cái nhìn nhận mới hơn về việc chọn nghề”.

{keywords}
Học sinh trong ngày hội hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tuyết

Giải thích cho ý kiến của mình, tác giả Vũ Tuấn Anh nói, nếu như những em có học lực thật giỏi hoặc thật kém thường xác định rõ sân chơi của mình thì phần đông học sinh học lực trung bình sẽ phải thực hiện hướng nghiệp kỹ càng.

“Ví dụ các bạn học sinh định hướng nghề kế toán sẽ có các chọn lựa – học lớp 3-6 tháng về kỹ năng kế toán đơn giản, học trung cấp về kế toán, học cao đẳng hay học đại học. Một bạn học kỹ năng kế toán đơn giản sẽ làm việc tại một cửa hàng bán quần áo tư nhân kiêm thêm nhiệm vụ bán hàng. Một bạn học trung cấp kế toán sẽ làm ở vị trí tốt hơn ví dụ nhân viên thủ quỹ tại công ty tư nhân. Tại mức độ cao đẳng có thể làm tại công ty tư nhân. Tại mức cuối cùng sẽ có khả năng làm tại các công ty lớn và doanh nghiệp nước ngoài”.

“Doanh nghiệp tại mức độ nào sẽ tuyển người đúng theo mức độ đó vì họ không muốn trả tiền nhiều hơn cho những cái họ không cần từ nhân viên. Nếu các bạn là chủ cửa hàng quần áo, các bạn sẽ thích một cô bé lớp 12 học nghiệp vụ kế toán 3 tháng vừa đủ đáp ứng nhu cầu cửa hàng hơn là tuyển một cô trung cấp vượt yêu cầu và phải đối diện với rủi ro nhân viên nhảy việc”.

Theo ông, một thực tế khác là xã hội hiện có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ hơn những công ty có quy mô lớn. Hay nói cách khác, nhu cầu tuyển dụng kế toán ở cấp độ 1 và 2 sẽ nhiều hơn cấp độ 3 và 4.

“Cha mẹ không thể nào đổ tại trường đại học hay vai trò quản lý vì chính họ đã tự nguyện đóng tiền theo học. Chính vì tâm lý sính bằng cấp và quan niệm sai về nghề nghiệp đã dẫn tới phụ huynh và học sinh cố gắng thi lên các cấp độ vượt hơn năng lực của các em để có hư danh và ảo vọng về bằng cấp” – ông Vũ Tuấn Anh nhận xét.

Tác giả đưa ra lời khuyên, gia đình nên động viên và bản thân các em nên phấn đấu nằm trong 20% giỏi nhất ở mức độ đó, chắc chắn các em sẽ thành công.

Về vấn đề cho rằng học sinh vùng sâu vùng xa không có cơ hội tiếp cận với Internet để nắm bắt những thông tin về nhu cầu việc làm, ông Vũ Tuấn Anh nói: “Những năm gần đây Internet bùng nổ đưa tới các làng bản xa xôi, một gia đình có ý định cho con cái đi học chắc chắn có đủ khả năng tài chính để có thể tiếp cận Internet để nắm bắt các ý chủ đạo”.

Gia đình và các em học sinh cần nhận thức rõ ràng và nghiêm túc rằng chính mình là người đóng tiền và quyết định số phận nghề nghiệp của con em mình. Cơ hội nghề nghiệp cho con em chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào quyết định hướng nghiệp trong giai đoạn học phổ thông – ông Tuấn Anh kết luận.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)