- Hơi hoang mang, băn khoăn, lo lắng, sốc, tá hỏa … là những từ mà những nhà giáo đứng lớp, nhà quản lý ở địa phương nói về tâm trạng của học sinh và cả giáo viên trước những dự kiến thay đổi trong đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn mà Bộ GD-ĐT đang rục rịch tiến hành.

{keywords}

Các giáo viên phát biểu sôi nổi tại hội thảo "đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông diễn ra ngày 10/4". Ảnh: Xuân Trung.


Chúng tôi ủng hộ nhưng học sinh… tá hỏa

Tại hội thảo"đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông" diễn ra sáng nay, 10/4, thầy giáo Hoàng Văn Cẩn cho biết: “Tôi đọc một đề tham khảo của Bộ GD-ĐT đưa ra trước đó hết 9 phút. Mình là giáo viên còn như thế, thì học sinh cứ cho là cộng thêm 5 phút. Thi chỉ 120 phút, như vậy thời gian đâu mà làm bài”.

Ông Cẩn còn cho rằng ra đề kiểu mới còn động đến vấn đề lớn là sách giáo khoa.

“Ở tiểu học phần ngữ đã ổn. Không biết có phải vì đã thấy ổn không mà người soạn chương trình đến bậc THCS trở lên đã chủ yếu tập trung phần văn, ít ngữ. Đến bây giờ ra đề thi, kiểm tra lại động đến kiến thức đó, điều này có lý nhưng học sinh có đáp ứng được không? Muốn thay đổi phải có thiết kế chương trình ngữ + văn liên tục từ tiểu học đến THPT”.

Bày tỏ sự “vui mừng không xiết” khi Bộ đổi mới cách ra đề, vì “Không đổi mới đánh giá khi học sinh làm bài thi, kiểm tra sẽ cho lại cho chúng ta bữa ăn mà chính chúng ta đã dọn, thậm chí “nhai” sẵn cho các em” - nhưng ông Trần Tiến Thành, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng Bộ thiếu lộ trình. Bộ cần có văn bản phổ biến cho thầy cô yên tâm.

Cô Phạm Thị Huệ, Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng: Có 2 vấn đề lúng túng là rút ngắn thời gian thi và chia đề thi làm hai phần đọc hiểu và làm văn.

“Môn ngữ văn khác các môn khoa học tự nhiên. Môn toán rút ngắn thời gian có thể có nghĩa là từ 10 câu rút đi còn 7, 8. Nhưng môn văn có rút ngắn thời gian thì với một bài văn các em vẫn phải trả lời cho đủ ý, chứ không thể làm nửa bài.

Các em cần chuẩn bị kỹ năng trả lời câu hỏi đảm bảo những ý cần thiết của đề bài trong thời gian cho phép.

Đứng ở góc độ người dạy, chỉ còn hai tháng, giáo viên dạy văn cảm thấy khó và lo lắng.

Đề thi hai phần thì tỉ lệ điểm mỗi phần là bao nhiêu? Liệu phần đọc hiểu ra theo hướng tích hợp cho một đoạn văn rồi đưa ra một hệ thống câu hỏi, hay sẽ là những câu hỏi rời nhau?”… cô Huệ băn khoăn. “Tôi biết là ra ngoài SGK không sai, chúng tôi thuộc nằm lòng điều này, nhưng vẫn là điều khó với cả giáo viên và học sinh”.

Đến từ tỉnh miền núi Lào Cai, nơi “học sinh nhận thức khó khăn hơn, các thầy cô nào đến rồi đều biết”, cô Nguyễn Thị Hường, đề xuất bài đọc hiểu có thể không nằm trong chương trình học nhưng cần quen thuộc với học sinh, có thể nằm trong văn bản ở phần độc thêm.

Lượng câu hỏi, các hỏi phù hợp học sinh đại trà, học sinh trung bình. Phần này khoảng 30 – 40% tổng điểm.

“Đúng là theo tinh thần đổi mới, nếu áp dụng ngay thì nói học sinh sốc không hẳn, nhưng các em rất lo lắng. Giáo viên đã có hướng dẫn, định hướng cho các em nhưng cũng không yên tâm” – cô Hường bày tỏ băn khoăn.

Ông Ngô Hương, trường Quốc học Huế thì chia sẻ, “với tư cách cá nhân, người nhiều lần làm đề thi, tôi thấy sự nôn nóng đổi mới thi cử của ngành giáo dục là hợp lý, vì so với khu vực chúng ta đã quá lạc hậu. Nhưng thực tế dạy học xưa nay như thế, học thế nào thi thế đó…. Đổi mới nhanh quá liệu thầy cô và học sinh có làm tốt không?

“Với học sinh giỏi, học sinh thành phố đề thi dạng này có lẽ không vấn đề gì. Nhưng còn vùng sâu vùng xa thì sao? Chúng ta nôn nóng đổi mới, nhưng học sinh nông thôn nhìn đề tham khảo mà tá hỏa, thì sẽ như thế nào?”

Nếu điểm kém, Bộ sẽ nói sao?

Ông Ngô Hương cũng cho biết, sau khi có thông báo về đổi mói kiểm tra đánh giá, đặc biệt là hai bài viết giới thiệu mẫu đề tham khảo, rất nhiều đồng nghiệp băn khoăn đổi mới ở mức độ nào? Thời gian ngắn thế có phù hợp không?

Phản biện với hai đề mẫu được đưa ra, ông Hương khẳng định hai đề này  rõ ràng là "hay và rất sáng tạo". So sánh với đề cũ thì khó hơn, yêu cầu nhiều hơn, thời gian ngắn hơn.

“Nếu ra đề thi dạng này chỉ 10% học sinh đạt từ 5 điểm trở lên ngành giáo dục sẽ giải thích như thế nào?

Năm 2009 đã từng đổi mới đề thi và kết quả là một số địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long có điểm thấp hẳn, dư luận phản ứng, Bộ đã phải lập đoàn vào kiểm tra xem chấm đúng không, thfi kết quả là chấm hoàn toàn đúng.

Vậy bây giờ mà đổi mới môn văn điểm thấp xuống xã hội sẽ như thế nào?” – thầy Hương đặt câu hỏi.

Giáo viên Văn đến từ trường Lê Hồng Phong, TPHCM cũng nhấn mạnh rằng về phía người dạy học, các thầy cô ủng hộ, vui mừng vì sự thay đổi nào cũng có giá trị của nó, nhưng “Đến thời điểm này vẫn chưa hết tâm lý có phần hoang mang. Sự thay đổi cấu trúc đề thi tốt nghiệp sẽ thay đổi cả đề thi đại học, liệu có còn 180 phút không hay chỉ 150 phút?

Với 120 phút với hệ thống câu hỏi vụn và dày đặc và vụn thế, học sinh có làm được như mình mong muốn hay không?”

Cô Đỗ Thị Hương Bưởi, Hà Nam cũng bày tỏ mong muốn có văn bản thống nhất của Bộ hướng dẫn cụ thể việc ra đề thi tốt nghiệp như thế nào. “Cần chuẩn bị tốt điều kiện để đổi mới để không tạo tâm lý bất ngờ cho xã hội. Khi vận dụng ngay phải thận trọng khi thời gian không còn nhiều. Ai cũng bất ngờ thì chất lượng kỳ thi sẽ như thế nào? Giáo viên và học sinh có trở tay kịp không để bước vào kỳ thi?” – là những câu hỏi mà cô Hương Bưởi muốn có lời giải đáp từ lãnh đạo Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi: "Có thể lấy văn bản ngoài sách giáo khoa"

Bên lề hội thảo sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, thay đổi chính của đề thi là quán triệt mục tiêu dạy học. Điều này cũng không phải là thay đổi lớn. Việc này được quán triệt từ nhiều năm nay. Công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học nào cũng nói đến điều này. Trong quá trình chỉ đạo, Bộ GD-ĐT cũng thường xuyên đề cập.

Xem bài chi tiết TẠI ĐÂY

 

 

  • Ngân Anh