- GS Hoàng Tụy cho biết, tôi thực sự sốc khi nghe tin Bộ GD-ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đến số tiền 34.000 tỉ đồng để thực hiện việc biên soạn chương trình và SGK mới sau năm 2015. Tôi hi vọng nghe nhầm con số...

Trong lần thứ hai báo cáo về Dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT vẫn chưa làm hài lòng Ủy ban thành viên Quốc hội về tính khả thi của đề án.

{keywords}
Ảnh minh họa: Tiền Phong Online

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nêu ra những yếu kém, bất cập của chương trình, SGK hiện nay. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện tại cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông.

Theo ông Hiển, “xu thế chung của chương trình giáo dục hiện đại là tích hợp và phân hóa cao; một mặt để hình thành năng lực vận dụng tổng hợp, mặt khác giúp học sinh phát triển những năng lực chuyên biệt; hạn chế số lượng môn học bắt buộc; ưu tiên cho tự chọn nội dung học tập nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân người học”.

Trả lời câu hỏi về kinh phí cho đề án đổi mới của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Thứ trưởng cho biết “cần 34.275 tỷ đồng, bao gồm: thực hiện công việc đổi mới chương trình, SGK, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới… Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị ở những trường còn thiếu”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: “Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu... Các đồng chí mới nói được là chương trình, sách giáo khoa phải đổi mới. Nói vậy thì đúng rồi. Nhưng vấn đề là đổi mới thế nào, phải thế nào để đáp ứng mục tiêu đó thì tôi không thấy rõ”.

“Đến năm 2016 là bắt đầu rồi, tôi đề nghị các đồng chí cho biết là có làm được không? Đừng để đến lúc đó thực hiện không được lại đổ lỗi cho chất lượng đội ngũ không tốt, cơ sở vật chất không đáp ứng...”.

Bà Trương Thị Mai cho rằng người dân khi đọc dự thảo nghị quyết này sẽ không hình dung được mười năm tới nền giáo dục của nước ta như thế nào. Theo bà, chủ trương đa dạng hóa SGK đã đề cập từ năm 2000 nhưng vẫn chưa thực hiện được. Về vấn đề trang thiết bị, đi giám sát nhiều trường thì thấy xếp vào kho hết.

Về vấn đề kinh phí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói, chúng ta đã dành 20% chi ngân sách cho giáo dục, bây giờ dành tiền làm SGK thì sẽ ảnh hưởng gì đến những việc khác? Ông Giàu cũng bày tỏ lo ngại về tính khả thi của đề án: thiếu những vấn đề cụ thể, mà chỉ nặng tính định hướng.

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, GS Hoàng Tụy cho biết: “Tôi thực sự sốc khi nghe tin Bộ GD-ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đến số tiền 34.000 tỉ đồng để thực hiện việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới sau năm 2015. Tôi hi vọng nghe nhầm con số, chứ 34.000 tỉ đồng là trên dưới 1,5 tỉ USD, một số tiền khổng lồ, vượt quá nghìn lần con số tôi có thể nghĩ tới”.

Ông cũng cho rằng trong điều kiện kinh tế còn quá khó khăn như hiện nay – mà ngay cả các nước giàu có trên thế giới cũng không ai tiêu xài vô lý như vậy – thì số tiền này khó có thể chấp nhận.

Trong khi đó, PGS Văn Như Cương khẳng định chỉ cần một phần nghìn là đủ. “Nếu tôi được giao chủ biên viết sách giáo khoa một môn học, giả dụ môn toán của một lớp, tôi chi trả cho người biên soạn 1 triệu đồng/tiết thì số tiền chi trả cho cả cuốn sách khoảng 100 triệu đồng. Một lớp có khoảng 13 môn học (như hiện nay) thì số tiền chi trả cho biên soạn sách giáo khoa tất cả các môn của một lớp khoảng 1,3 tỉ đồng. Cứ cho là hiện nay có những yếu tố cần nâng kinh phí lên, vậy tôi cứ tạm tính kinh phí chi cho một bộ sách giáo khoa là 2,5-3 tỉ đồng, 12 bộ cần khoảng 34-36 tỉ đồng. Như vậy số tiền chi cho biên soạn sách giáo khoa của bậc phổ thông chỉ tốn khoảng 1/1.000 số tiền mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT công bố”.

“Nếu cộng thêm nữa những chi phí phát sinh do “yêu cầu cao hơn”, chi phí cho một bộ sách giáo khoa phổ thông làm tròn là 100 tỉ đồng thì con số này cũng chỉ bằng 3/1.000 số đã công bố. Tôi chỉ đưa ra con số này để tham khảo, suy nghĩ thôi. Vì có thể Bộ GD-ĐT sẽ giải thích trên 34.000 tỉ đồng không chỉ chi cho biên soạn sách giáo khoa mà còn chi tập huấn giáo viên, thẩm định chương trình - sách giáo khoa, nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức thí điểm...”

TIN BÀI LIÊN QUAN:

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)