- Sau thông tin "Toàn Shinoda đột ngột qua đời, cư dân mạng bàng hoàng", nhiều người mới biết tới trào lưu vlog đã từng rầm rộ của giới trẻ.
Từ blog, facebook đến vlog
Vlog là những đoạn nhật ký video ngắn hoặc là các chương trình video thủ công mà mọi người đều có thể tự thực hiện bằng máy quay video của mình có sự hỗ trợ thêm của một số phần mềm dựng phim cơ bản.
Vlogger Toàn Shinoda. |
Phân tích về chuyện làm Vlog ở VN, giảng viên Phan Kiền (Khoa Báo chí&Truyền thong, Trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Vlog là một hiện tượng không hề mới trên thế giới. Ở Việt Nam, Duhocsinhmy và JVevermind cũng không phải là những Vlogger đầu tiên.
Tuy nhiên, chỉ đến khi clip về học tiếng Anh của Duhocsinhmy (cuối năm 2011) gây tranh cãi cộng đồng mạng thì các cư dân mạng Việt Nam mới chú ý hơn đến phương thức này. Có thể nói, nhờ sức mạnh biểu đạt của nó, rất nhiều Vlog đã ra đời, cả tốt, cả không tốt sau những vlog tranh cãi về du học tiếng Anh.
Sự phát triển rầm rộ của Vlog hoàn toàn không phải là một hiện tượng đột biến như khi blog hay Facebook ra đời. Vlog là sự phát hiện ra một phương tiện mới có thể chuyển tải thông điệp tốt hơn, mà những công nghệ khi sử dụng phương tiện này không khó với một thế hệ trẻ hiểu biết và có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật âm thanh, hình ảnh hiện đại. Sự phát triển rầm rộ của nó cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên con số các Vlogger nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng như duhocsinhmy, JVevermind, Toàn Shinoda, An Nguy, Huyme… không nhiều bởi ngoài khả năng ăn nói tốt, gương mặt dễ gần thì các Vlogger cũng thường xuyên phải đối mặt với “bão dư luận” hay các tranh luận nảy lửa.
Thành công
Không chỉ là giải trí, các Vlog được chuẩn bị, đầu tư công phu về hình ảnh lẫn nội dung cùng cách thể hiện hài hước được rất nhiều người quan tâm theo dõi và like trên các trang mạng, đặc biệt các Vlog trên youtube.
Vlogger JVevermind. |
Ví dụ JVevermind trong thời gian qua đã thực hiện Vlog Biển Đông và lòng yêu nước. Ở đó JVevermind phê phán những thái độ cực đoan, hời hợt và đưa quan điểm thể hiện lòng yêu nước thế nào là đúng đắn. Vlog này của JVevermind đã được hơn 1 triệu người xem và những phản hồi tích cực. Hồi cuối tháng 2/2014, JVevermind đã trở thành người Việt Nam đầu tiên giành "giải thưởng Youtube" dành cho các đối tác độc quyền của Youtube.
Các clip của Toàn Shinoda cũng thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Trang Fanpage Facebook của Toàn có gần 1 triệu lượt "like" (yêu thích), còntrên kênh Youtube, Toàn có hơn 700.000 thành viên theo dõi.
Cả Toàn và JVevermind (tên thật là Đức Việt) đều là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, đều du học Mỹ, ở các ngành học về kinh tế, truyền thông đa phương tiện, là những môi trường mà ở đó từ khá sớm, các học sinh đã biết sử dụng, tận dụng các phương tiện truyền thông trên mạng để giới thiệu các hoạt động cá nhân, nhóm.
Đi cùng với sự nổi tiếng, các vlogger cũng có thể kiếm tiền chính đáng từ những video của mình như đặt hợp đồng làm vlog cho một doanh nghiệp nào đó, PR sản phẩm của họ, hoặc đăng chèn các đoạn quảng cáo vào giữa video.
Ngoài khả năng, vốn tiếng Anh tốt và một phần không nhỏ từ những hoạt động nổi bật trên Youtube cũng giúp Toàn Shinoda thuận lợi trong sự nghiệp tư vấn du học và đào tạo tiếng Anh của một trung tâm tư vấn du học uy tín.
Tích cực hoạt động trên Youtube, Toàn cũng năng nổ với các hoạt động nhằm đưa tên tuổi đến gần hơn với các bạn trẻ. Trong nhiều hội thảo du học lớn như VietAbroader,.. đều có sự xuất hiện của Toàn. Toàn tích cực hoạt động trên mang đến những buổi trò chuyện về lối sống, con đường du học với các học sinh THPT, các ĐH, học viện.
Nhờ vlog, một số vlogger cũng thực hiện các khóa học trực tuyến thông qua video như học tiếng Anh, học thiết kế web, học Internet Marketing,...
Đóng góp tích cực và những mặt trái
Những đóng góp trước tiên của các Vlogger theo giảng viên Phan Kiền nằm ở việc họ đã chuyển tải các thông điệp bằng một phương thức sống động hơn hẳn với sự kết hợp của âm thanh và hình ảnh. Với sự sống động của công nghệ đa phương tiện, các thông điệp được tiếp cận tốt hơn, gần gũi hơn và giàu cảm xúc trực tiếp hơn.
Những Vlogger đầu tiên ở Việt Nam cũng thường là những người có hiểu biết, có trình độ. Vì vậy, nội dung những sản phẩm của họ cũng thường là những video có nội dung khá bổ ích với cộng đồng.
Vlogger Toàn Shinoda. |
Mục đích giải trí và chia sẻ kiến thức, quan điểm ban đầu của Vlog bắt đầu bị biến tướng. Người ta thậm chí còn sử dụng Vlog để nói xấu nhau, để đánh bóng tên tuổi một cách rẻ tiền... Đó là những cái giá của sự phổ biến và phát triển của bất kỳ hiện tượng nào khi ra đại chúng.
Ngoài ra, để tạo ra một Vlog, cần phải có phương tiện thu âm và thu hình đủ để đạt chất lượng. Không ít video chất lượng kém cũng đã xuất hiện. Mặt trái lớn nhất của những video hình ảnh kém, âm thanh không tốt là làm cho độ nhiễu thông tin cao hơn hẳn phương thức viết.
Tuy nhiên, đến thời điểm này - trước cả lúc xảy ra sự kiện Toàn Shinoda đột ngột qua đời, đã có tờ báo dành cho tuổi teen đặt vấn đề "vlog đã đến hồi thoái trào", với các biểu hiện: bị nhạt dần, hiếm có clip đạt lượng xem "ngất ngưởng"; ý tưởng của các clip trùng lắp, cách thể hiện khiên cưỡng. Khi mới ra đời, cứ 2 - 3 tuần, JVevermind "xuất xưởng" một clip mới, có những clip lượng xem tới 3 triệu. Hiện nay, có khi 2 tháng, anh mới ra sản phẩm, và lượng xem ở con số vài trăm ngàn. Sau khi nổi lên từ trào lưu vlog, những gương mặt này tham gia các hoạt động khác như: đi hát, chụp ảnh với ca sĩ trẻ, đóng clip, chụp ảnh thời trang, tham gia quảng cáo.
Vlog mất đi một phong cách riêng
Toàn Shinoda tên thật là Trần Vũ Toàn, sinh ngày 18/05/1987. Anh nổi lên như một trong những hot Vlogger hàng đầu Việt Nam, với các Vlog chất lượng, được đông đảo cộng đồng mạng đón nhận và yêu quý.
Nội dung trong các Vlog của Toàn Shinoda cũng rất đa dạng chứ không gắn liền với một motive: từ các vấn đề xã hội như việc tăng giá xăng, xe chính chủ, tính “gato” (ghen ăn tức ở) của người Việt nhân câu chuyện của trò chơi Flappy bird, những mặt trái của bán hàng đa cấp, hay những vấn đề trong lối sống của giới trẻ, cả mối quan hệ trong tình bạn, tình yêu...
Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ yêu thích các Vlog chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh của Toàn Shinoda. Vào các dịp cuối năm, cộng đồng mạng lại đón chờ Vlog bản tin đầy dí dỏm của anh. Cái tài của Shinoda là biến nhiều câu chuyện tưởng như nghiêm túc thành giải trí hài hước, khiến người xem được thư giãn nhưng vẫn phải ngẫm nghĩ.
“Tôi nghĩ, chỉ riêng trình độ và sự hiểu biết thôi thì không thể làm được điều đó. Sự kết hợp những vấn đề sâu sắc trong cái vỏ hài hước là một năng khiếu thực sự của Toàn. Tôi nghĩ, sau Toàn, có thể sẽ xuất hiện những Vlogger khác, thậm chí tốt hơn, được cộng đồng mến mộ hơn, nhưng có phong cách riêng như anh thì khó” – giảng viên Phan Kiền nêu ý kiến.
- Văn Chung