Vừa qua, cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” được đem ra mổ xẻ vì có một số đoạn văn được cho là nhạy cảm (về mặt giới tính) đối với trẻ em – thường được cho rằng đối tượng chính đọc truyện cổ tích. Thậm chí, một số bài viết đã dán nhãn “18+” cho văn bản nói trên.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại thì các cơ quan chức năng đã xác minh thực chất đoạn văn trên nằm trong một tích truyện thuộc Thần thoại Hy Lạp – một tác phẩm kinh điển của nhân loại thể hiện thế giới quan của người Hy Lạp cổ đại và những vị thần linh mà họ tôn thờ.

Báo VietNamNet đã trao đổi với nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), về một số vấn đề liên quan.

  {keywords}
  

Giờ nhiều sách cẩu thả lắm

Lấy nội dung chuyện thần thoại để làm sưu tập truyện cổ tích thì có vấn đề gì không, thưa ông, khi mỗi thể loại chuyện có một chức năng khác nhau? Đây có phải là việc làm ẩu không, thưa ông?

- Có lẽ lúc này chưa nên đi sâu vào việc "lấy nội dung chuyện thần thoại để làm sưu tập truyện cổ tích" vì đó là chuyện của các nhà nghiên cứu chuyên ngành hẹp.

Còn với các nhà làm sách để bán, hoặc những người sưu tầm, biên soạn tay ngang thì người ta chỉ ang áng hiểu là xong. Chạy được làm, để có lãi là người ta làm.

Trong thực tiễn cuộc sống, mọi định nghĩa cho các khái niệm nó tương đối lắm, khác với môi trường hàn lâm. Những năm 1960, các nhà sưu tầm, nhà xuất bản họ rất thận trọng. Với những sưu tầm, biên soạn như vậy, họ dán lên hai chữ "Truyện cổ", thế là xong. Bây giờ mới bớt thận trọng đi, họ ra sách ào ào và cũng nhiều sách cẩu thả lắm. Thời buổi nó như vậy.

Ông nhìn nhận chức năng của chuyện cổ tích với trẻ em như thế nào?

- Truyện cổ tích sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật vô cùng rộng lớn, phong phú, phổ biến cho mọi dân tộc và cho mọi tầng lớp xã hội. Khi diễn xướng (kiểu kể truyền miệng) cho trẻ em, hoặc giữa trẻ em với nhau, thường có sự chọn lọc tự nhiên.

Những câu chuyện tục tĩu, hàm ẩn khoái lạc giới tính, theo truyền thống văn hóa người Việt, người ta thường né tránh. Người lớn, khi cần kể những câu chuyện có nội dung như thế, thường xua trẻ: "Ra sân chơi, biết gì mà hóng hớt!".

Dạy trẻ cũng như ươm cây, cây còn yếu thì che chắn, chọn mùn, tưới tắm. Cây vững vàng rồi thì đem trồng, cho ra với nắng gió. 

Vậy, với trẻ em, chuyện cổ tích giáo huấn những bài học làm người đầu tiên, khơi gợi sức tưởng tượng thần kì, tập tành khả năng ngôn ngữ diễn đạt, giải trí và thỏa mãn sự hiểu biết và phù hợp với tâm lí lứa tuổi mà kinh nghiệm ông bà cụ kị ta đã tích góp được.

Khái niệm "vùng cấm" chưa từng đặt ra, nhưng...

Có chuyện cổ tích nào là “vùng cấm” đối với trẻ em - ví dụ như câu chuyện Tấm Cám một thời đã gây ra tranh luận về “tính ác”của Tấm? Theo ông, quan điểm sống, sự suy diễn của người đọc hiện nay có ảnh hưởng như thế nào tới giá trị nguyên bản của những câu chuyện cổ tích?

- Khái niệm "vùng cấm" chưa từng đặt ra trong quá trình dân gian lưu hành truyện cổ tích trong khi đó các tín ngưỡng kiêng kị, các nghi luật tôn giáo, các pháp luật hiện đại có nhiều "vùng cấm". Tuy nhiên, ứng xử lịch lãm của dân gian là hành xử "nên" hay "chưa nên" hoặc không nên.

Trong nghiên cứu truyện cổ tích, không bao giờ có khái niệm "nguyên bản" cả mà chỉ có khái niệm "bản ghi", "dị bản" hoặc "bản phóng tác", "bản sáng tạo". 

Mỗi bản sưu tầm, chép ra hoặc in ra, là một "bản ghi" của người sưu tầm với sự lựa chọn, với ngôn ngữ, văn phong, phong cách của chính họ. 

Một cốt truyện cổ tích, được sưu tầm bởi nhà nho, kí tự bằng chữ Hán, viết với truyền thống từ chương học Trung Hoa thì có khác với "bản ghi" của trí thức tây học, kí tự bằng chữ quốc ngữ, viết với truyền thống chủ nghĩa hiện thực trong văn học phương tây.

Như vậy, không chỉ "dị bản" trong khi truyền miệng mà "dị bản" cả trong sưu tầm, biên soạn. Khi đã thành ấn phẩm được thương mại, người sưu tầm biên soạn phải nhớ đến trách nhiệm xã hội mà, thứ nhất, thượng tôn pháp luật, thứ hai, tôn trọng tâm lí và dư luận xã hội. 

Anh làm hàng mà bán, vi phạm luật pháp thì phải có luật pháp xử lí. Bất chấp truyền thống đạo đức xã hội thì sẽ bị dư luận phản ứng, "ném đá".

Sách độc cũng như thực phẩm độc vậy. Người đọc phải biết lựa chọn. Có khái niệm "khách hàng thông thái" thì cũng nên có khái niệm "khách đọc thông thái". Còn, một tác phẩm, tiếp nhận nó như thế nào, là rất đa dạng tùy thuộc từng người, từng người một. Họ rất khác biệt và chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt đó. Bất cứ ai đọc sách, nếu là thần kinh bình thường đều có sự suy diễn của riêng mình, chả ai cóp pi ai cả.

{keywords}

Cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” của tác giả Gia Mạnh bị phát hiện có chứa nội dung không phù hợp với trẻ em.

Về chuyện đọc cổ tích cho trẻ em bây giờ, theo ông, nên lựa chọn thế nào giữa các tác phẩm truyện cổ tích Việt Nam và nước ngoài?

- Nhìn chung quanh tiện nghi trong nhà, tất cả đều là hàng ngoại hoặc công nghệ ngoại. Ngay cái máy tôi đang gõ trả lời đây cũng vậy. Văn hóa tinh thần cũng vậy, nó luôn luôn là một quá trình vận hành, giao lưu, giao thoa, đổi khác. Truyện cổ tích lại càng vậy, nơi này kể cho nơi kia, thời này kể cho thời khác.

Khái niệm "nước ngoài" là gần toàn bộ nhân loại, khái niệm "trong nước" là chỉ nội bộ nước mình thôi. Hút tinh hoa cả thế giới để cho nâng văn hóa của quốc gia là con đường tự nhiên của mọi cộng đồng. Một mình "cạnh tranh" cả thế giới là ấu trĩ.

Đọc truyện cho trẻ em, cứ truyện hay, truyện tốt mà đọc, cần gì phân biệt trong ngoài. Còn nghiên cứu bản sắc văn hóa tộc người hay dân tộc thì lại là chuyện khác.

Nhiều khi vì tiền nên...làm ẩu

Trên thị trường sách bây giờ rất nhiều tuyển tập truyện cổ tích, nhưng tìm được một bộ như của Nguyễn Đổng Chi rất khó. Ông nhận xét như thế nào về hiện trạng này? 

- Bộ "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của cụ Nguyễn Đổng Chi là công lao sưu tầm, biên soạn rất lớn của cụ. Chúng tôi coi đó cũng là một kiểu "bản ghi", dùng nó nghiên cứu rất tiện lợi. Nhưng để đọc nó lại là chuyện khác. Không ai ăn mãi cơm và rau khoai luộc cả. Thỉnh thoảng vào nhà hàng ăn đĩa rau luộc lên ngôi "đặc sản" lại là chuyện khác.

Nghề xuất bản lại phụ thuộc nhiều thứ, trong đó có thị trường, in ra mà không bán được cũng không nuôi nổi cán bộ Nhà nước. Nhiều khi vì tiền, vì hạn chế tri thức chuyên ngành, vì không nghĩ đến quyền lợi người đọc, nên một bộ phận không nhỏ sẵn sàng làm ẩu, kể cả làm liều. Nước mình nó vậy.

Và phải làm như thế nào để trở thành người đọc thông thái, thưa ông?

- Trong thế giới truyền thông hiện đại, người đọc cần trang bị cách thức lựa chọn thông tin văn bản để tiếp nhận. Việc này giống như người tiêu dùng.

Điều khác là, người tiêu dùng có các tổ chức bảo vệ họ, có pháp luật trực tiếp điều chỉnh các hành vi của các bên sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Vả lại thị trường của họ là thuộc về văn hóa vật chất.

"Văn hóa đọc" ở Việt Nam gần đây mới được đặt thành vấn đề. Cụm từ "người đọc thông thái" chưa từng xuất hiện trên báo chí. Điều này cần thiết phải xúc tiến.

Trước hết, Đọc cái gì? Đọc như thế nào? Đọc bằng cái gì? Đó những vấn đề sơ giản nhất. Có nghĩa là, người đọc phải được giáo dục về lựa chọn nội dung, kĩ năng mục tiêu, điều kiện của sự đọc. Một người đọc như vậy, thường không bị các nhà kinh doanh ấn phẩm, kinh doanh thông tin đánh lừa và đồng thời, họ có những phản ứng quyết liệt với tệ nạn làm ẩu, làm giả ấn phẩm để kinh doanh.

Thử hỏi, những ấn phẩm bôi bác Đức Ala tồn tại trong không gian Hồi giáo, những tác phẩm bôi bác chúa Trời trong không gian phương Tây sẽ chịu hậu quả xã hội như thế nào. Chính báo chí và truyền thông có vai trò rất lớn để xây dựng một văn hóa đọc thông thái. Hiện nay cách làm của chúng ta luôn luôn là: "Huy động toàn bộ hệ thống chính trị". Việc nhỏ việc to đều vậy.

Tuy nhiên truyền thống thiếu tôn trọng trí thức, xem nhẹ tri thức và khoa học, chỉ thích khôn ngoan, khôn lỏi trong ứng xử khiến những người đặt vấn đề "người đọc thông thái" dè dặt khi nhắc tới việc này. Muốn đẹp trời thì mây dần dần phải tan. Không nóng vội được.

- Xin cảm ơn ông!

Chi Mai (thực hiện)