- Nếu ví von trường ngoài công lập mở như "nấm", thì trường công phải là "siêu nấm". Nhiều trường đang rơi vào thảm cảnh thiếu sinh viên.

{keywords}
Các đại biểu dự hội nghị tổng kết 20 năm trường ngoài công lập vào đầu tháng 3/2014. Ảnh: Văn Chung

Bài 1: Cái chết từ tuyển sinh

Không có sinh viên thì không thu được học phí, không có nguồn thu. Mà không có nguồn thu không một trường tư nào có thể tồn tại, chưa nói đến đầu tư cho phát triển và nâng cao chất lượng. Thế nhưng nhiều trường NCL đã rơi vào thảm cảnh thiếu sinh viên từ vài ba năm nay.

Trường công đè bẹp trường tư

Trong rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khó tuyển sinh của trường ngoài công lập mà Bộ GD-ĐT thường đưa ra như chất lượng đào tạo, tâm lý xã hội… Có một nguyên nhân mà lãnh đạo ngành giáo dục chưa từng thừa nhận, nhưng được các trường NCL đề cập đến rất nhiều, đó là tình trạng các trường đại học công lập phát triển ồ ạt trong thời gian qua.

Việc thành lập các trường đại học ngoài công lập trong giai đoạn vừa qua đã từng được ví như "nấm mọc sau mưa". Thế nhưng, theo ông Lê Trường Tùng, hiệu trưởng trường ĐH FPT thì nếu trường ngoài công lập là nấm, thì trường công phải là… siêu nấm, trong đó rất nhiều trường nâng cấp từ cao đẳng, trung cấp lên.

Nhận xét này của ông Tùng được minh chứng bằng thống kê chính thức trên Website của Bộ GD-ĐT trong 10 năm (2001-2011) cho thấy: Trong 10 năm các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng thêm 59 trường, trong khi đó số lượng các trường ĐH, CĐ công lập tăng thêm 158 trường. Như vậy tỉ lệ là 1/2,68.

Với một thống kê khác được Hiệp hội NCL đưa ra (với nguồn từ Bộ GD-ĐT), thì trong hai năm 2010 - 2011 số lượng trường công lập tăng chóng mặt. Nếu như trong 2 năm này có thêm 6 trường NCL được thành lập (từ 74 – 80 trường) thì số lượng trường công lập tăng thêm tới 39 trường (từ 295 lên 334 trường).    

GS Hoàng Xuân Sính cũng cho rằng mạng lưới đại học hình thành trong vài ba năm gần đây là một trong những nguyên nhân gây cản trở nhiều cho việc phát triển mô hình ngoài công lập. Bà Sính nêu ví dụ ngay tại Hà Nội. Theo thành uỷ Hà Nội, về mặt đảng, thành uỷ phụ trách 64 cơ sở giáo dục đại học, Bộ phụ trách số trường còn lại. Như vậy, tổng cộng chắc chắn là hơn 64 - một con số quá lớn đối với nước ta. Thế mà trong năm 2010 và 2011 ta lại có thêm 6 đại học nữa ở Hà Nội trong đó có 4 là nâng cấp và 2 là tư. Nếu nhìn sang một tỉnh rất gần Hà Nội là tỉnh Bắc Ninh, ta thấy gì? Ta có thêm một đại học công nâng cấp năm 2010 và một đại học tư là ĐH Kinh Bắc mới mở năm 2012, trong khi tỉnh đã có hai ĐH tư là ĐH quốc tế Bắc Hà và ĐH Công nghệ Đông Á. Bà Sính nhận xét, rõ ràng là ta đã vung tay quá chớn, phung phí tiền bạc của ngân sách và của nhân dân vì ta cần gì có nhiều đại học như vậy ở mỗi tỉnh. Việc mở nhiều trường đại học, nhất là trường công, là do nôn nóng muốn có số sinh viên trên vạn dân tăng nhanh.

Số lượng trường tăng gấp đôi, trong khi sau 10 năm, số lượng học sinh phổ thông chỉ tăng 12% (cũng theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT) đã dẫn đến thực tế nhiều năm là chỉ riêng chỉ tiêu đăng ký của các trường công lập đã vượt quá tổng chỉ tiêu tuyển thực của tất cả các trường sau mỗi mùa tuyển sinh. Sự cạn kiệt nguồn tuyển bắt nguồn từ đây.

Hơn nữa, từ năm 2012, các trường được tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. "Với quy định này các trường công lập áp dụng triệt để quyền tự chủ để tăng thêm nguồn thu, như vậy thì lấy đâu ra nguồn tuyển?” ông Tùng nhận định.

Những con số chỉ ra… bi kịch

Lấy số liệu cụ thể trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013"  do NXB Giáo dục ấn hành từ số liệu tập hợp của Bộ GD-ĐT, minh chứng cho bức xúc của trường tư: Tổng chỉ tiêu đăng ký năm 2013 là 642.657, trong đó chỉ tiêu các trường công lập là 512.502, như vậy chỉ tiêu cho hơn 80 trường ngoài công lập còn 130.155.

Năm 2012 số lượng tuyển vào ĐH, CĐ của cả nước đạt khoảng 465.000. Như vậy, năm 2013 chỉ riêng các trường công lập muốn tuyển đủ chỉ tiêu cũng không thể thực hiện nổi, chứ chưa nói đến phần dành cho trường ngoài công lập.

{keywords}
3 năm nay, hệ thống các trường ngoài công lập lao đao với việc tuyển sinh. Ảnh: GD-TĐ

Và số liệu thực tế cho thấy, năm 2013, tổng số thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ nhập học là 489.732 thí sinh so với 614.390 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ trung bình là 79,71%.

Tuy nhiên, số liệu từ Bộ GD-ĐT cho biết trong kỳ tuyển sinh này có tới 25 trường ĐH và 15 trường CĐ ngoài công lập chỉ tuyển được lượng thí sinh dưới 50% so với chỉ tiêu. Không có trường ĐH công lập nào rơi vào tình trạng này, nhưng cũng có tới 58 trường cao đẳng công lập thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 rất thấp.

“Trong số các khó khăn của đại học NCL, theo tôi, khó khăn lớn nhất là tuyển sinh. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Cũng vậy, trường đại học không thể tồn tại nếu thiếu sinh viên. Không có sinh viên thì không thu được học phí, không có nguồn thu. Mà không có nguồn thu không một trường tư nào có thể tồn tại, chưa nói đến đầu tư cho phát triển và nâng cao chất lượng. Như thế, cái chết của đại học NCL Việt Nam là không thể tránh khỏi” – TS Ngô Tự Lập, ĐH Quốc gia HN nhận định.

Bi kịch không tuyển đủ chỉ tiêu đối với các trường ngoài công lập đã kéo sang năm thứ 3. Và cho dù kỳ tuyển sinh năm 2014 Bộ GD-ĐT đã chấp thuận cho các trường có phương án tuyển sinh riêng thì vẫn không có gì đảm bảo cho tương lai của không ít trường NCL.

  • Chi Mai