- Thương cảm trước hoàn cảnh éo le của cậu bé Nguyễn Mạnh Dương, suốt 11 năm qua sư thầy Thích Thanh Ngọc đã đồng hành cùng gia đình em lo chạy chữa bệnh tật cho em. Kỳ thi ĐH, thầy thay mẹ là đôi chân đưa em tới trường thi.

Bố mẹ cậu bé Nguyễn Mạnh Dương gần như khóc cạn nước mắt khi phát hiện cậu con trai đầu lòng vừa 4 tháng tuổi đã bị bại liệt hai chân, còn hai tay hoạt động cũng kém. Dương không lẫy, không cử động chân tay bình thường như mọi đứa trẻ khác.

 BẤM ĐỂ XEM CLIP

Đi học mẫu giáo, cậu bé bị bạn bè trêu là “đứa không chân”, không ít lần Dương bị bạn bè đùa cợt khi tranh đồ dùng học tập mà “bất lực” không làm được gì.

Bố mẹ Dương chạy cầu cứu hết các bệnh viện từ Hải Dương, Hải Phòng đến Hà Nội để khám bệnh, châm cứu, chạy điện nhưng đều vô vọng.

Để di chuyển nhiều khi Dương phải bò từ trong nhà ra ngoài sân hay lớp học suốt 15 năm. Nhìn các bạn chạy nhảy chơi trò trốn tìm, nghịch ngợm ngoài sân Dương thích lắm, chỉ ao ước được một lần như vậy thôi.

Ba năm trở lại đây, khi tay và chân đã khỏe hơn, nhờ sự trợ giúp của người khác hoặc cây gậy, Dương có thể đi lại chậm chạp hoặc tự vịn vào tường, cầu thang để nhích dần từng bước.

Năm Dương lên lớp 4 thì thầy Thích Thanh Ngọc (trụ trì chùa Cảnh Linh, huyện Kim Thành, Hải Dương) biết được hoàn cảnh của em và nhận làm con nuôi. Nhìn cậu bé bò lết từ sân nhà ra ngoài ngõ, đầu gối rỉ máu khiến người thầy lòng đau quặn thắt.

Gia đình Dương khó khăn, thầy sẵn sàng lo hoàn toàn chi phí cho Dương trong lần mổ tại Hải Phòng với tâm niệm mong cho con có được đôi chân khỏe mạnh như bao bạn bè. Nhưng bác sĩ nói căn bệnh của Dương không thể chữa trị được.

12 năm qua, Dương đến trường trên đôi tay của bà ngoại, của mẹ và những người bạn cùng lớp. Nhiều lần mẹ con đèo nhau đi dưới trời mưa, đường trơn, ngã dúi dụi. Rồi mẹ lại dìu con đi tiếp.

Ngã đau Dương chịu đựng được, chân đau cũng thế. Nhưng điều khiến cậu học trò buồn nhất là khi bố mẹ ly hôn cách đây hơn 6 năm. Trước đó, bố mẹ em cũng ly thân nhiều năm liền. Dương và mẹ về ở với bà ngoại ở. Người em trai thì theo bố.

Ngày ngày mẹ đi làm ở xưởng làm da giầy gần nhà kiếm tiền nuôi em ăn học.

Không lùi bước

Gặp Dương, điều ấn tượng nhất chính là nụ cười tươi và niềm tin vào cuộc sống. Dương thích đi gặp bạn bè, hát cho mọi người nghe những bài về tình yêu, cuộc sống tươi đẹp.

{keywords}

Dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng Nguyễn Mạnh Dương luôn giữ được sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống (Ảnh: Văn Chung)

Dù đôi tay của Dương rất yếu, lực chỉ bằng 20% người bình thường nhưng Dương lại viết chữ rất đẹp. Suốt 9 năm học em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đến những năm THPT thì đạt tiên tiến do ảnh hưởng tâm lý khi bố mẹ chia tay.

Thầy Thích Thanh Ngọc nhớ lại: “Ngày cậu bé học lớp 5, chỉ vì không có điểm tổng kết môn thể dục nên không được lựa chọn thi học sinh giỏi. Do bố mẹ vất vả, không có thời gian chăm lo cho con nên cũng không làm đơn xin dự thi khiến Dương buồn lắm”.

Nhìn con ngoan ngoãn, chăm chỉ, thầy lại động viên “con yếu tay chân nhưng không được yếu về trí tuệ. Cứ cố gắng học hành, nếu đỗ ĐH thầy sẽ lo cho con ăn học”.

Gần ngày thi đại học, mẹ Dương xin nghỉ làm ở xưởng giày da nhưng không được đồng ý. Thầy Thích Thanh Ngọc lại tất bật lo chỗ ăn nghỉ và đưa đón em trong những ngày thi ở Hà Nội. Năm nay Dương thi vào Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thong của Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

“Nếu không đỗ ĐH em sẽ đi học nghề điện tử vì công việc phù hợp với sức khỏe của em” – Dương tâm sự.

Thầy Thích Thanh Ngọc cũng cam kết khi hết 4 năm đại học, nếu không có khả năng xin được việc vì sức khỏe yếu, thầy sẽ mở cho Dương một quán sửa chữa về điện tử ở quê.

  • Văn Chung