- Theo dõi diễn đàn về "quyền của người thầy", tôi đọc được bài viết Học sinh "ngỗ ngược" phản biện quyền của thầy. Trước hết, tôi rất cảm ơn bạn vì những chia sẻ rất thẳng thắn của bạn về nghề của chúng tôi. Và cũng rất xin lỗi bạn khi gọi bạn là học trò cá biệt, bởi thực chất bạn không phải học trò cá biệt mà là một học trò đặc biệt, hai khái niệm này không nên đồng nhất với nhau. Nếu tôi gặp được một cậu học trò như bạn, chắc chắn tôi sẽ rất trân trọng! Tuy nhiên, có vài quan điểm chúng ta cần trao đổi.

Cá biệt hay đặc biệt?

Là một giáo viên có thâm niên, có nhiều học sinh thành đạt, nhưng chưa bao giờ tôi tự hào những điều mình làm là to tát. Sau mỗi khóa học sinh, tôi lại càng dày thêm nỗi trăn trở về nghề. Với tôi, điều quan trọng nhất không phải là học trò của tôi phải trở thành người nọ, người kia, làm này, làm nọ, học trò của tôi có thể chỉ là những công nhân, người lao động bình thường, nhưng phải trở thành những người tử tế, biết trân trọng những đạo lí truyền thống của dân tộc, biết làm một người có ích cho bản thân, cho gia đình…

Tất nhiên, triết lí về nghề thì nghe sẽ rất lí thuyết bạn Minh ạ, nhưng có gắn cái nghề với đời mình, sống chết vì nó, vui buồn vì nó, ta mới thấy thấm thía những vất vả vô hình của nghề dạy học, không chỉ dạy tri thức, mà còn dạy làm người.

Tôi đồng ý với bạn rằng mỗi học sinh là một thế giới nội tâm phức tạp, và càng phức tạp hơn khi các em còn chưa ở tuổi trưởng thành, không ra trẻ con, cũng chưa thành người lớn. Một lớp học 45 học sinh là 45 thế giới, có tốt, xấu, có trắng đen, có thật giả… Những người làm thầy như chúng tôi phải cùng lúc hiểu, lắng nghe, chia sẻ, dạy bảo và định hướng cho tất cả “thế giới nội tâm phức tạp” ấy.

 Việc phân loại học sinh là việc cần thiết phải làm bởi chúng tôi không thể - như cách bạn đã dẫn – là “dùng chung một loại kem đánh răng” với tất cả các học sinh. Chỉ có điều, chúng tôi không xem việc phân loại ấy là ranh giới cứng nhắc để phân biệt đối xử với các em. Em này hư ở học kì 1, nhưng có thể ngoan ở học kì 2 và ngược lại. Người giáo viên phải nắm chắc học trò của mình đang ở giai đoạn nào của nhận thức và tâm lí để có thể giúp các em phát triển đúng khả năng, hạn chế tính cách tiêu cực, tìm con đường đúng của mình. Vì thế, khái niệm “học sinh cá biệt” ở đây không có nghĩa là một sự mặc định, quy kết. Chính những em được cho là cá biệt này, chúng tôi sẽ lao tâm khổ tứ hơn cả, tâm huyết hơn cả, sống chết hơn cả.

Quyền của thầy không phải là đánh học trò

Tôi cũng đồng ý với bạn rằng quyền của người thầy không có nghĩa là đánh học trò, và đánh chưa bao giờ được coi là quyền của bất cứ ai. Tôi dám chắc với bạn rằng không thầy cô nào muốn đánh học trò của mình, và cũng không thầy cô nào bỗng dưng đánh học trò vì lí do cá nhân. Hành động đánh học trò là việc khó chấp nhận, và lỗi đầu tiên sẽ thuộc về thầy.

Nhưng chắc là bạn mới chỉ dạy đối tượng người lớn, bạn chưa dạy trẻ con. Một trời một vực đấy bạn ạ! Học sinh THPT chưa phát triển về nhân thức, chưa hoàn thiện về tính cách, mọi suy nghĩ hành động đều có thể lệch lạc. Sự lệch lạc ấy đôi khi khiến người thầy không kiềm chế được nóng giận và dẫn đến những hành động sai lầm. Tôi không bào chữa cho hành động này nhưng tôi thử trích một trường hợp có thật của một độc giả cũng là giáo viên.

 “Em HS đó thường xuyên không bỏ áo vào quần theo qui định của nhà trường (đơn giản là không thích) tôi đã nhắc em ra ngoài bỏ áo vào quần nhưng em đó không chịu đứng đi, tôi gọi em đứng dậy nhưng mặt dương dương tự đắc đầy thách thức và quyết không nghe. Tôi nói em thường xuyên không thực hiện nội quy nếu lần sau tiếp tục tái phạp thầy sẽ kỷ luật em. Học sinh đó lớn tiếng thách thức và định đánh thầy: Đù mẹ mày, tau ưng mặc gì kệ tau. Vậy xin người viết bài này xử lý giúp tôi với???”

Đây chỉ là một trường hợp nhỏ, nếu bạn là giáo viên, bạn sẽ ứng xử thế nào?

Tôi cũng chắc một điều bạn chỉ dạy theo khóa học, theo đợt học, và bạn cũng dạy theo hình thức được mời dạy, hơn nữa bạn cũng không chịu trách nhiệm về kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh mình dạy. Bạn cứ thử dạy 5 năm, 10 năm hay gắn cả đời mình vào nghề dạy học, chịu trách nhiệm về học trò của mình, chưa nói đến việc chịu bao nhiêu áp lực của quy chế ngành,  của ban giám hiệu, của phụ huynh và của chính học sinh, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề khác ngay.

Chúng tôi luôn muốn được có quyền như bạn nói, đó là quyền được lựa chọn tri thức để dạy. Nhưng bạn có biết không, chúng tôi buộc phải thực hiện nội dung phân phối chương trình theo quy định, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn là sáng tạo về phương pháp mà thôi. Bạn bảo rằng “Các thầy cô giảng lúc nào cũng hăng say, nào đâu biết sự nhàm chán và mệt mỏi của học trò”, Theo bạn chúng tôi nên làm gì? Chúng tôi không thể không giảng hăng say, ngoài việc hăng say chúng tôi còn phải cố gắng tìm phương pháp tự làm mới bài học mà có thể mình đã giảng đi giảng lại hàng trăm lần.

Trong một lớp học 45 em, không phải em nào cũng giỏi và như bạn. Có những em cố gắng lắm mới tiếp thu được tri thức theo yêu cầu cơ bản của SGK, có những em muốn khám phá những điều mới mẻ ngoài chương trình. Tiết dạy của chúng tôi 45 phút nhưng cũng phải chia 5 xẻ 7 để phù hợp với yêu cầu của từng em.

Hồi học THPT, chắc chắn xung quanh bạn nhiều học sinh khá, giỏi nên bạn không thể hình dung nhiều học trò mà chúng tôi đang dạy. Các em chưa bao giờ đọc SGK trước ở nhà, đừng có nói đến chuyện làm bài tập, ngoài thời gian đi học thì chỉ vùi đầu vào điện tử. Khi tôi hỏi tại sao em chưa học bài, tối qua em làm gì, học sinh trả lời cộc lốc: “Chơi”. Có gặng hỏi thêm bất cứ điều gì, em cũng không nói. Đến khi thu tiền (do nhà trường yêu cầu - đây là điều mà chúng tôi mệt mỏi nhất), em học sinh có thừa vài ngàn đồng, tôi trả lại, em nói: “thôi, em bố thí cho cô đấy”. Tôi không kiềm chế được, đuổi em ra khỏi lớp, em đi luôn và giơ tay vẫy rồi nói: “Bai bai”. Bạn đã gặp học trò nào như thế chưa? Không phải học sinh cá biệt nào cũng được như bạn đâu, được thế thì chúng tôi mừng quá!

Tôi rất muốn bạn gặp gỡ và nói chuyện với những cô giáo trẻ ở trường tôi, các cô mới ra trường vài năm thôi, rất tâm huyết với nghề, không quản nắng mưa lặn lội hàng chục km tìm đến nhà những học trò cá biệt để tìm hiểu. Có những cô thành công, những có cô đã thất bại, có cô ngồi khóc tu tu giữa phòng họp hội đồng vì bất lực, vì bị xúc phạm, vì cảm thấy cô đơn... Có gặp những con người này, bạn sẽ thấm thía giáo dục là cả một chặng đường có mồ hôi, có nước mắt, có cả sự cô đơn, cay đắng…của người giáo viên.

Những người giáo viên thực thụ không như bạn nghĩ đâu, họ không nghĩ mình là “vị thánh”, không “nhân danh đạo đức hay bất cứ động cơ tốt đẹp nào để áp đặt, nhục mạ hay trừng phạt thể xác của các em; hay tự đặt ra "quyền" cho mình, độc chiếm mọi đạo lý”. Chúng tôi không mượn câu nói của người này, người kia để triết lí về giáo dục, chúng tôi cũng không định triết lí về giáo dục, chúng tôi chỉ lấy chính đời mình, chính những vui buồn đã gắn với nghiệp của mình mà trăn trở, suy ngẫm.

Cô giáo Trang Nhung