- Về mặt “chính danh” là người ngoài đối với ngành giáo dục, nhưng ông Lương Hoài Nam thường xuyên góp ý về các vấn đề xã hội, giáo dục..., kể cả trong vai trò một blogger. Thậm chí, gần đây, ông Nam còn “được” cho rằng là một trong những người góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện đề án một kỳ thi quốc gia.

"Tôi là sản phẩm, là khách hàng của giáo dục Việt Nam"

“Ông Lương Hoài Nam là người góp công tham mưu cho đề án một kỳ thi quốc gia nhanh chóng được trình làng” – thông tin này có độ chính xác bao nhiêu %, thưa ông?

- Không phải như thế! Sự thật là tôi có kiến nghị với ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhưng tôi chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn người kiến nghị với Bộ trưởng về các vấn đề giáo dục Việt Nam. Ngày 15/7/2013, tôi có gửi cho ông Luận một thư ngỏ nêu 8 vấn đề, kiến nghị về giáo dục Việt Nam. Bức thư ngỏ này sau đó được đăng tải rộng rãi trên báo chí và các diễn đàn giáo dục.

{keywords}
Ông Lương Hoài Nam

Cụ thể liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp, tôi trình bày với Bộ trưởng Luận như sau:

"Trong những năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn tiệm cận mức tuyệt đối. Năm học 2012 - 2013, tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp hệ giáo dục trung học phổ thông đạt 97,52% ("hơi giảm" so với 98,97% của năm học 2011 - 2012).

Một kỳ thi mà chỉ có một vài phần trăm học sinh không đỗ, điểm thi của nó sau đó cũng không được sử dụng cho mục đích gì đáng kể, trong khi nó gây tốn kém rất lớn về công sức, tiền bạc, gây tắc đường, tăng tai nạn giao thông..., tôi nghĩ không cần phải tổ chức nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể cấp chứng nhận tốt nghiệp cho tất cả học sinh khi họ kết thúc toàn bộ chương trình giáo dục PTTH, việc chọn lọc học sinh sẽ thực hiện qua các kỳ thi đại học, cao đẳng (bản thân các kỳ thi này cũng cần được hoàn thiện).

Không nên tiếp tục một cách làm vất vả, tốn kém như thi tốt nghiệp khi mà nó đã không còn tạo được giá trị lớn hơn các loại phí tổn phải bỏ ra."

Sau cuộc thi tốt nghiệp PTTH năm nay với tỷ lệ đạt tốt nghiệp cũng khoảng 99%, tôi càng tin tưởng vào sự cần thiết phải thay đổi cách thi cử, phân luồng học sinh theo các kinh nghiệm tốt của thế giới. Kinh nghiệm mà tôi thường nhắc đến trong các bài viết, kiến nghị của mình là kinh nghiệm giáo dục Singapore, một trong các nền giáo dục được thế giới đánh giá rất cao.

Có điều kiện tiếp cận nhiều nền văn hóa, giáo dục của các nước tiên tiến, nên ông có những nhận định, so sánh với giáo dục nước nhà. Vì vậy, mặc dù là một chuyên gia hàng không, nhưng tên ông và các bài viết của ông thời gian gần đây xuất hiện nhiều trong lĩnh vực giáo dục, thậm chí là nhiều hơn không ít chuyên gia giáo dục. Ông cảm thấy thế nào về điều này?

- Tôi không phải là cán bộ quản lý giáo dục hay giáo viên. Tôi nêu ý kiến, đề xuất về các vấn đề giáo dục Việt Nam với tư cách một công dân của đất nước. Tôi từng là sản phẩm của nó khi tôi còn đi học, là khách hàng của nó khi tôi đầu tư cho chuyện học hành của các con và sắp tới là cho các cháu. Cá nhân tôi có những trải nghiệm giáo dục nước ngoài khi tôi học đại học, có một số hiểu biết và so sánh khi các con tôi học phổ thông, đại học ở nước ngoài.

Tôi nhận thấy nền giáo dục Việt Nam thiếu hẳn một nền tảng triết lý rõ ràng và bền vững, dựa trên sự tiếp thu tinh hoa nhân loại; mô hình giáo dục lạc hậu về kết cấu các bậc học, sách giáo khoa và dụng cụ học tập, phương pháp giáo dục, cách thi cử, cách phân luồng, hẫng hụt về năng lực, chất lượng giáo viên... Những bất cập đó làm cho một đứa trẻ sau khi tốt nghiệp đại học hoặc trường nghề không có đủ các kiến thức, kỹ năng, tố chất đạo đức để bước vào đời một cách thuận lợi, các cơ hội tuyển dụng và phát triển cá nhân ít hơn đáng kể so với một đứa trẻ ở nước ngoài được hưởng một nền giáo dục tốt. Đứa trẻ đã đầu tư những năm tháng tuổi trẻ và nỗ lực bản thân, các gia đình đã đầu tư nhiều công sức, tiền của, nhưng kết quả thu được từ sự đầu tư đó chưa thoả đáng.

Học sinh nước ta học vất vả hơn học sinh nhiều nước khác. Các gia đình cũng vất vả hơn với việc học hành của con em. Thế nhưng, cánh cửa vào đời, cơ hội thành đạt của các em khi ra trường lại hẹp hơn. Điều đó thật khó chấp nhận!

Tôi cũng trăn trở về các vấn đề bất cập, lạc hậu trong nhiều lĩnh vực. Tôi cảm thấy các thế hệ hiện nay (kể cả thế hệ của tôi), với lối tư duy, hành động hiện nay không thể giải quyết nổi. Có không ít vấn đề càng tỏ ra quyết tâm cải thiện thì tình hình lại càng ngày càng tệ. Để nước ta có thể phát triển mạnh, cần yếu tố con người, cần đầu tư phát triển các thế hệ tôi gọi là người-Việt Nam-mới, với tố chất tinh thần và kiến thức, kỹ năng tốt hơn, với lối tư duy khác nhiều so với chúng ta. Cần cải thiện, nâng cao chất-lượng-người. Cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo ra những thế hệ người Việt Nam tốt hơn, có năng lực hơn các thế hệ chúng ta.

Khi nói điều trên, tôi nghĩ đến cuộc đổi mới toàn diện giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị - bước khởi đầu và yếu tố quan trọng nhất để Nhật Bản từ một nước lạc hậu, lệ thuộc trở thành cường quốc.

Kỳ thi chưa hoàn hảo ngay là điều bình thường

Trở lại đề xuất tổ chức một kỳ thi quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ông có những ý tưởng nào giúp các nhà hoạch định chính sách thực hiện ngay trong năm 2015?

- Tôi không biết có nên gọi cuộc thi đó là cuộc thi tốt nghiệp hay không? Thật ra bằng tốt nghiệp phổ thông lâu nay không có nhiều giá trị đối với một con người sau khi nó được sử dụng cho việc thi vào đại học hay trường nghề. Nó được dùng cho rất ít loại công việc như điều kiện đầu vào, còn những công việc lao động chân tay nhiều khi chẳng cần đòi hỏi bằng tốt nghiệp phổ thông để làm gì.

Sau khi học sinh kết thúc chương trình học phổ thông, mục đích chính của kỳ thi là phân luồng. Học sinh nào vào đại học, trường nào? Học sinh nào vào trường nghề, trường nào? Những học sinh không đủ điều kiện vào đại học hoặc trường nghề thì mặc nhiên có hai lựa chọn: học lại, hoặc đi ra thị trường lao động (làm những công việc không đòi hỏi bằng cấp).

Nếu thực hiện một kỳ thi chung ngay trong năm 2015, do thời gian chuẩn bị không còn nhiều, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu, học hỏi cách tổ chức các kỳ thi GSE "O" Level và GSE "A" Level của Singapore. Kỳ thi GSE "O" Level nhằm phân luồng học sinh vào hai nhánh: nhánh định hướng vào đại học và nhánh vào thẳng trường nghề. Kỳ thi GSE "A" Level nhằm phân luồng các học sinh ở nhánh vào đại học để quyết định học sinh nào được vào trường đại học nào, học sinh nào không đủ điều kiện học lên đại học, phải trở lại nhánh trường nghề và cụ thể vào trường nào.

Nếu kết hợp cách tổ chức GSE "O" Level và GSE "A" Level của Singapore, tôi tin là sẽ có phương án tổ chức thi chung hiệu quả ngay cho năm 2015.

Theo ông, vấn đề khó khăn nhất mà các nhà quản lý phải giải quyết khi tổ chức kỳ thi này là gì - Đề thi đảm bảo mục tiêu đặt ra hay khâu tổ chức, hay điều gì khác? Giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Dù theo phương án đề thi theo môn hay đề thi tích hợp, tôi không nghĩ là khó khăn nằm ở khâu ra đề. Theo tôi, khó khăn nằm ở hai nội dung khác: (a) quyết định điểm tuyển sinh của mỗi trường và (b) ghép nối điểm tuyển sinh của các trường với điểm thi và nguyện vọng của các học sinh để phân trường. Cần phải xây dựng, ban hành các quy trình rất khoa học cho các công việc này, đồng thời, cần có hệ thống tin học mạnh để hỗ trợ.

{keywords}
Thí sinh dự thi đại học năm 2014 (Ảnh Lê Huyền)

Một bên là hơn 400 trường đại học và trường nghề, một bên khác là hơn 1,0 triệu học sinh với kết quả thi và nguyện vọng khác nhau. Làm thế nào để quyết định học sinh nào vào học trường nào phù hợp với tiêu chuẩn tuyển sinh, kết quả thi và nguyện vọng của từng học sinh là không dễ dàng. Một số trường, ngành học còn có những điều kiện riêng ngoài điểm thi của kỳ thi chung nữa, làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp hơn. Cần nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm tốt của các nước tiên tiến trong các công việc này.

Một số người bày tỏ băn khoăn về các rủi ro tiêu cực nếu tổ chức kỳ thi chung. Tôi nghĩ là chúng ta nên đặt các băn khoăn, lo lắng về tiêu cực thi cử, chấm điểm sang một bên để xem xét vấn đề thuần tuý về chuyên môn. Ai dám khẳng định rằng cách thi cử tốt nghiệp, đại học lâu nay không có tiêu cực? Tiêu cực là phạm trù khác, có thể phát sinh với bất kỳ cách thi cử nào và cần phải chống trong bất kỳ cách thi cử nào. Các tiêu cực thi cử ở nước ta không quá khó chống, nếu thực sự muốn và có quyết tâm. Không nên lấy các lo ngại tiêu cực để cản trở cải cách thi cử.

Có cơ sở để kỳ vọng kỳ thi quốc gia triển khai thành công ngay trong năm 2015, thưa ông? Tại sao?

- Tôi không có đủ thông tin để đánh giá được mức độ sẵn sàng của ngành giáo dục cho việc tổ chức một kỳ thi chung ngay trong năm 2015, đặc biệt là cho hai vấn đề khó khăn tôi vừa nói trên. Tôi hy vọng ngành giáo dục sẽ có công tác chuẩn bị thật toàn diện, tỷ mỉ để đảm bảo thành công. Năm đầu tiên thực hiện, tôi nghĩ, ít nhiều cũng sẽ có một số trục trặc, chưa thể hoàn hảo ngay và đó là điều bình thường.

Xin cảm ơn ông.

  • Kiều Oanh – Ngân Anh thực hiện

Ông Lương Hoài Nam là tiến sĩ kinh tế hàng không ở Nga và là một doanh nhân tại Việt Nam. Ông từng là Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines và giám đốc điều hành Air Mekong. Ngoài ra, ông thường xuyên góp ý về các vấn đề xã hội, giáo dục,... kể cả trong vai trò một blogger.