- Kết thúc môn thi Địa lý khối C, nhiều thí sinh không bất ngờ với chủ đề "Hoàng Sa - Trường Sa" và dễ chịu với câu hỏi sát thực tế về hiện tượng thiếu việc làm. Ở đề thi môn Toán khối B, các câu hỏi từ 7 - 9 mang tính phân hóa rõ khiến không ít sĩ tử "nhăn nhó".

Đề thi đại học môn toán khối B, D

Đề thi địa bám sát thực tế, thời sự

Tự tin với học lực khá - Nguyễn Thị Hồng Hạnh, học sinh Trường THPT Lạc Long Quân, TP. Hòa Bình thi vào ngành Quản lí nhà nước của HV Hành chính cho biết: Đề thi môn địa năm nay không khó và Hạnh dự tính mình được khoảng 7 điểm.

{keywords}
Nhiều thí sinh tự tin vì làm được bài sáng 9/7 (Ảnh: Văn Chung)

Hạnh cho biết, ý 2 của câu II hỏi vì sao thất nghiệp, thiếu việc làm ở VN hiện còn gay gắt theo Hạnh cũng là câu hỏi hay, gần gũi với đời sống xã hội và phù hợp với nhận thức, kiến thức của học sinh. Hạnh cho biết trong bài em nói do dân số đông, cơ cấu việc làm chưa phù hợp, ngành nghề thủ công nghiệp chưa đươc phát triển nên ở nhiều nơi tình trạng người dân thất nghiệp, phải ra thành phố kiếm việc hoặc làm nhiều việc vất vả. Theo Hạnh đồng thời phát triển ngành nghề thủ công sẽ tạo việc làm cho người lao động bên cạnh việc tiếp tục đào tạo sinh viên có tay nghề cao, chuyên môn sâu sau ra trường.

Câu II (2 điểm) hỏi “Trình bày việc phát triển nghề cá và du lịch biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Vì sao đánh bắt hải sản xa bờ đang được đẩy mạnh ở vùng này” theo Hạnh cũng bám sát thời sự và khơi gợi cho người học ý thức về chủ quyền và việc cần thiết phải thúc đẩy những thế mạnh về các nghề biển như đắnh bắt thủy hải sản xa bờ...

Tại hội đồng thi trường ĐH Công đoàn, thí sinh Trịnh Thị Thu Anh đến từ Xuân Trường, Nam Định rời phòng thi trong tâm trạng phấn khởi vì làm được 100% bài địa lý. Theo Thu Anh, bài tính toán của đề địa lý vừa sức, và tất cả 3 câu hỏi lý thuyết đều phải vận dụng kiến thức thực tiễn mới trả lời được.

Tuy nhiên, hai thí sinh Minh Liên và Xuân Thu cùng đến từ Điện Biên và cùng dự thi vào trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) lại tỏ ra kém vui với kết quả làm bài của mình. Minh Liên cho biết làm được 40%, Xuân Thu làm tốt hơn, được khoảng 60%.

Đề địa lý năm nay tiếp tục có các câu hỏi liên quan tới biển đảo, với một phần của câu 1 và câu hỏi thứ 3. Một thí sinh cho biết khó nhất đối với em là phần 2 của câu I: Vì sao tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt? Trình bày các hướng giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta. “Em cũng đọc báo, xem thông tin trên mạng và cuối năm cũng được thầy cô tư vấn chọn nghề cho, nhưng em thấy các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp rồi mà vẫn chưa thay đổi được gì, nên em làm bài theo các thông tin thu nhận được từ những gì đã đọc thôi chứ em cũng chẳng biết giải pháp nào nữa” – thí sinh này nhận xét. 

{keywords}
Nhưng cũng có không ít thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng không vui (Ảnh: Văn Chung)

Tại Hội đồng Trường THPT số 1 Tuy Phước và Trường ĐH Quang Trung (cụm thi Quy Nhơn), thời gian làm bài mới trôi qua 2/3 thời gian nhưng có khá nhiều TS rời phòng thi, ra khuôn viên trường ngồi vì không hoàn thành tốt bài thi.

Nhận xét về đề thi khối C môn địa nhiều thi sinh cho rằng vừa sức, học kỹ kiến thức SGK là làm bài điểm 6-7. Đây cũng là nhận xét của thí sinh tại hội đồng thi Trường ĐH Quy Nhơn. Nhiều thí sinh ra sớm tự tin làm được khoảng 80%...Thí sinh Nguyễn Thị Thúy nhận xét đề địa chỉ khó câu vẽ biểu đồ, tính toán rồi vẽ biểu đồ là hơi phức tap. Còn lại các câu hỏi nằm hết trong SGK.

Đề thi môn toán khối B D: Nhiều thí sinh than khó

Thí sinh Anh Đức (trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết đề toán khối D không có dạng lạ. Vẫn giống như đề thi khối A, đề toán không còn chia hai phần chung và phần riêng như những năm trước. Anh Đức làm được khoảng 70% bài thi.

Kết thúc giờ làm bài thi môn Toán, tại một số cụm thi liên trường thành phố Quy Nhơn, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng không vui. Nhiều thí sinh được hỏi cho hay, đề toán năm nay khá khó, đề dài và có sự phân hóa rõ rệt.

Tại Hội đồng thi Trường THPT Xuân Diệu (huyện Tuy Phước), thí sinh Phan Văn Đạt đến từ huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), dự thi vào ngành xét nghiệm Y học - Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: So với đề toán khối A, đề khối B khó hơn. Câu 1 đến câu 6, thí sinh có học lực khá thật sự mới có khả năng hoàn thành tốt bài làm. Riêng câu 7, 8 và câu 9 có sự phân hóa khá rõ. Đặc biệt, ở câu 9 tìm giá trị nhỏ nhất thì quá khó, nhiều thí sinh trong phòng không làm được cầu này”.

Theo thí sinh Đạt, ngoài khả năng nắm vững công thức, TS muốn làm tốt đề này phải là người biết phân tích đề. Nhiều câu hỏi tuy không quá dài, nhưng mức độ diễn giải cho ra đáp số đòi hỏi thí sinh phải thật sự nắm vững kiến thức đã học từ lớp 10 đến lớp 12, vì có sự liên kết khá chặt chẽ.

Tại hội đồng thi THCS Trưng Vương, - Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM, dù hết 2/3 thời gian làm bài nhưng chưa có thí sinh ra sớm. Nhiều thí sinh cho hay, phần đại số có hai câu 8, 9 vế giải hệ phương trình và bất phương trình rất khó. Nhiều bạn nhắn nhó khi đề cập đến câu hỏi này.

{keywords}

Thí sinh ra về với tâm trạng không vui với đề toán khá khó (Ảnh Huyền Trang)

Thí sinh Nguyễn Nhật Anh “Trong tất cả câu hỏi, em đều làm khá được nhưng bó tay trước câu 8 và 9. Các câu còn lại phần đại số cũng khá căn bản, nhất là phần khảo sát hàm số, ngoài ra có chút khó ở câu về tính toán logarit. Tuy vậy em cũng không tự tin sẽ dành được điểm cao,vì chỉ tự tin hoàn toàn tự tin ở câu hỏi về đồ thị khảo hám hàm số và tìm điểm M, phần hình học cũng không khả quan.

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hồng Mai cho hay đề thi toán khối D tương đương đề thi toán khối khối A. Đặc biệt câu hỏi về hệ phương trình và bất phương trình. Về phần hình học cả hình học không gian và hình học mặt phẳng đều có khả năng giành được điểm nhưng chắc chắn không cao.

  • Ngân Anh - Văn Chung - Lê Huyền - Huyền Trang