-Các vấn đề quan trọng của giáo dục đại học đã bị "né tránh" trong dự thảo này - nhiều ý kiến nêu ra tại  buổi góp ý cho dự luật Giáo dục Đại học tổ chức ở TP.HCM. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội nói, nếu chất lượng dự thảo không tốt thì Quốc hội sẽ không bỏ phiếu.


TIN BÀI LIÊN QUAN

Luật phải quản các trường tư không được "siêu lợi nhuận"


"Xã hội hóa giáo dục đang được hiểu và đang diễn ra một cách lệch lạc, gắn chặt với thương mại hóa và tư nhân hóa một cách chệch hướng khiến cho dư luận xã hội hết sức lo ngại. Người dân mong đợi bộ luật này đưa ra một bộ khung pháp lý để tránh khuynh hướng thương mại hóa không lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người học cũng như bảo vệ lợi ích xã hội", bà Phạm Thị Ly, đến từ ĐHQG TP.HCM góp ý.



GS Phạm Phụ: Phong trào bán trường rất rầm rộ
Hiện nay đang có phong trào bán trường rất rầm rộ cho các nhà đầu tư, không biết Bộ có biết điều này không?
Vì lợi nhuận không hẳn là xấu, nhưng phải minh bạch, rõ ràng. Thời điểm này vẫn tiếp tục để mờ mờ, ảo ảo, đánh lừa học trò, ở một mức độ nào đó, kìm hãm sự phát triển của ĐH tư.
Theo bà Ly, các trường đại học tư đang được đối xử, và đang hành xử giống như một doanh nghiệp. Điều lệ Trường Đại học hiện hành quy định Hội đồng Quản trị của các đại học tư là những người góp cổ phần, điều này đã biến các trường tư trở thành các doanh nghiệp vì lợi nhuận, và khó lòng tránh khỏi xu hướng siêu lợi nhuận.

Bởi vậy, luật rất cần phân biệt và có khuôn khổ pháp lý khác nhau cho trường tư vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, bà Ly đề xuất.


GS Phạm Phụ cũng cho biết: Vấn đề quan trọng hiện nay không phải là hợp tác quốc tế nữa mà là quốc tế hóa  và thương mại hóa trong GDĐH. ấn đề gay cấn vừa mới đây của Hiệp hội các trường ngoài công lập là tự chủ không vì lợi nhuận. Từ 2006, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã yêu cầu Bộ GD-ĐT trình cơ chế vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận nhưng Bộ đã "lơ" đi và cho đến giờ vẫn chưa trình cơ chế này. Hiện nay, đang có phong trào bán trường rất rầm rộ cho các nhà đầu tư, không biết Bộ có biết điều này không?".


Bộ có muốn "cởi trói" cho các trường bằng luật?

"Trong dự thảo, vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong cơ sở GDĐH còn chật hẹp, chưa được nêu bật lên. Các trường phải được tự chủ trong xác định chuyên ngành đào tạo dựa trên đội ngũ giảng viên, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cũng như chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở uy tín của trường đối với xã hội", ông Trương Tiến Hưng, Trường Chính trị Ninh Thuận cho biết.



GS. Nguyễn Ngọc Trân: Cần một luật GDĐH thực chất và đổi mới.


Luật GDĐH chỉ nên ban hành khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các vấn đề yếu kém và bất cập hiện nay, thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý Nhà nước để đưa nền GDĐH phát triển vững chắc và hội nhập với thế giới.

Đi đôi với vấn đề tự chủ là việc giám sát hoạt động của các cơ sở GDĐH, tuy nhiên, nội dung này còn mờ nhạt trong dự thảo. Phải có cơ chế hoạt động giám sát phù hợp pháp luật, ngăn chặn kịp thời các tiêu cực có thể xảy ra trong GDĐH. Một trong những cơ chế giám sát, theo nhiều ý kiến cùng góp ý, là vai trò của Hội đồng trường.

"Ý tưởng tốt đẹp và đúng đắn về Hội đồng trường mà Luật GD 2005 nêu đã không thực hiện được ở tuyệt đại đa số ở các trường, bà Phạm Thị Ly nói.

Bà Phan Thị Tươi, Trường ĐH Bách Khoa (TP.HCM) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề tự chủ:

Tại sao có những trường mạnh, có uy tín cũng lại phải đi xin chỉ tiêu? Rồi bằng cấp cũng vậy, tại sao Bộ lại in phôi bằng mà không để các trường tự in phôi bằng của mình. Xã hội không biết được trường có chất lượng, trường nào không vì đều dùng bằng do Bộ in ra.  Bộ hãy phân lớp các trường ĐH ra, trường nào có đầy đủ khả năng, uy tín thì để người ta tự chủ. Còn trường nào mới ra đời, chưa đáng tin cậy thì hãy quản lý. Công cụ chính là kiểm định chất lượng.

Các trường bắt buộc phải tham gia kiểm định chất lượng

Bà Phạm Thị Ly nêu: Dự thảo Luật GDĐH đã đưa vấn đề kiểm định thành một mục riêng chứng tỏ ban soạn thảo ý thức rất rõ về tầm quan trọng của kiểm định (KĐ)chất lượng. Tuy nhiên, quan niệm rằng tổ chức kiểm định Nhà nước thì chắc chắn phải nghiêm túc hơn tổ chức tư nhân là một quan niệm đã lỗi thời. Chuyển những hoạt động này sang xã hội dân sự là cách để cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GD-ĐT tập trung vào chức năng chính của mình là xây dựng chính sách và giám sát hoạt động của các tổ chức giáo dục thay vì trực tiếp kiểm soát hoặc điều hành thay cho nó.

"Luật cần nêu thêm Bộ GD-ĐT công nhận các tổ chức KĐ quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Danh sách các tổ chức KĐ Việt Nam được phép hoạt động cũng như các tổ chức KĐ quốc tế được Bộ công nhận phải được công bố rộng rãi.Các cơ sở đào tạo có thể tự chọn tổ chức kiểm định cho mình và chịu trách nhiệm về điều đó", bà Phan Thị Tươi nhấn mạnh.

Ông Lương Ngọc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng  của Quốc hội cũng đồng tình:

"Bộ GD-ĐT chỉ nên là bên thứ ba công nhận chất lượng GD chứ không nên là tổ chức kiểm định hay tổ chức chứng nhận (là tổ chức của tư nhân, tập thể, Hiệp hội...) độc lập với Bộ. Uy tín của các tổ chức này do thị trường GD quyết định. Hơn 10 năm qua, chúng ta đã tổ chức KĐ chất lượng mấy chục trường nhưng chưa đâu vào đâu!

Một số ý kiến đóng góp cho rằng các trường ĐH bắt buộc tham gia kiểm định, tránh tình trạng có trường vẫn thờ ơ với điều này như hiện nay.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng  của Quốc hội: Nếu chất lượng Dự thảo không tốt thì Quốc hội sẽ không bỏ phiếu.

"Dự luật GDĐH khoảng gần cuối năm mới được Quốc hội xem xét để thông qua nên vẫn còn thời gian để sửa chữa.

Trong bối cảnh hiện nay, một dự thảo luật không tốt thì không ai đảm bảo sẽ được Quốc hội thông qua.

Trước ý kiến cho rằng tại sao không mời các chuyên gia giáo dục ĐH có mặt tại hội thảo tham gia Ban soạn thảo, ông Thi cho rằng, nếu mời tham gia thì họ sẽ không có cơ hội phản biện như hôm nay.

Chẳng hạn như Ủy ban chúng tôi cũng không đặt vấn đề tham gia vào dự luật, vì mình đã tham gia thì làm sao phản biện được nữa.

Nếu chất lượng của dự luật còn thiếu nhiều thì chúng ta sẽ bổ sung. Nếu chất lượng  dự thảo không tốt thì Quốc hội sẽ không bỏ phiếu.

Về chất lượng, phải phân hóa chất lượng, không thể đánh đồng trường uy tín với trường không uy tín.

Về quyền tự chủ, không thể trao quyền tự chủ đồng loạt như nhau, phải căn cứ vào vị trí, năng lực. Về xã hội hóa: vấn đề phi lợi nhuận hay lợi nhuận đều né tránh cả.

Trong khi đó, điều này đã có trong luật giáo dục và nghị quyết của quốc hội trong đợt giám sát về GD của quốc hội. Về công bằng xã hội, chúng ta không thể dàn trải, bình quân mà cần tập trung đầu tư Nhà nước.

Chẳng hạn có những lĩnh vực đào tạo Nhà nước cần nhưng người dân không quan tâm đầu tư như: sư phạm, khoa học cơ bản, công nghệ cao, văn hóa truyền thống...Nếu cứ học phí thấp thì con nhà giàu cũng được hưởng theo (tỉ lệ nghèo của ta có 10%). Về đào tạo tại chức- vấn đề đáng báo động chưa thấy đưa vào dự luật.

Tại chức hay chính quy về thực chất phải gần ngang bằng nhau, chỉ khác nhau ở thời gian học khác nhau.

Về đào tạo quốc tế, chỉ đề cập đến hợp tác quốc tế một cách rất chung chung, mà không đề cập đến những vấn đề rất bức xúc như đào tạo quốc tế, trường có chương trình liên kết quốc tế, có yếu tố quốc tế, giảng viên, sinh viên quốc tế...Nếu không quản lý tốt thì nhân dân mình bị lừa, rõ ràng đây là trách nhiệm của Nhà nước".

  • Hương Giang