- Thời gian gần đây, nhiều địa phương liên tiếp ban hành các văn bản quản lý việc dạy thêm học thêm trên địa bàn của mình, với những quy định khác nhau.
Chấn chỉnh học thêm trong hè
Ngay từ trước khi kết thúc năm học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản nghiêm cấm ép học sinh học thêm trong hè, với quy định: Tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh chỉ được triển khai sau ngày 15/7 trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc học thêm trong dịp hè dưới bất kỳ hình thức nào.
Nghiêm cấm tổ chức dạy trước chương trình của năm học 2014 – 2015 và tổ chức ôn tập, luyện thi, thi, kiểm tra (có thu tiền) để xếp chọn học sinh vào lớp chọn, lớp phân ban đối với các lớp tuyển sinh đầu cấp.
Hiệu trưởng các nhà trường, Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên lập kế hoạch ôn tập văn hóa trong dịp hè cho những học sinh có nguyện vọng được phụ đạo hoặc bồi dưỡng chú ý đối tượng học sinh yếu, kém và chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thê, học thêm của đơn vị mình theo đúng quy định về dạy thêm, học thêm của UBND thành phố Hà Nội.
Mới đây, Sở GD-ĐT Thái Bình cũng phải đưa ra biện pháp chấn chỉnh dạy học thêm trong dịp hè. Theo Sở GD-ĐT Thái Bình, hiện tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là ở khu vực thành phố và thị trấn. Sở GD-ĐT Thái Bình yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT và Hiệu trưởng các trường tiểu học trong tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Hiệu trưởng các trường tiểu học có trách nhiệm nhắc nhở, kiểm tra, việc dạy thêm trái quy định của giáo viên do mình quản lý và xử lý kỷ luật khi vi phạm, báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra xử phạt hành chính theo quy định.
Bên cạnh các giải pháp quyết liệt thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh cũng cần được chú trọng, cần giúp cha mẹ học sinh hiểu tác hại của việc học thêm, học nâng cao, học trước chương trình, học ngoài chương trình... Từ đó có sự hướng dẫn, tư vấn cho cha mẹ học sinh tránh chạy theo tâm lý đám đông và quá kỳ vọng vào con em mình, nhất là ép trẻ học sớm, ép trẻ làm quá nhiều bài tập tham khảo, bài tập nâng cao trong dịp hè...
Không chỉ đạo chung chung, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh công bố cụ thể các trường hợp được phép dạy thêm, học thêm trong hè 2014.
Cụ thể, các trường THPT có thể tổ chức các lớp ôn thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2014 cho học sinh của trường trên tinh thần học sinh tự nguyện đăng ký và đã có kế hoạch cụ thể được Sở cấp phép từ đầu năm học 2013 - 2014. Việc tổ chức ôn thi chỉ thực hiện trong tháng 6/2014.
Việc ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT kết thúc trước ngày 24/6.
Thời gian dành cho ôn tập kiến thức cho đối tượng học sinh xếp loại học lực yếu trong năm học 2013 - 2014 chỉ tổ chức trong thời gian từ đầu tháng 8/2014, kết thúc trước ngày 15/8 và không được thu tiền của học sinh.
Sở giao trường THPT Chuyên Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và thông báo cho các đơn vị có học sinh được tham dự kỳ thi chọn đội dự tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh, bắt đầu từ ngày 1/7. Học sinh tham gia bồi dưỡng không phải nộp tiền học.
Quản học thêm: Mỗi nơi một khác
Trong khi TPHCM gây xôn xao dư luận với việc bỏ cấp giấy phép dạy thêm, thì các địa phương khác có những quy định riêng tuỳ tình hình của địa phương.
Quảng Nam: Giáo viên không dạy thêm cho học sinh lớp chính khoá của mình. Giữa tháng 5/2014, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, không dạy thêm cho học sinh của lớp chính khóa mà giáo viên đang giảng dạy tại trường, trừ trường hợp giáo viên các trường phổ thông dạy thêm tại chính trường mình do Hiệu trưởng nhà trường phân công.
Không dạy thêm đối với học sinh mầm non, tiểu học và học sinh ở các cấp học khác đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại nhà trường. Các cá nhân không có bằng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không được mở lớp, không được tham gia giảng dạy tại các lớp dạy thêm, học thêm.
Giáo viên hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được phép tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Với trường học, tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải xin phép và có đơn tự nguyện của học sinh và được phụ huynh đồng ý xác nhận…
Ninh Bình: Quy định mức trần của phí học thêm. Quyết định sửa đổi, bổ sung, một số điều của quy định quản lý về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đưa ra mức trần phí dạy thêm, học thêm.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mức thu do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhưng không vượt quá số tiền thu tối đa một tiết/lớp học. Cụ thể, chương trình giáo dục tiểu học là 110.000 đồng; chương trình giáo dục trung học cơ sở: 140.000 đồng và trung học phổ thông là 230.000 đồng.
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài, mức thu do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm, nhưng không cao hơn 110% so với mức thu tối đa của từng đối tượng quy định tại mức thu dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Sở GD-ĐT Sơn La: Không tổ chức học thêm trong hè tại trường học. Ngày 12/6 vừa qua, Sở GD-ĐT Sơn La đã thông báo bãi bỏ Công văn số 854/SGDĐT-GDPT về việc hướng dẫn cấp phép dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, để thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Sơn La về việc quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Theo đó, nhà trường bố trí thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm trong năm học, không bố trí trong những tháng hè. Mỗi buổi dạy thêm, học thêm không quá 03 tiết học cho mỗi lớp (mỗi tiết 45 phút). Không tổ chức dạy thêm, học thêm sau 11 giờ 00' đối với buổi sáng, sau 17 giờ 30’ đối với buổi chiều, sau 21 giờ 30’ đối với buổi tối. Đối với học sinh tiểu học bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống: Dạy thêm, học thêm không quá 02 buổi/ tuần. Đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông: Dạy thêm, học thêm không quá 01 buổi/ môn/ tuần và không quá 04 buổi/ tuần.
Ninh Thuận: Người dạy thêm phải có giấy khám sức khỏe. Với quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn do UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành, người dạy thêm phải đảm bảo các tiêu chuẩn: đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học; đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, phẩm chất đạo đức; không trong trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm phải đảm bảo yêu cầu. Cụ thể, diện tích phòng học đảm bảo từ 1,1m2/ học sinh trở lên; bàn, ghế, bảng đúng quy cách, có các phương tiện trang thiết bị cần thiết khác phục vụ dạy học..
Đặc biệt, quy định bổ sung yêu cầu phải có giấy khám sức khỏe do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm.
Sóc Trăng: Học sinh trong lớp dạy thêm có học lực tương đương nhau. Theo Quy định về dạy thêm, học thêm UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành giữa tháng 5/2014, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức dạy thêm học thêm theo các lớp học chính khóa; Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào lớp dạy thêm học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Các tổ chức, cá nhân dạy thêm phải xin phép Sở GDĐT hoặc Phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố…
- Ngân Anh (tổng hợp)