60% người giàu Trung Quốc mong muốn định cư nước ngoài. Kết quả điều tra của công ty Bain mới đây thực sự làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt trong dư luận. Liệu nạn “chảy máu” tầng lớp thượng lưu này chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan của chính những người giàu, hay còn ẩn chứa nguyên nhân sâu xa nào khác?

THẢO LUẬN LIÊN QUAN


Làn sóng di cư của người giàu có khiến Trung Quốc "mất cả chì lẫn chài"?
Báo cáo mới đây của công ty tư vấn Bain cho thấy, 60% các đại gia sở hữu khối tài sản khổng lồ hơn 10 triệu USD tại Trung Quốc đang cân nhắc vấn đề định cư ở nước ngoài.

Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như: Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu.

 Mất cả chì lẫn chài?

Trào lưu nhập quốc tịch nước ngoài trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn mạng trong vài năm gần đây. Hàng loạt những ngôi sao giải trí đình đám của Trung Quốc như: Lý Liên Kiệt, Trần Khải Ca, Củng Lợi, Tưởng Đại Vi và gần đây nhất là Triệu Vi lần lượt chọn bến đỗ tại Mỹ, Canada hay Singapore…

Nạn “chảy máu” tầng lớp thượng lưu này làm dấy lên làn sóng chỉ trích trong dư luận. Thậm chí, một số người còn nặng nề chê trách hành động này là “không yêu nước”. Cũng có ý kiến lo ngại, làn sóng di cư này sẽ khiến Trung Quốc “mất cả chì lẫn chài”, bởi giới nhà giàu rời bỏ quê hương đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn sẽ "bay biến" của lãnh thổ đại lục. Vì sao người Trung Quốc lại phản ứng gay gắt như vậy? Phải chăng họ cảm thấy lòng tự hào, tự tôn dân tộc đang bị xói mòn trong một bộ phận người giàu? Hay chính nếp suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu khiến họ đánh đồng trào lưu này với hành động “trưởng giả học làm sang”?

Trên thực tế, sau 30 năm áp dụng kinh tế thị trường, nhiều người Trung Quốc vẫn “khư khư” quan niệm, nếu chỉ dựa vào kinh doanh thuần túy không thể kiếm được núi lợi nhuận khổng lồ như những đại gia hiện sở hữu.

Họ nghi ngờ tính minh bạch về số tài sản của những người giàu. Họ lãng quên lời dạy của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “làm giàu là vinh quang” để lộ rõ lối sống ghen tỵ với thành quả của người khác.

Lối sống này vẫn tồn tại ở một số địa phương Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng quê còn lạc hậu và trở thành nếp nghĩ “thâm căn cố hữu” của một bộ phận người dân.

Đứng trước làn sóng phản ứng gay gắt của dư luận, nhà nghiên cứu Tăng Tỉnh Tồn của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, không nên vội vàng kết luận làn sóng di cư sẽ khiến Trung Quốc gánh hậu quả “mất cả chì lẫn chài”. Ông lý giải, trong thời đại toàn cầu hóa, việc xuất hiện làn sóng di cư là một quy luật tất yếu và hoàn toàn hợp lý.
Đi tìm lời giải

Có hàng trăm lý do được đưa ra để giải mã làn sóng di cư của người giàu Trung Quốc: mong muốn môi trường sống tốt hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn, “dễ thở” hơn khi được hưởng các dịch vụ và phúc lợi công cộng hoàn hảo…

Cũng không ít ý kiến cho rằng, khi nhập quốc tịch Mỹ, Nhật, Singapore…các Hoa kiều có thể rũ bỏ nỗi phiền phức bởi thủ tục xin visa rườm rà, bù lại được tự do đi lại trên 130 nước. Đồng thời, rời khỏi Trung Quốc cũng là "cơ hội ngàn vàng" giúp những ai mong muốn sinh thêm con thứ hai, thứ ba được thỏa ước nguyện.

Công ty Bain thì giải thích, động cơ lớn nhất của làn sóng di cư này là nhằm tìm kiếm một môi trường giáo dục tốt hơn cho các “cậu ấm, cô chiêu”.

Những bất cập trong đời sống thường nhật thôi thúc tầng lớp này “ào ạt” tìm kiếm cơ hội kinh doanh, sinh sống tại một môi trường “thông thoáng” hơn, bớt ngột ngạt hơn so với đại lục.

Theo số liệu của Bain, có tới 230.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại nước ngoài. Ngoài ra, tính trung bình mỗi năm, lượng du học sinh Trung Quốc sang các nước phương Tây tăng tới hơn 20%.

Nhưng thực tế, làn sóng di cư của người giàu Trung Quốc chỉ đơn thuần xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan? Hay còn bị thôi thúc bởi những yếu tố khách quan nảy sinh từ điều kiện kinh tế, xã hội hiện tại của nước này?

Để đạt được giấc mộng định cư tại Mỹ, một người Trung Quốc cần "bỏ ra" nửa triệu USD hoàn tất thủ tục visa. Đó cũng là số tiền chỉ để tậu được một căn hộ với hai phòng ngủ khá khiêm tốn tại Bắc Kinh.

Nghịch lý này cho thấy, “cơn sốt” đất, nhà ở trên thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh thời gian gần đây luôn khiến người dân Trung Quốc trở nên “ngộp thở”.
Vì vậy, những bất cập trong đời sống thường nhật thôi thúc tầng lớp này “ào ạt” tìm kiếm cơ hội kinh doanh, sinh sống tại một môi trường “thông thoáng” hơn, bớt ngột ngạt hơn so với đại lục.
Ngoài ra, giới đại gia Trung Quốc cũng luôn cảnh giác với sự an toàn của số tài sản kếch xù. Tuy Chính phủ đại lục từ lâu ban hành điều luật bảo đảm tài sản cá nhân nhưng trên thực tế, giới siêu giàu vẫn chưa thực sự yên tâm.

Ngô Giai Xuyên, 42 tuổi, một thương gia có tiếng trong giới bất động sản thổ lộ: “Tôi không có cảm giác an toàn khi kinh doanh ở Trung Quốc. Mỗi phi vụ làm ăn, tôi thường đau đầu giải quyết những thủ tục hành chính rườm rà. Chỉ cần một chút sơ sẩy, cả cơ nghiệp mấy chục năm gây dựng sẽ tan thành mây khói”.

Không ít người trong cuộc điều tra mới đây tỏ rõ thái độ bức xúc trước tác phong quản lý, làm việc của một số cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp. Ông Xuyên lý giải: “Nghe nói, ở nước ngoài môi trường kinh doanh rất thông thoáng, không bị ràng buộc bởi những thủ tục hành chính rườm rà. Môi trường như vậy mới thực sự thu hút tôi”.

Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang trở thành nỗi khiếp sợ của toàn bộ người dân nói chung và các đại gia Trung Quốc nói riêng.
Hàng loạt những vụ việc bê bối: sữa chứa melamine, dầu bẩn, thịt siêu nạc, bánh bao nhiễm độc, “phù phép” thịt lợn thành thịt bò, giá đỗ bẩn, miến giả…thời gian qua thực sự đánh sập thị trường tiêu dùng Trung Quốc, khiến Chính phủ nước này đang “lao đao” khắc phục hậu quả.

Lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Trung Quốc vẫn luôn khiến cộng đồng quốc tế phải nể phục. Định cư nước ngoài không đồng nghĩa với việc người giàu Trung Quốc lãng quên quê hương nguồn cội.

Người giàu Trung Quốc, họ có quyền lựa chọn một môi trường sống an toàn hơn, nhằm đảm bảo tương lai của chính họ và con cái. Vì vậy, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi đưa ra những phán xét nặng nề với cơn khát xuất ngoại của tầng lớp thượng lưu, Chính phủ nước này nên chú trọng cải thiện mọi điều kiện sống căn bản, tạo không gian sinh hoạt thật sự trong lành, an toàn cho người dân.

Và điều quan trọng hơn là, dù ở đâu, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Trung Quốc vẫn luôn khiến cộng đồng quốc tế phải nể phục. Định cư nước ngoài không đồng nghĩa với việc người giàu Trung Quốc lãng quên quê hương nguồn cội. Thực tế cho thấy, hàng năm, Hoa kiều vẫn “rót” về những khoản đầu tư lớn, góp phần phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh.

Năm 1997, khi Hong Kong về với Trung Quốc, một lượng lớn cư dân xứ Cảng thơm sang định cư tại Canada. Dư luận lúc đó cũng lên tiếng chỉ trích nặng nề. Song, bỏ qua những thị phi, hơn 10 năm sau, rất nhiều người trong số họ quay trở về Hong Kong, đường đường chính chính phát triển sự nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Trung Quốc lâu nay vẫn được xem là quốc gia có làn sóng di cư lớn nhất thế giới. Dù ở đâu, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…đều dễ dàng nhận thấy cộng đồng người Hoa đang “cần mẫn” sinh sống và làm việc.

Xét một cách khách quan, trào lưu nhập cư của người Trung Quốc còn góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi, giao lưu văn hóa, lối sống giữa các quốc gia trên thế giới. 

  • Mai Anh (tổng hợp)

************************

Liệu nạn “chảy máu” tầng lớp thượng lưu chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan của chính những người giàu, hay còn ẩn chứa nguyên nhân sâu xa nào khác? Hiện tượng này ở Việt Nam như thế nào? Mời bạn đọc gửi ý kiến thảo luận theo địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.