- Thạc sĩ Nguyễn Bích Liên (giảng viên khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt) đã có bài viết đưa quan điểm ngược với kết luận ban tổ chức chương trình Đường lên đỉnh Olympia khi giữ nguyên kết quả đang gây tranh cãi. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của chị.
Do có nhiều ý kiến không đồng tình với ban cố vấn khi không tính điểm câu hỏi thứ 3 phần “Về đích” của thí sinh Nguyễn Hoàng Bách - ngày 3/8, ban tổ chức chương trình đã họp với ban cố vấn và các thí sinh tham gia vào ngày 6/8 để đưa ra quyết định cuối cùng.
Kết quả cuộc họp ngày 6/8: Ban tổ chức chương trình đã quyết định giữ nguyên kết quả đã công bố và thứ hạng của các thí sinh trong cuộc thi chung kết không thay đổi.
Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” là một sân chơi về tri thức, khoa học dành cho các học sinh cuối cấp phổ thông. Đây là một chương trình có thâm niên nhiều năm, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh trên cả nước, là một chương trình có sự tham gia của ban cố vấn là những thầy cô, những nhà khoa học có thâm niên, uy tín…
Tuy nhiên lần này, ban tổ chức đã không sáng suốt và không chính xác, ban cố vấn đã suy nghĩ máy móc và cố chấp, thậm chí sai sót, khi quyết định vẫn không tính điểm cho thí sinh Nguyễn Hoàng Bách đối với câu hỏi thứ 3 phần “Về đích”. Đây là câu hỏi mà nếu được tính điểm thí sinh Nguyễn Hoàng Bách sẽ có số điểm bằng với người đứng đầu là thí sinh Nguyễn Trọng Nhân và kết quả chung cuộc sẽ có thể thay đổi.
Câu hỏi 3 trong phần “Về đích” của Nguyễn Hoàng Bách là “Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng”. Bách đã trả lời “vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch muối sẽ bị mất nước mà chết”.
Còn câu trả lời trong đáp án là “Dung dịch muối có nồng độ lớn hơn nồng độ muối trong tế bào của vi khuẩn cho nên do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào và làm cho nồng độ muối trong tế bào tăng lên, đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước ngược trở lại tế bào từ vi khuẩn được đẩy ra ngoài. Vi khuẩn vì vậy mất nước và bị tiêu diệt”.
Kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc từ 16h30 ngày 7/8 đến 16h34 ngày 8/8. Kết quả còn tiếp tục thay đổi. Bạn đọc có thể tham gia ở đây: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chuyen-dong-tre/ |
"Trả lời của Bách ngắn gọn và chính xác..."
So sánh câu trả lời của Bách và đáp án có thể thấy câu trả lời của Bách ngắn gọn nhưng chính xác.
Theo tôi, câu trả lời của Bách với yêu cầu thời gian chỉ vài chục giây đã nêu được bản chất của vấn đề: do dung dịch muối tạo môi trường ưu trương (là môi trường có nồng độ muối cao hơn nồng độ muối trong tế bào vi khuẩn) nên vi khuẩn mất nước mà chết (thể hiện vai trò quan trọng của nước trong trao đổi chất của cơ thể).
Câu trả lời của em cũng phù hợp với những kiến thức có trong sách giáo khoa chương trình phổ thông. Còn câu trả lời trong đáp án rất lủng củng về mặt câu chữ và nhiều chỗ không chính xác.
Thứ nhất: do hiện tượng thẩm thấu thì nước sẽ đi từ nơi có nồng độ muối thấp tới nơi có nồng độ muối cao chứ không phải “muối đi vào tế bào”.
Câu tiếp theo của đáp án: “…làm cho nồng độ muối trong tế bào tăng lên đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước ngược trở lại tế bào từ vi khuẩn được đẩy ra ngoài” -tôi không hiểu người viết đáp án không hiểu “tế bào” và “vi khuẩn” chỉ là một hay MC đã đọc sai mà đáp án lại có câu “đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn” rồi tiếp theo là “làm cho quá trình nước ngược trở lại tế bào từ vi khuẩn được đẩy ra ngoài”.
Có lẽ những chuyên gia tinh thông am hiểu tiếng Việt nhất cũng khó mà hiểu được đáp án định nói gì trong câu giải thích vừa sai vừa lủng củng trên.
Còn theo giải thích của ban cố vấn: Ý kiến của PGS.TS Lê Đình Trung (cố vấn môn sinh học) cho rằng em Bách “chưa nêu được cơ chế tại sao trong môi trường ưu trương, nước rút ra bằng cơ chế nào” vừa không chuẩn câu chữ về mặt tiếng việt vừa là suy nghĩ máy móc bởi với câu hỏi của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” thì thời gian trả lời chỉ vài chục giây, chỉ cần thí sinh trả lời đúng bản chất của hiện tượng, còn cần giải thích chi tiết tới đâu để hiểu hơn câu trả lời thì ban cố vấn có thể đặt thêm câu hỏi.
Đáp án để kiểm chứng và quyết định là những nội dung kiến thức trong sách giáo khoa chương trình phổ thông. Còn nếu cho rằng cần phải nêu vai trò sinh lý của nước đối với tế bào thì để trả lời đầy đủ ý này phải trả lời dài cỡ một trang giấy đánh máy. Em Bách nói rằng “vi khuẩn mất nước nên chết” là đã đề cập vai trò quan trọng của nước đối với cơ thể sống.
Còn PGS.TS Nguyễn Đức Chuy và PGS.TS Vũ quốc Trung (cố vấn môn hóa học) cho rằng câu trả lời của Bách “thiếu cơ chế về mặt hóa học mà trong đó vấn đề thẩm thấu của ion Na và ion Cl trong tế bào là 2 vấn đề quan trọng nhất” và “vấn đề này liên quan tới hiện tượng thẩm thấu và khuếch tán trong hóa học”. Đây là suy nghĩ vừa máy móc vừa không chính xác bởi vì hiện tượng mất nước của tế bào vi khuẩn chỉ có thể giải thích bằng hiện tượng thẩm thấu của nước, còn hiện tượng khuếch tán của ion Na và ion Cl qua màng tế bào cơ thể sống rất phức tạp liên quan tới cấu tạo thành tế bào, cấu tạo màng nguyên sinh chất cũng như cơ chế trao đổi chất có tính sinh học của cơ thể sống qua màng tế bào chứ không đơn thuần là sự khuếch tán hóa học của các ion giữa 2 cốc dung dịch chênh lệch nhau về nồng độ như trong hóa học.
Hy vọng ban tổ chức công khai quyết định cuối?
Những lỗi sai sót về kỹ thuật hay kiến thức đều có thể xảy ra với bất kỳ chương trình nào, với chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đây cũng không phải là lần đầu tiên. Điều quan trọng hơn cả là nhận ra sai sót và tìm cách khắc phục, sửa chữa. Mặc dù em Nguyễn Hoàng Bách và gia đình không khiếu nại kết quả nhưng qua cách trả lời trên báo chí cho thấy họ không “tâm phục, khẩu phục” với quyết định của ban tổ chức và ban cố vấn.
Vì sự công bằng đối với các thí sinh, vì uy tín và chất lượng thật sự của chương trình, hy vọng ban tổ chức sẽ tham khảo ý kiến rộng hơn các thầy cô giảng dạy môn sinh học, các nhà khoa học để có quyết định chính xác cuối cùng và công bố công khai.
TIN BÀI LIÊN QUAN: |
Thạc sĩ Nguyễn Bích Liên