- Gần 300 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, triết lý giáo dục, trò đánh thầy, diễn đàn quyền làm thầy... là những sự kiện giáo dục "nóng" trong tuần qua.

Hơn 300 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng

{keywords}
Các giáo viên đang bức xúc kể lại sự việc (Ảnh Văn Chung)

Sự việc hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bị cắt hợp đồng giảng dạy sau đợt thi tuyển viên chức là tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Tháng 9/2013, UBND huyện Yên Phong có văn bản xét tuyển 612 viên chức ngành GD-ĐT do 10 năm qua, huyện Yên Phong không có đợt thi hay xét tuyển viên chức ngành giáo dục lần nào dẫn đến số lượng chỉ tiêu rất lớn.

Theo đó, rất nhiều giáo viên ký hợp đồng có thâm niên của huyện phải cạnh tranh với nhiều đối tượng có bằng đại học, thạc sĩ loại giỏi mặc dù nhiều người chỉ có chứng chỉ sư phạm học trong 1,5 tháng. Sau đợt xét tuyển hồ sơ và thi phỏng vấn (trong 4 câu hỏi chỉ có 1 câu có nội dung liên quan đến chuyên môn, còn lại là về chính sách, luật giáo dục), kết quả là 300 giáo viên hợp đồng thấp điểm hơn hẳn so với các ứng viên trẻ tuổi. Có những trường có ½ đến 2/3 giáo viên hợp đồng nhưng chỉ đỗ vài người.

Trả lời về sự việc này, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Phong cho biết đề xuất ưu tiên cho những giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp, có nhiều thành tích không được cấp trên chấp thuận.

Đại diện Sở Nội vụ Bắc Ninh cho biết đã từng xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng đặc cách những giáo viên này song không nhận được bất cứ trả lời chính thức nào từ Bộ. Về đề xuất cộng điểm ưu tiên cho những giáo viên có thâm niên, thành tích, vị đại diện này trả lời “quy định cộng điểm ưu tiên không có trong luật tuyển viên chức nên lãnh đạo tỉnh không thông qua”.

Trong buổi làm việc với Bộ Nội vụ sáng 9/5, trước mắt thống nhất 261 giáo viên không trúng tuyển vẫn được lên lớp cho đến hết năm học. Ông Nguyễn Văn Bang - Chủ tịch UBND huyện Yên Phong nhận trách nhiệm về việc để dồn ứ đến 7 năm mới tiến hành tuyển dụng công chức. Đồng thời, ông Bang cũng cho biết, sau khi tuyển xong huyện vẫn còn thiếu 164 chỉ tiêu giáo viên do một số giáo viên nghỉ hưu, một số chuyển công tác và chỉ tiêu tăng do tăng thêm trường tiểu học. Giải pháp được đề xuất là ký hợp đồng cho 164 trường hợp giáo viên đã trượt đợt vừa rồi.

Tranh cãi quyền làm thầy

{keywords}

Thầy Phúc đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trùng Dương

Trong khi vụ việc trò cũ đánh thầy chấn thương sọ não vừa xảy ra với một thầy giáo của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Đắk Lắk) thì diễn đàn về quyền làm thầy trong tuần qua thu hút sự quan tâm của độc giả và gây nhiều tranh cãi.

Đầu tháng 5, nhà trường nơi thầy Kiều Tấn Phúc (SN 1977) công tác phát hiện thầy có những dấu hiệu bất thường đã đưa đi bệnh viện nhưng gia đình và  các đồng nghiệp vẫn không rõ nguyên nhân cho đến khi nghe nhiều người dân cho hay thầy bị đánh lúc đi chơi hồi cuối tháng 4.

Theo xác minh của công an thì một số thanh niên là học trò cũ và học sinh đang học tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những hành động vũ lực với thầy Phúc.

Trên diễn đàn quyền của người thầy, nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ sự vất vả, khó khăn khi phải ứng xử với những học sinh cá biệt. Mặc dù đã có sự thông cảm, chia sẻ, lắng nghe tới hoàn cảnh, nguyện vọng của các em, nhưng có những trường hợp các em bất cần, xấc xược mà không ít thầy cô phải bỏ cuộc. Có cô giáo tâm sự nhiều lần bức xúc đến mức về nhà không nuốt nổi cơm vì học sinh hỗn láo trong khi phụ huynh lại bỏ bê con cái, phó mặc cho nhà trường.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng không thể phân loại mỗi đứa trẻ để gắn cái mác "học sinh ngoan", "hư" hay "cá biệt". Mỗi học sinh là một thế giới nội tâm đầy phức tạp mà người giáo viên cần phải khám phá. Độc giả này cho rằng giáo viên không nên nản lòng trước những học sinh "không ngoan", mà cần phải có phương pháp riêng cho những học sinh này, chứ không nên áp dụng một kiểu cho tất cả.

Giáo dục Việt Nam đã có triết lý?

Một lần nữa vấn đề triết lý giáo dục lại được bàn luận giữa các chuyên gia giáo dục trong bối cảnh Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT đang được tạm hoãn trình Quốc hội để hoàn thiện thêm.

TS Lương Hoài Nam cho rằng triết lý giáo dục có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nội dung, phương pháp dạy và học. Như giáo dục Mỹ có những triết lý giáo dục rõ ràng, thuyết phục, nhờ thế mà có chất lượng tốt bậc nhất thế giới.

"Thật khó hình dung một nền giáo dục mà thiếu triết lý giáo dục. Nếu nói là giáo dục Việt Nam chưa có triết lý giáo dục thì điều này thật khó chấp nhận. Nhưng nếu giáo dục Việt Nam đã có triết lý giáo dục, thì triết lý đó như thế nào, bao gồm những nội dung gì?" - TS Lương Hoài Nam đặt câu hỏi.

Trong khi đó, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thì khẳng định rằng "triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương".

Phản biện lại khẳng định này, TS Giáp Văn Dương cho rằng triết lý giáo dục được hiểu là những khái quát ngắn gọn được sử dụng làm định hướng vận hành cho cả hệ thống giáo dục. Nhưng "Tìm đọc Nghị quyết 29 thì thấy rằng nghị quyết này dài hơn mười trang A4, nội dung được trình bày trong hơn 7.000 từ. Vậy thì thử hỏi ai có thể nhớ được để mà vận dụng và để gọi nó là triết lý giáo dục được?" - ông nói.

Theo ông, triết lý giáo dục vẫn đang được xem là điểm bế tắc của hệ thống giáo dục Việt Nam. Mọi bất cập hiện có, và sự thất bại của các cuộc cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua, đều có thể truy nguyên về việc thiếu vắng một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt.

Luyện thi vào lớp 6 "căng" hơn đại học

{keywords}
Ảnh minh họa: Sài Gòn Tiếp Thị

Tuần qua, các báo phản ánh tình trạng luyện thi vào lớp 6 các trường chuyên căng thẳng và tốn kém hơn cả thi đại học. Báo Tuổi Trẻ chia sẻ câu chuyện ôn thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) khiến nhiều người choáng váng.

Để thi đỗ vào lớp 6 trường này, gia đình phải cho bé học luyện thi 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh từ đầu năm lớp 5. Tổng chi phí các loại học thêm của bé này là 7,5 triệu đồng/ tháng. Được biết, tỷ lệ chọi của trường này luôn ở mức 1/11 - còn cao hơn cả tỷ lệ chọi thi đại học của nhiều trường.

Tương tự, theo phản ánh của báo Thanh Niên, các trường chuyên ở Hà Nội cũng có tỷ lệ chọi cao chót vót. Như trường chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ tuyển 200 chỉ tiêu vào lớp 6 với 2 vòng sơ tuyển và thi tuyển. Chỉ học sinh giỏi 4 năm liền ở bậc tiểu học, tổng điểm thi học kỳ 2 lớp 5 hai môn toán và tiếng Việt phải đạt từ 19 điểm trở lên mới được dự thi. Về bài thi, theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, dù là HS giỏi theo cách đánh giá của chương trình mà không luyện thi theo kiểu “gà nòi” cũng sẽ không thể làm được bài thi tuyển sinh của trường này. 

Trong khi đó, trường dân lập Marie Curie thường có tỷ lệ chọi là 1/20 với mức học phí vừa tăng lên đến hơn 10 triệu đồng/ tháng. Như vậy, để vào được trường này, HS phải đảm bảo 2 yếu tố: vừa học giỏi, vừa là… con nhà giàu.

7 trường không được tuyển sinh lớp 10

Hôm 8/5, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ vừa công bố quyết định 7 trường THPT ngoài công lập chưa đủ điều kiện giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2014-2015. 7 trường gồm: THPT Phú Bình (Quốc Oai), THPT Nguyễn Tất Thành (Sơn Tây), DL Phùng Khắc Khoan (Sóc Sơn), THPT Hồng Bàng, THPT DL Đông Nam Á, THPT Tô Hiệu (Gia Lâm)  và THPT Ngô Gia Tự (Thanh Xuân).

28 ngành được tuyển sinh trở lại

Ngày 6/5, Bộ GD-ĐT cho biết đã có thêm 28 ngành đào tạo tại 19 cơ sở giáo dục ĐH được phép tuyển sinh trở lại ngay năm 2014.

Lý do để các ngành này được tuyển sinh trở lại, theo Bộ GD-ĐT, là đã bổ sung đáp ứng điều kiện về giảng viên cơ hữu theo quy định.

Như vậy, đến thời điểm này đã có 126 ngành đào tạo trong số 207 ngành bị Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh vào tháng 1-2014 được tuyển sinh trở lại.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)