- UBND huyện Yên Phong, sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh trả lời VietNamNet xung quanh những nghi vấn việc tuyển dụng sai chức danh nghề nghiệp, thu bảng điểm trước khi phỏng vấn, vấn đề về hội đồng kiểm tra sát hạch.
Người kiểm tra không nhất thiết có chuyên môn với ứng viên
Việc thành lập thành viên kiểm tra, giám sát trong đó phần lớn ít liên quan đến chuyên môn nghề giáo thì liệu có khách quan, đánh giá đúng năng lực ứng viên?
Ông Nguyễn Duy Phúc, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Phong: 6 thành viên của hội đồng được thành lập dựa trên khoản 3, Điều 23 Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức (Ban hành kèm Thông tư số 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ).
Giáo viên các trường THCS tại Yên Phong (Bắc Ninh) bày tỏ sự bức xúc vì bị đẩy ra đường dù đã có nhiều năm công tác, cống hiến cho ngành (Ảnh: V.Chung) |
Căn cứ vào các quy định nêu trên UBND huyện đã thành lập Ban kiểm tra, sát hạch gồm 6 ông (bà) có đủ các điều kiện nêu trên, trong đó có 1 người là chuyên viên chính, 5 người có trình độ tiến sĩ, thạch sĩ (trong đó 3 người tốt nghiệp đại học chính quy ngành sư phạm, đến nay có 2 người thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục, 1 người là tiến sĩ chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học môn sinh học) và 2 thạc sĩ chuyên ngành khác.
6 thành viên Ban kiểm tra, sát hạch được chia làm 3 bàn phỏng vấn và mỗi bàn đều có một người chuyên môn về giáo dục. Nội dung phỏng vấn vừa có phần kiến thức pháp luật về viên chức, về ngành giáo dục, vừa có kiến thức chuyên môn theo từng vị trí việc làm. Đề phỏng vấn do một đơn vị độc lập ra đề, có đáp án và thang điểm cụ thể, có số đề dư so với số thí sinh theo đúng quy định nên đảm bảo đánh giá đúng năng lực của người dự thi.
Mặt khác, trong Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Thông tư 16/2012/TT/BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ cũng không có điều nào quy định người phỏng vấn, kiểm tra và sát hạch phải có trình độ chuyên môn đúng của người dự thi.
Thiếu người nên phải tuyển thêm
Theo thông báo thì mỗi chức danh nghề nghiệp sẽ có tiêu chuẩn tuyển dụng, yêu cầu chuyên ngành tốt nghiệp. Tuy nhiên, một số chức danh tuyển dụng không đúng theo thông báo. Chẳng hạn như tốt nghiệp chuyên ngành sinh học, lý-kỹ thuật công nghiệp lại trúng tuyển viên chức thí nghiệm, thiết bị,…?
Trong kế hoạch 523/KH-UBND ngày 06/9/2013 của UBND huyện Yên Phong về việc xét tuyển viên chức ngành GD-ĐT năm 2013. Cụ thể đối với viên chức thiết bị, thí nghiệm nêu: Tuyển dụng vào chức dành nghề nghiệp Kỹ thuật viên, mã số 13.096 đối với trình độ Trung cấp; chức danh nghề nghiệp kỹ sư (cao đẳng) mã số 13a.095 đối với trình độ CĐ, Chức danh nghề nghiệp kỹ sư, mã ngạch 13.095 đối với trình độ Đại học. Ưu tiên tuyển dụng đối tượng đào tạo đúng chuyên môn (trình độ Trung cấp thiết bị - Thí nghiệm trở lên) sau đó nếu còn chỉ tiêu thì xem xét các đối tượng được đào tạo các bậc học ngành sư phạm tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng về ngiệp vụ công tác thiết bị ở trường phổ thông.
Như vậy đối với viên chức thiết bị, thí nghiệm các trường THCS yêu cầu người dự tuyển nếu tốt nghiệp các chuyên ngành phù hợp như: Lý, Hóa, Sinh, Tin, Công nghệ, Kỹ thuật nông nghiệp, Kỹ thuật Công nghiệp,…Nếu có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác thiết bị là đủ điều kiện dự tuyển.
Do đó, việc tuyển dụng viên chức giáo dục (trong đó có các viên chức hành chính như thiết bị thí nghiệm, thư viện) là đúng quy định.
Ông Nguyễn Công Trình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh: Nhận kế hoạch của huyện Yên Phong, chúng tôi cũng khá băn khoăn và có trao đổi lại rằng huyện cần hết sức cân nhắc. Nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc huyện Yên Phong.
Ông Nguyễn Công Trình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, sở Nội vụ Bắc Ninh (Ảnh: V.Chung) |
Không có cơ sở chuyện nâng điểm ứng viên con ông cháu cha
Theo phản ánh có nhiều người thuộc con cháu, người nhà lãnh đạo luyện có điểm thi phỏng vấn cao, trong đó có những người mới tốt nghiệp ĐH. Theo ông, điều này có phải là dấu hiệu bất thường hay không?
Quá trình phỏng vấn được diễn ra minh bạch, công khai dưới sư giám sát của các cơ quan chức năng. Việc cho điểm người dự thi được dựa trên kết quả trả lời của thí sinh theo câu hỏi được bốc thăm ngẫu nhiên, đối chiếu theo thang điểm đáp án. Nên không có cơ sở khẳng định viên ưu tiên điểm phỏng vấn cho con cháu, người nhà lãnh đạo huyện.
Điểm phỏng vấn, Ban kiểm tra, sát hạch cho điểm độc lập, kết quả trúng tuyển không chỉ căn cứ vào điểm phỏng vấn mà phải căn cứ vào điểm học tập, điểm tốt nghiệp của người dự tuyển.
Trong thời gian diễn ra phỏng vấn, cán bộ ban kiểm tra sát hạch bị cách ly hoàn toàn và có sự giám sát của ban giám sát sở Nội vụ (do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập), cán bộ phòng PA83 công an tỉnh, cán bộ công an huyện tham gia giám sát, bảo vệ 24/24. Như vậy quá trình phỏng vấn diễn ra đúng quy định và trong thời gian phỏng vấn không có dấu hiệu bất thường nào xảy ra.
Hẹp thời gian, điểm phỏng vấn chưa công bố ngay
Theo kế hoạch của Yên Phong, kết quả phỏng vấn sẽ được công bố sau đó ứng viên mới nộp bảng điểm để đảm bảo sự khách quan. Tại sao khi làm họ lại thu bảng điểm trước khi phỏng vấn?
Ông Nguyễn Công Trình: Yên Phong không có văn bản thông báo về việc này cho sở nhưng việc thay đổi tôi nghĩ có lý do vì số thí sinh đi lại đông, họ muốn sau phỏng vấn sau 1-2 ngày rồi sẽ công bố. Biết thông tin sở yêu cầu Yên Phong phải bố trí bộ phận thu bảng điểm phải tách biệt, độc lập với bộ phận phỏng vấn, thu điểm theo từng bàn từng phòng và niêm phong cẩn mật.
Khu vực thu bảng điểm cách vị trí phỏng vấn từ 15-20m. Nếu để lọt thông tin điểm học tập là không có.
Phó GĐ Sở Nội vụ Bắc Ninh Nguyễn Trọng Bình. (Ảnh: Văn Chung) |
Tại sao không cho điểm và công bố cho thí sinh ngay mà đợi ghép điểm học tập, điểm tốt nghiệp với điểm phỏng vấn rồi mới công bố?
Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó GĐ sở Nội vụ Bắc Ninh: Nhưng quy trình làm rất chặt, giám khảo không thể sửa chữa điểm phỏng vấn.
Do khung thời gian kiểm tra sát hạch là 15 phút, thí sinh thi gối nhau mà rất đông như vậy nên hai giám khảo đã cho điểm ngay khi phỏng vấn nhưng chưa công bố. Tôi thấy nếu có khung thời gian nên công bố điểm ngay thì tốt.
- Văn Chung (thực hiện)