- "Đề thi môn sử năm nay rất hay" - đó là nhận xét của thầy Đặng Thanh Toán, khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TS.Nguyễn Quang Liệu, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Đề sẽ ít điểm 0

"Sau khi thi xong, học trò gọi thông tin về đề thì tôi thấy đề rất hay" - lời thầy Đặng Thanh Toán. Với cấu trúc đề như năm nay thí sinh vẫn làm được mà không cần phải mang tài liệu vào phòng thi.

Câu hỏi quan hệ với Pháp cũng là kiến thức SGK nhưng không quá nặng nề. Tuy nhiên, trong đề vẫn có câu hỏi phải thể hiện kiến thức. Còn phần lớn thì là câu hỏi đòi hỏi phải có sự độc lập trong cách làm bài như ở câu hỏi 4.

{keywords}
Ảnh Văn Chung

Theo thầy Toán, với đề này, học sinh khá có thể đạt điểm cao. Đề thi không đòi hỏi học kĩ học thuộc sự kiện, không cần học thuộc máy móc sự kiện nào cả, chỉ cần hiểu và tổng hợp được sự kiện. Đề thi đáp ứng được sự phân hóa năng lực, tư duy của thí sinh - phải có sự thông minh mới làm được và phải có sự thông minh thì mới đạt được điểm cao trên 8 điểm.

TS.Nguyễn Quang Liệu (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đề thi ĐH môn Lịch sử năm nay bám rất sát chương trình sách giáo khoa THPT, ở cả phần lịch sử Việt Nam và phần lịch sử thế giới.

Đề thi ĐH Lịch sử năm nay đặc biệt rất hay, có tính mới mẻ và sáng tạo, không đặt nặng về học thuộc kiến thức mà thiên về phân tích, tư duy trên cơ sở nắm được bài.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Quang Liệu, đề thi ra như năm nay hay, rõ ràng, sáng tạo, đặc biệt giúp người làm bài có cơ hội thể hiện được sự sáng tạo và nét riêng trong tư duy. Đề này dành cho các học sinh khá, vì các em có cơ hội thể hiện mình đề lấy điểm cao. Đề ra vừa đủ, dung hòa được kiến thức cùng khả năng tư duy, hiểu bài. Dạng đề này giúp kích thích sự sáng tạo, điều này vô cùng quan trọng trong việc học.

TS. Nguyễn Quang Liệu nhận xét, đề sử có điểm biệt khác so với các năm trước là đề gồm 4 câu cho tất cả đối tượng thí sinh, không có câu tự chọn, cũng không phân biệt thí sinh phân ban hay không. Kể từ khi tổ chức thi ĐH 3 chung cho đến nay thì năm nay là năm đề thi Lịch sử khác biệt nhất.

“Cách ra đề như thế này cũng có tính hai mặt của nó. Một mặt, với một đề chung, các thí sinh được đối xử bình đẳng, đề ra rõ ràng, tránh nhầm lẫn đáng tiếc trong quá trình làm. Bởi vì thực tế các năm thi trước đã có những thí sinh bị nhầm lẫn nên đã làm cả hai câu trong phần tự chọn, dẫn đến điểm không cao. Nhưng mặt khác, cách ra đề như thế này khiến thí sinh ít có cơ hội lựa chọn nội dung mà mình học kỹ nhất, hoặc yêu thích nhất”.

Với một đề thi như đề Lịch sử lần này, TS Nguyễn Quang Liệu cho rằng vấn đề đặt ra là: Học Lịch sử ở bậc THPT hiện nay cần thay đổi, không chỉ cần học lý thuyết mà còn cần lồng ghép, gắn với các vấn đề thực tiễn. Các sự kiện lịch sử không còn khô cứng, các bài học lịch sử, các vấn đề lịch sử được nhắc lại, được thể hiện tươi mới và có tính thời đại hơn. Làm được điều ấy thì dạy và học Lịch sử ở THPT mới sinh động, hấp dẫn, theo kịp dòng chảy thời sự của cuộc sống, giúp định hướng và giáo dục ý thức cho giới trẻ

“Đề này điểm 0 rất ít” – ông Liệu khẳng định. “Tuy nhiên, nếu chỉ học trong sách vở thì thí sinh khó có điểm cao”.

Thí sinh phải có khả năng tổng hợp kiến thức

Tại điểm thi trường Nguyễn Trãi, vừa hết 2/3 thời gian đã có rất nhiều thí sinh rời khỏi điểm thi một số thí sinh được hỏi đều chung nhận xét đề hay.

Theo thí sinh Phan Hồng Thắm, đề có nhiều kiến thức và trải dài hầu hết lớp 12. Trong đó, câu 4, từ các sự kiện đã cho, yêu cầu thí sinh nêu các chuyển biến của khu vực Đông Nam Á qua các thời kỳ và đặt ra vấn đề các nước ASEAN phải làm gì để bảo vệ an ninh khu vực, đây là câu hỏi tương đối nóng, đã được đề cập rất nhiều....

Đồng quan điểm, thí sinh Nguyễn Phương Thùy cũng cho hay, khác với việc ra những kiến thức học thuộc như các năm trước, đề thi năm nay đỏi hỏi phải có sự suy luận, và liên kết, tổng hợp kiến thức .

{keywords}

Thí sinh sau môn thi lịch sử tại Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh: Văn Chung


Đánh giá về môn Sử, một thí sinh khác cho hay, trong 4 câu hỏi, câu 1, câu 2 và câu 3 là kiến thức học thuộc, chỉ cần nắm vững mốc thời gian và những sự kiện xảy ra, trình bày trôi chảy có thể dành điểm tuyệt đối.

Tại điểm thi Học viện Báo chí – Tuyên truyền, thí sinh Lê Thị Thanh Quỳnh, Thanh Hóa thi vào ngành báo truyền hình cho biết: Đề thi môn sử thi ra theo lối mở, lúc đầu tiên em thấy cũng khó nhưng càng làm càng thấy thú vị.

Câu 1 em nêu các cuộc khởi nghĩa và kháng chiến in đậm dấu ân Việt Nam trong thế kỷ XX. Đánh giá vai trò nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc là rất quan trọng.

Trong khi làm bài thi em cũng lồng cảm xúc yêu nước, tinh thần yêu nước để bài viết sinh động hơn. Câu 4 năm nay tuy mới nhưng khá thuận lợi. Đề bài đã cho dữ liệu, sự kiện thì chỉ cần bám sát vào mà làm. Kiến thức không những trong sách giáo khoa mà cả trong xã hội. Do đó chỉ học thuộc lòng khó đạt điểm cao ở môn này....

Tương tự, Nguyễn Thanh Nhà, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ, Thanh Hóa thi vào ngành chính trị học của Học viện Báo chí-Tuyên truyền cũng cho biết: Đề thi sử khá mở, em thấy lần đầu tiên cầm đề thì thấy hơi hoảng nhưng khi bắt tay vào làm kiến thức cần sử dụng cũng bình thường và đã trải qua.

Ghi nhận tại Cụm thi liên Trường Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), hầu hết các thí sinh đều đánh giá đề Sử ra khá hay, mang tính tư duy cao.

Thí sinh Nguyễn Tấn Khoa quê Khánh Hòa dự thi khối C tại hội đồng thi Trường ĐH Quy Nhơn nhận định: Năm nay đề sử có nhiều cái mới không lệ thuộc hết vào kiến thức SGK. Đề thi có những câu đòi hỏi thí sinh phải am hiểu kiến thức thực tế để liên hệ vào trong từng câu hỏi.

{keywords}
Thí sinh trao đổi với người thân sau khi thi (Ảnh H.Trang)

“Lúc đầu em nghĩ đề sẽ có câu riêng về tình hình biển Đông nên cũng lưu tâm nhiều vấn đề này. Dù đề không ra cụ thể nhưng ở câu 4 của đề có thể thấy đòi hỏi thí sinh phải có tư duy cao. Theo em từ vấn đề hòa bình của các nước Đông Nam Á đòi hỏi thí sinh phải liên hệ đến vấn đề biển Đông hiện nay...”, Khoa tự tin.

  • Ngân Anh - Văn Chung - Lê Huyền - Huyền Trang