- Chuyện giáo dục của chúng ta đang rất có vấn đề, chuyện chúng ta cần đổi mới, đổi mới một cách căn cơ hệ thống giáo dục tôi đã được nghe từ khi còn đi học. Tới khi tôi lập gia đình, tôi vẫn nghe. Tới giờ tôi đã có con, rồi con tôi đã tới tuổi đi học tôi vẫn nghe, vẫn thấy chúng ta đang bàn về sự bất cập của giáo dục, từ nguyên nhân, thực trạng, hướng giải quyết …

Thời gian không chờ đợi ai, hàng ngày hằng giờ mọi người vẫn phải dạy vẫn phải học. Nếu thật sự giáo dục của chúng ta tệ thì bao nhiêu lâu nay các sản phẩm giáo dục của chúng ta ra sao?.

Tôi đã lớn lên và được đào tạo trong hệ thống giáo dục có vấn đề, giờ tới con tôi, hệ thống vẫn có vấn đề, và tương lai có thể tới cháu chắt chút chít của tôi hệ thống đó vẫn chưa ổn. Cải cách, cải cách và cải cách…

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa

Thật sự tôi chưa thấy bộ nào có nhiều cải cách như Bộ Giáo dục. Toàn những cải cách vụn vặt. Kể cả chuyện viết đi viết lại sách giáo khoa. Vì sao ư?

Vì theo tôi sản phẩm giáo dục là con người thì con người mới là đối tượng chính. Tại sao không bàn tới chuyện làm sao để có những người thầy giỏi?.

Tại sao hệ thống giáo dục không thu hút được những con người ưu tú nhất của xã hội?.

Không gì thay thế được thầy

Chúng ta ai cũng đều từng đi học, chính chúng ta cảm thấy rõ nhất vai trò người thầy trong giáo dục. Đừng nghĩ rằng thời buổi công nghệ thông tin, một cái máy tính với thật nhiều dữ liệu sẽ thay thế được người thầy. Thậm chí cả cái kho tàng dữ liệu trên thế giới cũng không thể thay thế được người thầy.

Tại sao vẫn với cuốn SGK đó, chương trình đó, nhưng với người này giảng học sinh học thích thú say mê còn với người khác thì trở nên khô khan, chán ngắt. Làm thầy khó lắm chứ. Người học giỏi chưa chắc dạy giỏi.

Đáng lý với vai trò quan trọng như thế, ảnh hưởng đến hàng triệu người của biết bao thế hệ, người thầy phải là đối tượng được trọng vọng và thu nhập thuộc tốp cao trong xã hội thì chúng ta lại ngược lại. Trường sư phạm đáng lý phải là trường khó vào nhất mới đúng. Ngoài học giỏi đi dạy học phải có tình yêu với học trò với công việc, phải có năng khiếu sư phạm....

Thiếu những giáo viên có tâm hồn

Trong trường học chúng ta đang quá thiếu những giáo viên có tâm hồn sư phạm mà đa số là những “thợ dạy”. Khi đưa con tới trường tôi mới thấm thía điều đó.

Tuy không phải tất cả, nhưng rất nhiều giáo viên đi dạy mà cứ như cái máy, tới trưởng mở máy nói đúng bài giáo án soạn sẵn, xong về. Chẳng hề có chút tâm huyết và tình thương yêu dành cho học trò. Chúng ta đã không hề có một chính sách thu hút người tài vào sư phạm và giờ là lúc trả giá: thế hệ con cháu chúng ta sẽ gánh chịu.

Trong khi triết lý giáo dục của một số nước là mỗi một con người, mỗi một đứa trẻ là một thực thể đáng trân trọng, là cá biệt và duy nhất, ai cũng đều có điểm mạnh và người thầy phải khơi gợi phát huy hết điểm mạnh, uốn nắn những điểm kém.

Nhưng chúng ta đào tạo ra đội ngũ giáo viên chỉ biết vo tròn các học trò lại tất cả theo 1 khuôn, ai không tròn ép cho tròn, không ép được thì bỏ ra ngoài.

Tôi đã tìm được cho con một cô giáo khác khá tốt, nhưng đó là tôi gặp may, đâu phải ai cũng may mắn như tôi, và những năm tiếp theo cũng chắc gì tôi sẽ gặp may để tìm được cho con cô giáo tốt.

Ai sẽ dạy con tôi?

Để cải thiện được chất lượng giáo viên nếu bắt đầu ngay từ bây giờ tôi nghĩ chắc mất phải vài thế hệ nữa.

Vừa rồi Bộ Giáo dục bị phản đối vì manh nha dự án đổi SGK nữa với con số vài chục ngàn tỷ đồng, thế là vội rút lại để suy nghĩ thêm, tôi thấy thật chán cho cách làm việc của chúng ta. Chi phí thế nào thì gọi là cao thì phải dựa trên tiêu chí hiệu quả mà nó mang lại như thế nào chứ.

Tôi nghĩ nếu chúng ta thay đổi thang bậc lương để giáo viên có thể sống thoải mái bằng đồng lương thì chi phí đó sẽ là con số vô cùng khủng, còn khủng hơn tiền in lại sách giáo khoa nhiều.

Tôi tin rằng chi phí cho người tài đức thì chẳng bao giờ lỗ. Nhất là với sản phẩm đặc biệt là đào tạo các thế hệ sau.

Nhưng tương lai của tôi và và nhiều người dân khác sẽ chưa có gì để hy vọng sẽ sớm thoát được nỗi lo: Ai sẽ dạy con tôi?.

  • Phụ huynh Nguyễn Thu Trang (Trương Công Định, TP.HCM)