- Chỉ độ một hoặc hai thập kỷ trở về trước, các thế hệ người Việt Nam sống còn cảm thấy lòng yêu nước là một điều hiển nhiên của cuộc đời mình, là một phần trong máu thịt, tâm can của mình. Nhưng rồi, chiến tranh đã qua.

THẢO LUẬN LIÊN QUAN

Giờ đây, tinh thần yêu nước bùng nổ nhất vẫn là trong các trận bóng đá của nước nhà với các đội tuyển quốc tế.
Thế hệ hôm nay nhìn nhận thế nào về lòng yêu nước? Sự khác biệt về thời chiến – thời bình đã tạo ra những “kiểu” và “cách” yêu nước ra sao? Hay, một câu hỏi đơn giản hơn rất nhiều – có cần bàn tới lòng yêu nước vào lúc này?

Một học sinh nữ lứa 9X vừa đạt giải cao trong kỳ thi quốc tế mới đây cho rằng: “Việt Nam quá thừa người vỗ ngực kêu tôi là người yêu nước rồi!”. Một học sinh khác đạt giải nhất trong một cuộc thi quốc tế đã chứng minh ngay khẳng định trên là sai – tỏ vẻ khó chịu khi được đề cập tới chủ đề này, và nói: “vấn đề vớ vẩn, không quan tâm”. Một sinh viên từng đạt thủ khoa đầu vào Đại học lại lắc đầu: “Chủ đề lớn quá, em không kham được”.

Vẫn là những câu hỏi nêu trên, với rất nhiều bạn trẻ - có những cảm xúc phấn khích chia sẻ, nhưng lại có những cái lắc đầu, và có cả những ý kiến “rụt rè”.

“Câu hỏi lớn quá”

Bạn học sinh nữ trên xin phép giấu tên khi chia sẻ quan điểm của mình, bạn cũng không muốn trả lời trực tiếp các câu hỏi được đề cập. Đối với bạn, “chủ đề hỏi lớn quá, em cũng không muốn động chạm nhiều, vì suy nghĩ và thái độ của em về vấn đề này nó không được traditional (truyền thống) lắm.

Em không phải người hô hào cổ vũ cho một phong trào, tiếp nhận cái này và gạt bỏ những giá trị cũ”.

Mặc dù vậy, bạn vẫn khẳng định: “Là người Việt Nam, mãi mãi là người Việt Nam và thuộc về Việt Nam”; và “cam đoan tình yêu nước ai cũng có, nhưng sâu sắc đến đâu thì là vấn đề của môi trường, ý thức và trình độ học vấn nữa”.

Bàn về chuyện “yêu nước” là một tình cảm tự thân hay phải có sự giáo dưỡng và cách giáo dục lòng yêu nước hiện nay trong nhà trường, bạn cho rằng: “giáo dục được một con người trưởng thành, đủ chín chắn và nhận thức không phải là vấn đề đơn giản.

Không thể chỉ nhìn nhận cách giáo dục trong gia đình và cả cách dạy của các thầy cô có được hay không, có tốt hay không để chủ quan đánh giá về kết quả (là tình yêu đất nước).

Nếu bản thân mỗi sinh vật đều chịu tác động của môi trường sống, thì con người cũng vậy thôi. Không thể nhồi nhét cái thứ tình cảm và suy nghĩ không phải của mình vào học sinh. Cố gắng để tạo ra một thế hệ không trung thực thì bản thân các em thiệt đầu tiên.

(…) Bất kì ai thành công cũng qua nhiều lần vấp ngã. Tại sao không cho giới trẻ một cơ hội học tập những kiến thức ấy và trau dồi cho mình? Em tin rằng cái đích cuối cùng phần lớn cũng sẽ giống nhau.

Cuối cùng, giáo dục trong nhà trường là một vấn đề lớn và còn nhiều tranh cãi lắm. Đừng đổ tất cả trách nhiệm vào những người đứng trên bục giảng. Cũng đừng quá kì vọng họ sẽ dạy cho chúng ta những gì.

Học sinh hay là ai đi nữa, chưa trải qua những khó khăn và tự vượt qua nó, sẽ mãi không biết về khả năng và tình cảm của mình”.

"Khi xem mấy phim về chiến tranh, em thấy hình ảnh những người đã chết. Khi đi các nghĩa trang Trường Sơn, em thấy mình rất nhỏ bé giữa rừng mộ bia. Tố quốc này sinh ra em, cho em sống, cho tiếng nói, chữ viết, cho niềm tự hào.... Sao không sống cho xứng. Ngược lại, sống không xứng đáng, hóa ra mình tự hại mình sao?

Em không muốn nói yêu nước chỉ là nói suông, nói theo sách vở, báo đài mà không có hành động nào tác động cụ thể. Cần thiết thực, cụ thể nhất như chưa từng cụ thể. Yêu nước, hãy yêu bản thân mình trước. Hãy rèn luyện mình sao cho xứng đáng với tổ quốc này đã, sau đó hãy nghĩ đến chuyện cống hiến".

Phan Khương – sinh viên năm thứ nhất, Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM

Giá trị của những cảm xúc giản dị

Khác với quan điểm rằng vấn đề yêu nước là quá to lớn, xa xôi, Hoàng Thùy Trang, học sinh lớp 12, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam nghĩ rằng tình yêu đất nước có từ những điều tưởng nhỏ bé, nhưng đời thường. Đó có thể là “khi bạn và mẹ xem Việt Nam đoạt AFF Cup. Hai mẹ con cùng reo hò khi đội nhà đoạt chức vô địch”.

Cùng chung cảm xúc ấy, giảng viên trẻ Trường Trung cấp An ninh Nhân dân Nhân Linh khi còn là sinh viên, cũng không thể “nhịn” nổi niềm phấn khích, và lấy vung xoong đập vào nhau leng keng, dù biết rõ rằng làm như vậy là phạm quy.

Với Thùy Trang, yêu nước cũng là một cảm xúc rất đơn giản - đôi khi chỉ là được sống, cảm nhận đường phố Hà Nội những dịp Tết đến: vắng lặng, yên tĩnh đến lạ thường.

Còn bạn Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 11, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cảm nhận thứ tình cảm đó rõ ràng nhất là khi “được cùng bố mẹ gói bánh chưng vào dịp Tết, là khi cùng bạn bè vào thắp hương ở Văn Miếu, đi chơi Lăng Bác, đền Gióng,..”

Hay như Chu Thị Thùy Dương được mẹ cho đi qua bao nhiêu cảnh đẹp của Tổ quốc, được cùng mẹ sắp mâm ngủ quả dịp Tết, làm bánh trôi bánh chay cùng mẹ trong Tết Hàn thực (3/3 ÂL). Cũng có khi là những bài thơ, câu ca dao về tình yêu đất nước đã ngấm vào trong lòng cậu sinh viên Dương Việt Đức, ĐH Luật HN.

Khi lồng ghép tình cảm yêu nước vào trong các bài giảng, cô Lan Anh, giáo viên dạy Địa lý, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội dù không dám chắc là hiệu quả cao nhưng hài lòng về cách truyền đạt của các thầy cô trong trường mình “vì hiện tại học trò đa phần là hứng thú”.

Tuy nhiên, nếu như chỉ giáo dưỡng lòng yêu nước trong sách vở một cách mô phạm, thiếu đi những cảm xúc thực tế sẽ “khiến bạn như bị ngộ độc, bị ép” – Thùy Trang chia sẻ.

Theo em, yêu đất nước là phải nghĩ cho mình, sống cho mình trước đã, khi đã sống tốt với bản thân thì cũng sẽ sống tốt với xã hội.

Bọn em được giáo dục về tình yêu đất nước trong nhà trường chủ yếu thông qua các bộ môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Học môn Lịch sử để biết đất nước chúng ta đã trải qua những thời kì dựng nước và giữ nước hào hùng như thế nào. Học Văn, Địa để yêu đất nước với tình cảm trong sáng, biết giữ gìn và phát triển những nguồn tài nguyên của đất nước.

Tuy nhiên cách dạy của các thầy cô hiện nay, theo em là hơi phiến diện, bảo thủ, lúc nào cũng coi Việt Nam mình là nhất, là văn minh hơn các nước khác, thậm chí hơn cả Mỹ. Các cô nói vì đất nước họ dân chủ quá nên người với người nói chuyện với nhau khó, cha mẹ khó quản được các con. Nhưng ở VN mình, liệu chắc các bậc cha mẹ đã quản được các con?

Điều em mong muốn là các thầy cô nói cho chúng em biết đất nước mình có những gì, yếu những gì, cần những gì, hơn kém nước bạn những gì để chúng em tự hào và cũng phần nào thấu hiểu những gì đang diễn ra.

Không thể nói mãi Việt Nam rừng vàng biển bạc được. Không thể tự hào khi nói chúng ta giàu tài nguyên nhưng lại không biết giữ gìn, khai thác một cách có hiệu quả được.

Cách truyền đạt của thầy cô cũng có hay nhưng nhiều khi rườm rà. Thử hỏi bao nhiêu phần trăm các bạn kể được các đời vua, các triều đại của đất nước. Thế nên bảo làm sao được các bạn không yêu thích Quan Vũ (của Trung Quốc) hơn Quang Trung (của Việt Nam).

Lịch sử không thể học thuộc lòng theo cách học vẹt được, học sinh chúng em chưa cảm thấy hấp dẫn với bộ môn này. Kiểm tra bài vở học sinh nói vậy đấy nhưng chưa chắc đã nghĩ vậy vì nói ý kiến của mình chưa chắc đã được điểm cao. Chuyện phản biện về những vấn đề liên quan đến các bộ môn Văn, Sử, Địa nhiều khi với chúng em rất khó do thầy cô/bố mẹ bảo phải như thế này thế kia mà bổn phận của con trẻ là phải nghe lời.

Chúng em có ý kiến lại thì bị cho là hỗn. Rồi chuyện hay đem những câu chuyện “than nghèo kể khổ” để nói với chúng em về sự lười nhác, kém cỏi cũng khiến chúng em ức chế. Đôi khi tác dụng lại ngược lại, con trẻ càng không nghe lời.

Mỗi thế hệ có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, không nên bê chúng áp đặt suy nghĩ vào thế hệ kia. Thời của chúng em cũng vất vả lắm, học hành nặng nề hơn. Hơn 10 môn học, môn nào thầy cô, bố mẹ cũng yêu cầu phải giỏi thì làm sao được…

Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 11, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

  • Văn Chung