- Cùng trong dòng bàn luận về chủ đề "lớp trẻ hiện nay yêu nước ra sao", một bàn tròn nhỏ với 5 bạn học sinh, sinh viên, và nhà văn Trang Hạ đã được thực hiện.

Các bạn trẻ tham gia thảo luận:
Hoàng Thùy Trang, lớp 12 Anh, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, tác giả bài viết "Phản đề của 9X về sự hi sinh"
Nguyễn Hằng Anh, lớp 10 Văn, trường THPT Hà Nội – Amsterdam, tác giả bài viết "Phẩm cách người Nhật lay động trái tim Việt"
Lê Nhân Linh, giảng viên Trường Trung cấp An ninh
Dương Việt Đức, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Luật- ĐHQG Hà Nội, giải nhất quốc gia môn Lịch sử năm học 2009-2010
Nguyễn Lê Thảo Minh, lớp 11, Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội)






Nhà văn Trang Hạ
Nhà văn Trang Hạ - một người sinh ra vào năm 1975 - đại diện cho một thế hệ (từng được coi là) "vàng", được cho là hưởng nhiều ưu đãi, học cách giáo dục, nhà nước mở cửa. Nhưng chị cho rằng, chính thế hệ của mình mới là thế hệ thiệt thòi, khủng hoảng sâu sắc về giá trị, chưa kể tới các xung đột về tiền, lý tưởng, cuộc sống và hạnh phúc.

Trang Hạ cho rằng, các bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm này may mắn hơn thế hệ của mình rất nhiều, vì "các em hiện đã có cả xã hội đứng ra che chở. Nếu như những trang sách không đủ trả lời, các em đều có thể tự đặt ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời".

Tại buổi thảo luận, câu chuyện về lòng yêu nước được khơi dòng từ việc một em nhỏ người Hy Lạp đã đập bể con lợn đất của mình, lấy tất cả các đồng xu dành dụm trong đó để góp phần trả nợ cho đất nước. Khi đó, nợ công của Hy Lạp đã vượt mức kiểm soát, đẩy khu vực đồng tiền chung châu Âu lên bờ vực khủng hoảng trầm trọng.

Yêu nước: Tự hào khi nhận ra quần “Made in VietNam" ở Nhật


Hoàng Thuỳ Trang
Hoàng Thùy Trang chia sẻ: đối với bạn, tình yêu nước là một cảm xúc rất giản dị, có khi chỉ là cảm xúc dâng trào khi xem bóng đá với mẹ. Trong khi đó, những bài học từ trong sách vở, Đạo đức, Lịch sử, Địa lí đôi khi càng nghe nhiều, càng cảm thấy gần như bị "ngộ độc", bị ép phải tiếp thu. Có những điều không hẳn cứ đọc sách vở mới hiểu được.

Giải thích về hiện tượng này, nhà văn Trang Hạ có quan điểm: sách vở không mang lại những tình cảm đầy đủ như cuộc sống đời thường. Rất khó đưa tiếng cười, sự hài hước hay nước mắt vào trong trang sách. Những điều đó sách giáo khoa hơi thiếu và đôi khi mình phải học lại, tự trải nghiệm.

Trang Hạ "cảm thấy SGK không mang được nước mắt, nụ cười; và có khi chậm hơn chúng ta - chính những học sinh ngồi bên dưới. Tình yêu nước như thế nào khi em mang quốc tịch khác, rồi chuyện Việt kiều yêu nước... Như vậy, SGK thiếu sự cụ thể hóa, hình tượng hóa".


Bạn Dương Việt Đức thì cho rằng yêu nước vốn có sẵn trong mỗi con người. Những sự kiện cụ thể được xem là cái cớ để các bạn thể hiện tình cảm. Bản thân mỗi người khó có thể nhận ra trong cuộc sống đời thường.

Riêng về sách giáo khoa, bạn Đức thấy tình yêu nước được giảng dạy trong đó "không phải quá xa rời, chẳng hạn như bài thơ Quê hương – Tế Hanh, hoặc câu thơ đầy sự rung cảm như: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may".

Bạn Hằng Anh dẫn chứng thêm, như khi bạn đọc truyện Kiều, bạn chưa cảm nhận được hết, nhưng khi nghe cô giáo giảng giải, bạn đã vô cùng xúc động. Còn về tình yêu nước trong đời sống hàng ngày, Hằng Anh tâm sự: khi đi siêu thị ở Nhật, bạn mua được một chiếc quần đẹp và tự hào khi nhận ra đó là quần “Made in VietNam". Bạn chợt nhận ra rằng tình yêu nước rất đỗi bình dị chứ không phải quá to tát.

Tình yêu không chỉ của riêng người cầm súng

Lâu nay, nhiều thế hệ người Việt luôn biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể. Nhiều khi, những hành động cụ thể nào đó cũng được "gắn" với "yêu nước. Thời chiến, đó là cầm súng bảo vệ tổ quốc (Nhưng nói vậy, liệu có phải những người còn lại đều "vô cảm"?). Còn trong thời bình, tình yêu nước nên biểu hiện trước tiên ở đâu?

Nhà văn Trang Hạ bày tỏ quan điểm tôn trọng cả những trường phái khác biệt. Bởi ai cũng có thể nói ra hai chữ yêu nước. Vấn đề hoàn toàn không phải là nghĩ gì - mà là phải làm gì. Và không có nghĩa là khi ai đó nói rằng mình yêu nước, thì phải đưhọ lên trên biên giới hay các quần đảo để chứng minh điều đó; hoặc là đặt vào tình huống "nếu có chiến tranh thì bạn có cho con trai đi nhập ngũ?". Theo chị, "không thể lấy máu để minh chứng cho lòng yêu nước".


Lê Nhân Linh
Có nhiều người quá khích về chuyện 'cứ phải đưa ra chiến trường thì mới là yêu nước'. Trong khi, chúng ta có thể dùng sức mạnh tri thức giành lại đất nước. Tư duy lấy thịt đè người không phải là cách cư xử văn minh. Vấn đề là tránh xung đột, chứ không phải là mang con em, dân thường để tế cho tinh thần yêu nước". 

Trang Hạ cho rằng, ngay cả những người lên máy bay ra nước ngoài, họ vẫn có thể là người yêu nước. Tuy nhiên, bạn Nhân Linh lại nhắc lại: Có thể ai cũng yêu nước, nhưng cần phải có trách nhiệm với tình yêu đó.

Trang Hạ nói thêm: Mỗi người có quan điểm khác nhau. Cho dù có những nhận định khác biệt nhưng vấn đề xác nhận lại quan điểm. Có những người nói cầm súng là yêu nước, nhưng cũng có những người không muốn cho con cầm súng. Theo Trang Hạ, yêu nước không phải cực đoan. Quan trọng là mỗi người tự nhận thức vai trò và trách nhiệm của mình.

Ứng xử cá nhân mang trách nhiệm nặng nề


Nguyễn Lê Thảo Minh
Bạn Thảo Minh cũng chia sẻ một kinh nghiệm của bản thân:

Hơn ba năm trước, khi bạn đi nước ngoài một mình, chưa phải đối mặt với những điều xung quanh, bạn luôn nghĩ về đất nước theo chiều hướng tiêu cực - nghèo, tư tưởng lỗi thời, lạc hậu...

"Lúc đó em chưa nghĩ là mình yêu Việt Nam. Rồi khi phải đi một mình, đến khóa học với nhiều bạn từ các nước khác, khi nhìn những thứ xung quanh xa lạ thì em lại muốn trở về nhìn lại những thứ ở quê hương, vô tình giúp em trong cuộc sống. Lúc trước, em không muốn thể hiện gì cả. Nhưng lòng yêu nước bỗng trỗi dậy. Khi đó, càng muốn thể hiện, tham gia vào tất cả các hoạt động với bạn bè quốc tế".

"Khi ra nước ngoài, hình ảnh cá nhân được gắn với hình ảnh của một đất nước, cá nhân đó sẽ đại diện cho cả dân tộc quốc gia, dù là ứng xử cá nhân nhưng lại mang trách nhiệm nặng nề. Họ sẽ xếp hạng anh ngay trong tiềm thức. Họ tôn trọng anh tức họ cũng tôn trọng quốc gia của anh" - Trang Hạ giải thích.

Hằng Anh bày tỏ băn khoăn về hiện tượng vào ngày quốc khánh Việt Nam, nhiều bạn trẻ treo cờ Hàn, cờ Nhật trên hình đại diện trong các trang cá nhân như Facebook hoặc cửa sổ chat.


Nguyễn Hằng Anh
Trang Hạ minh định, hành động thích treo cờ Hàn Quốc, thích lễ hội của Nhật không phải là vong quốc.

"Khi có bề dày văn hóa, bạn sẽ ý thức được sự đóng góp của riêng mình" - chị nói.

Tuy nhiên, nữ nhà văn từng du học ở Đài Loan này cảnh báo "cái bẫy văn hóa đang hủy hoại chúng ta".

Kể lại một vài câu chuyện về sự bảo thủ và trì trệ của người Việt khi giới thiệu hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế mà "cứ nghĩ là yêu nước", Trang Hạ nói thêm:

"Mỗi lần, đi triển lãm tại nước ngoài, thứ chúng ta trình diễn luôn luôn là múa sạp, áo dài, múa nón lá, bán phở, nem. Hầu như ai cũng làm như vậy. Mọi người bám hai chữ “truyền thống” nên cách làm đã cũ mèm vì ta cố níu giữ. Trong khi cố gắng bảo tồn thì ta lại mặc nhiên loại bỏ các thứ văn hóa khác, tạo ra sự trì trệ. Nhưng nếu phản đối cách làm sẽ bị cho là mất gốc, lai căng.

Văn hóa phải biểu hiện ra chứ không nên chỉ dừng lại ở dạng tài nguyên. Các nước khác đã làm tốt việc này thông qua văn hóa, thời trang, văn học, phim ảnh. Sự tác động của văn hóa đến với bạn một cách tự nhiên vì bạn thấy nó phù hợp hơn là sự giáo điều. Chúng ta chưa biết phát huy nó, không có cách nấu món mới”.




Một đất nước Việt Nam như thế nào sẽ khiến bạn yêu hơn?

Trang Hạ: - Một đất nước có lịch sử, xóa được đói nghèo, con người ứng xử với nhau văn minh, nhân văn hơn.

Thảo Minh: - Ngoài văn hóa, kinh tế thì tinh thần vươn lên làm cho em tự hào về đất nước mình. Người dân thay đổi về nhận thức, nhất là về môi trường, xã hội. Một người thay đổi thì không đáng bao nhiêu. Từng người một cố gắng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn.

Thùy Trang: - Những người Việt sang nước ngoài cư xử sao cho mình là người có văn hóa.

Hằng Anh: - Quan trọng nhất là nỗ lực của tất cả mọi người. Thử thách của lòng dũng cảm không phải là dám chết mà là dám sống để thực hiện ước mơ của riêng mình.

Việt Đức: - Người cầm lái dám chịu trách nhiệm, mong sao giáo dục sẽ được chú trọng, thực sự căn bản.

Nhân Linh: - Ổn định để phát triển. Sức mạnh mềm là nền văn hóa có sự lan tỏa trên thế giới.

  • K.Minh – Văn Chung - Nguyễn Hường (thực hiện)

Các ý kiến trao đổi về chủ đề này, mời bạn đọc gửi tới địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.