Trước hết, cảm ơn Vietnamnet đã đăng những bài viết của thế hệ trẻ chúng tôi, luận bàn về tinh thân yêu nước-điều thiêng liêng với mỗi người và sống còn của một quốc gia, dân tộc.

THẢO LUẬN LIÊN QUAN


Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đọc bài “Học cách nói thật để yêu tổ quốc mình” của bạn Phan Đăng, làm tôi liên tưởng ngay đến tác phẩm “Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán, một người tôi rất ngưỡng mộ về tài năng và đạo đức.
“…Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ…”
(Trích “Lời mẹ dặn”, Phùng Quán, 1957)


Tôi đồng cảm với những suy nghĩ của bạn trong bài viết, bàn về LỜI NÓI THẬT, gắn với tinh thần yêu nước, trong cuộc sống hiện nay.

Đúng vậy, yêu nước, được thể hiện, bằng những điều rất đỗi bình thường, tự nhiên, không “đao to búa lớn”, không “khẩu hiệu giáo điều, không “lý thuyết sáo rỗng”. Và chắc chắn, bất cứ xã hội nào, thời đại nào, “nói thật” cũng là điều đáng trân trọng và luôn được khuyến khích.

Nhưng ở đây, tôi xin được chia sẻ thêm một vài ý nhỏ của riêng mình.

Trước hết, với tôi, khái niệm “thế nào là yêu nước”, là điều rất riêng dành cho mỗi người, bởi bất cứ ai, cũng có định nghĩa về tình yêu nước của riêng họ.

Do vậy sẽ rất khó có một “mẫu số chung” để minh chứng cho tình yêu nước của tất cả mọi người, nhất là trong một xã hội và thời cuộc, các khái niệm về giá trị sống thay đổi nhanh chóng.

Thêm vào đó, các chuẩn mực về tinh thần ái quốc lại gắn liền với thể chế chính trị, văn hóa và xu hướng của thời đại. Chính vì vậy, bất kể giai đoạn nào của lịch sử, tôi nghĩ rằng nếu đứng trước một cuộc xâm lăng của ngoại ban, không khó để chỉ ra tiêu chí chung cho một “anh hùng dân tộc”, nhưng đứng trước những mặt tối nội bộ bên trong một quốc gia, thì điều đó là sẽ khó khăn và mơ hồ hơn rất nhiều.

Và, tôi chọn khái niệm “sống thật” để mà phấn đấu. Điều đó sẽ giúp tôi tìm thấy một sự thống nhất về trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và TỔ QUỐC. “Sống thật”, đó là sống thật với thực tế, với những tích cực, tiêu cực của đất nước, xã hội, môi trường xung quanh, và hơn hết, là sống thật với lương tâm của chính mình.
Một khi nói thật không phải là “mẫu số chung” cho “tinh thần yêu nước”, thì điều đó cần được hiểu và thực hiện một cách linh động, để hướng đến một điều tốt đẹp hơn, thiết thực hơn cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Đúng là “nửa sự thật thì cũng không phải là sự thật”, nhưng chúng ta đều biết, không phải bao giờ và không phải thời điểm nào, “lời nói thật” cũng là cách hành xử tối ưu để mang lại những điều tốt đẹp nhất.
 
Liên quan đến vấn đề này, ắt hẳn ai trong chúng ta, cũng đều đã nghe và hiểu về khái niệm “lời nói dối tích cực” của những vị bác sĩ khi thông báo về bệnh tình cho bệnh nhân mắc bệnh nan y.

Trên tinh thần đó, suy rộng ra, với một quốc gia, một dân tộc, hay đơn giản hơn trong phạm vi một cộng động nhỏ, ở một số trường hợp, khái niệm đó, cũng có thể chấp nhận được để hướng đến một giải pháp tích cực hơn, mang lại kết quả tốt đẹp hơn, một khi, điều đó phải xuất phát từ bản chất tích cực của sự việc và hành động.

Trở lại với cá nhân tôi, về một khái niệm yêu nước cho riêng mình, có lẽ, điểm này, tôi nhiều đồng cảm với bạn Nguyễn Thành Vinh.

Đó, chính là những điều bình dị nhất gắn liền với bản thân. Theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học ở xứ người, để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, cho gia đình và mong mỏi ở sự đóng góp hết sức nhỏ bé của cá nhân vào sự nghiệp khoa học, giáo dục nước nhà.

Hay đơn giản hơn, cố gắng để trong mình, “dòng máu Việt” không bao giờ bị phai mờ, điều tưởng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Và, tôi chọn khái niệm “sống thật” để mà phấn đấu. Điều đó sẽ giúp tôi tìm thấy một sự thống nhất về trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và TỔ QUỐC.

“Sống thật”, đó là sống thật với thực tế, với những tích cực, tiêu cực của đất nước, xã hội, môi trường xung quanh, và hơn hết, là sống thật với lương tâm của chính mình.  
  • Đinh Bá Khương (ĐH Công nghệ Swinburne, Melbourne, Australia)