- Chuyện Việt Nam dạy ngoại ngữ không giống ai lại được nhắc tới trong phiên
trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội sáng 11/6. Trong bài viết tâm huyết gửi
VietNamNet - GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã chắt lọc về
tầm quan trọng, kinh nghiệm của các nước láng giềng - như một tham chiếu để bàn
thêm về sự cần thiết của việc dạy và học tiếng Anh. VietNamNet xin giới thiệu
bài viết dưới đây.
Tầm quan trọng của tiếng Anh
Chúng ta đã được đọc, được nghe nhiều người Việt Nam và người nước ngoài nói về tầm quan trọng của tiếng Anh đối với mỗi một con người và mỗi đất nước. Khi nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, chúng ta không quên các ngoại ngữ khác. Vì ẩn sâu phía sau mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa và biết thêm được một ngôn ngữ như mở thêm được một cửa sổ ra vườn hoa đầy hương sắc bên ngoài.
UNESCO cũng luôn chủ trương tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.
Tiết học tiếng Anh của học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đuốc sống (quận 1 - TP.HCM) |
Vấn đề là ở chỗ ngày nay những công dân toàn cầu phải sử dụng tối ưu thời gian sống và làm việc của họ, nói riêng là cần phải học và sử dụng (những) ngoại ngữ nào. Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất.
Theo tôi đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác. Vì chính các nước khi dùng một thứ tiếng quốc tế nào đó là tiếng mẹ đẻ của mình họ cũng coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một.
Chúng ta đều biết, cùng với Công nghệ Thông tin (CNTT) - ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh - là hai công cụ có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu trong thời đại toàn cầu hóa, đối với mỗi con người, mỗi công dân toàn cầu, và đối với mỗi đất nước, mỗi dân tộc.
Đáng mừng là nhờ Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị ban hành ngày 17/10/2000, CNTT đã được phát triển nhanh chóng cùng với nhiều ứng dụng phong phú, đa dạng trong toàn xã hội.
Nếu như Bộ Chính trị sớm ban hành được một chỉ thị tương tự về ngoại ngữ, về tiếng Anh, nếu như toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc thì việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước chúng ta, nói riêng là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục, góp phần tích cực để phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ..., để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường.
Theo thống kê mấy năm trước đây của Hội đồng Anh: Có 370 triệu người bản ngữ nói tiếng Anh và 375 triệu người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Như vậy có 745 triệu người nói tiếng Anh. Con số này chắc tăng nhanh lên hàng ngày. Đó là chưa kể đến hàng mấy trăm triệu máy tính trên khắp thế giới này lại chỉ được con người ”dạy” để ”nói và nghe” tiếng Anh và các phần mềm chủ yếu được viết bằng tiếng Anh.
Bài học từ Singapore và Malaysia
Xin nêu vài ví dụ để tham khảo và so sánh. Năm 1965, Singapore tách ra thành một đảo quốc độc lập từ Malaysia. Với diện tích 697,25 km2, chỉ xấp xỉ bằng huyện Cần Giờ, TP.HCM và dân số 5,1 triệu người (năm 2010) - Singapore xuất phát từ một làng chài nghèo, đến nước uống cũng không có, phải mua của Malaysia.
Vì thế Thủ tướng Lý Quang Diệu (cựu sinh viên luật của Đại học Cambridge, là Thủ tướng từ năm 1959 - 1990) ngay từ đầu đã xác định rằng nước mình không có một nguồn tài nguyên nào hết, tất cả phải nhờ cái đầu, đi lên bằng cái đầu, bằng nguồn nhân lực và tài năng.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT |
Singapore có ba nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Cả ba vẫn duy trì tiếng nói, văn hoá và bản sắc của mình, nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh. Hiện nay trên 20% số sinh viên trên đất Singapore là người nước ngoài, có thể bằng học bổng của Singapore, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì ở lại làm việc tại Singapore để trả nợ.
Một số trường phổ thông chất lượng cao và đại học có uy tín quốc tế của Singapore đã trực tiếp sang Việt Nam hoặc qua internet, tổ chức hội thảo du học, trại hè,... để tìm học sinh, sinh viên và NCS tài năng thu hút về học tập và nghiên cứu ở nước họ.
Như vậy, họ không chỉ biết khai thác trí tuệ của 4-5 triệu người của mình mà cả hàng triệu người nước ngoài, nhất là người có tài. Sự khôn ngoan của họ lại làm tôi nhớ đến câu thơ rất hay của Cao Bá Quát “kho trời chung, mà vô tận của mình riêng”.
Trong một số lần sang thăm và trả lời phỏng vấn tại Việt Nam, ông Lý Quang Diệu cho rằng đó là lợi thế của Singapore trong hội nhập quốc tế và còn khuyên thế hệ trẻ nước ta ngày nay phải nhanh chóng thành thạo tiếng Anh thì mới làm ăn và cạnh tranh được trên thế giới.
Trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, Bộ Giáo dục nước này quyết định dùng luôn sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho trường học của mình, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Đây có lẽ là một trong số các cách nhanh nhất, khoa học nhất, tiết kiệm nhất để cập nhật, hiện đại hoá nền giáo dục và nói riêng là biên soạn sách giáo khoa, bảo đảm các nguyên tắc của khoa học sư phạm hiện đại, vì các nước phát triển lâu đời như nước Anh đã có truyền thống với nhiều chuyên gia khoa học và giáo dục rất giỏi.
Rồi không chỉ đối với giáo dục phổ thông mà ngay cả những trường đại học nổi tiếng hàng đầu của Singapore từ lâu đã sử dụng luôn chương trình giảng dạy về khoa học và công nghệ, sách giáo khoa và sách tham khảo, áp dụng việc thi cử và bằng cấp của các đại học đứng đầu thế giới như Harvard, MIT (của Mỹ) và Cambridge, Oxford (của Anh).
Trong khi đó Malaysia, nước láng giềng bên cạnh, thì lại chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả là rất nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra học nước ngoài, trong đó có nhiều thanh thiếu niên giỏi, nhiều con nhà giàu, khiến mỗi năm bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ Đô la Mỹ và chất lượng đại học đi xuống.
Cách đây ít năm, sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu mọi người Mã Lai hãy trở lại với tiếng Anh và cá nhân ông gương mẫu học trước. Nói vậy thôi, nhưng có lần vào khoảng đầu những năm 2000, khi tham dự Hội nghị thường niên của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SEAMEC) được tổ chức tại Kinabalu (Malaysia), tôi nghe ông phát biểu trơn tru bằng tiếng Anh thứ thiệt trong suốt một giờ đồng hồ mà không cần cầm giấy tờ, trợ lý, phiên dịch gì cả.
- GS Trần Văn Nhung
(*Tiêu đề bài báo do Tòa soạn đặt)