- Trước những kiến nghị từ phía ĐH Tôn Đức Thắng về một hợp đồng lao động đã kết thúc vào tháng 3 năm nay, GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết "tôi ý thức là vụ kiện này sẽ kéo dài".
Tình tiết mới vụ ĐH Tôn Đức Thắng kiện GS Nguyễn Đăng Hưng
GS Nguyễn Đăng Hưng phát biểu tại đại hội cổ đông của ĐH Hoa Sen, một trong những trường đại học ông tham gia góp vốn |
Thưa GS, ông có thể cho biết việc thành lập tạp chí APJCEN mà ông làm tổng biên tập?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Năm 2012, Trường ĐH Tôn Đức Thắng mời tôi về làm cố vấn cao cấp, cố vấn khoa học với mức lương 15 triệu/tháng.
Trong 4 điểm của hợp đồng lao động, điểm thứ 4 là “lên kế hoạch với sự hỗ trợ nhân sự và tài chính của ĐH Tôn Đức Thắng, xây dựng một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh với mục tiêu được cộng đồng quốc tế công nhận theo tiêu chuẩn ISI”.
Ttrước đó, tôi đề xuất ý tưởng với ĐH Tôn Đức Thắng rằng mình đã có ý định về dự án cho một tạp chí kĩ thuật tính toán khi còn là giáo sư tại ĐH Liege. Nhân dịp tôi về đây, nếu ĐH Tôn Đức Thắng cần cải tiến bộ mặt nghiên cứu khoa học của trường và nếu có thời gian, tôi sẽ thực hiện.
Tôi trình bày ý tưởng này với hiệu trưởng Lê Vinh Danh. Ông Danh rất hứng khởi, khuyến khích, đồng thời hứa hẹn sẽ cấp kinh phí thực hiện, nhưng trên thực tế, việc thành lập tạp chí không tiêu của trường một đồng nào.
Mấu chốt của thành công của tạp chí là 40 năm làm khoa học của tôi với bạn bè, là các giáo sư cao cấp.
Tôi đã gửi hàng trăm thư điện tử cho các nhà khoa học và ý định mời họ vào ban biên tập (BBT). Tôi nhận được sự phản hồi của gần 60 người, có 45 người đồng ý tham gia BBT. Nhiều GS nói rằng “nếu GS Hưng đứng ra chủ xướng một tờ báo, chúng tôi sẵn lòng tham gia”.
Khi được sự đồng ý của các nhà khoa học, tôi sắp xếp hồ sơ theo cương vị của từng người và lập ra BBT.
Chính hào quang của BBT và tiếng tăm của người đề xướng đã được NXB Springer đồng ý ủng hộ.
Đây là sự ủng hộ có tính chất quyết định vì NXB Springer là một trong ba nhà xuất bản lớn nhất thế giới và có mặt trên 30 nước.
Tôi còn giữ lại e-mail đầu tiên của Springer, nói rõ lý do mà họ quyết ủng hộ và đầu tư.
Sự đổ vỡ tranh chấp đơn vị sáng lập, làm chủ tạp chí APJCEN dẫn đến việc ĐH Tôn Đức Thắng kiện ông ra tòa bắt nguồn từ đâu?
Lúc ấy, TS toán học Lê Văn Út là người mới về ĐH Tôn Đức Thắng, do chưa có việc nhiều nhưng khả năng tiếng Anh tốt nên tôi chọn anh ấy làm trợ lý.
Mỗi lần có một giáo sư đồng ý tham gia vào BBT, tôi viết thư cảm ơn và đều đính kèm gửi cho Út.
Tôi bảo Út, từ những người trả lời đồng ý tham gia vào BBT lập một danh sách, từ danh sách này làm hồ sơ. Nhưng anh Út không lập được một bản chuẩn, vì không phải là nhà cơ học nên không biết được vai trò, khả năng của từng người. Tôi là người sắp xếp và chốt lại bản chính thức. Khi làm xong, tôi giao lại để Út cùng tôi gửi cho các nhà xuất bản trên thế giới tìm sự hợp tác.
Chính anh Lê Văn Út là người gửi hồ sơ cho NXB Springer với tư cách là trợ lý cho GS Nguyễn Đăng Hưng và được NXB Springer chấp thuận. Sự chấp thuận của Springer thể hiện qua email gửi cho tôi là tổng biên tập và đính kèm thêm cho Út, trong đó nói rõ:
“Chúng tôi nhận ra GS Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học nổi tiếng với một danh tiếng tốt trong lĩnh vực cơ học tính toán. Điều này chắc chắn sẽ giúp sự thúc đẩy của tạp chí với tầm ảnh hưởng của GS Hưng; Chúng tôi thừa nhận nhiều thành viên trong BBT có một danh tiếng tốt trong lĩnh vực này, một số họ đã được kết nối chặt chẽ với các tạp chí khác của Springer”.
Khi nhận tin này tôi rất vui và Út cũng vui - đó là thời điểm cuối năm 2012. Báo tin vui với ông Lê Vinh Danh, tôi khá bất ngờ. Thay vì đón nhận tin vui, ông Danh viết email ngắn gọn: “Thầy ơi thế là hay đấy, nhưng không đúng với yêu cầu của tôi, tôi muốn có tờ báo mà tôi làm chủ”. Đó là lý do dẫn đến sự đổ vỡ.
Tôi không vui nhưng vẫn bình tĩnh thuyết phục. Tôi khuyên ông Danh nên đứng bên cạnh ủng hộ thì hào quang của tạp chí sẽ vào ĐH Tôn Đức Thắng.
Tôi đã tranh đấu để logo của ĐH Tôn Đức Thắng xuất hiện trên tạp chí, ban thư kí của tạp chí nằm tại Tôn Đức Thắng. Như vậy, cả thế giới sẽ biết tạp chí này xuất phát ở ĐH Tôn Đức Thắng.
Tôi cũng đề nghị với NXB Springer để ĐH Tôn Đức Thắng in bản in, hạch toán bản in (tạp chí gồm bản in và bản online).
Tôi cũng nói với ông Danh, trong hợp đồng xuất bản giữa tôi là người kí với nhà xuất bản Springer nói chủ của tạp chí là Springer, ông không thể tranh giành. Việc tranh giành quyền lợi chỉ làm cho tạp chí đổ vỡ.
Ông Danh đòi là nhà sáng lập của tạp chí. Tôi giải thích sở hữu trí tuệ là sở hữu cá nhân, nhà khoa học ghi nhận mình đương tại chức tại trường, nhà trường đừng bao giờ đòi hỏi mình làm chủ.
Hơn nữa, trong hợp đồng xuất bản với Springer quy định NXB Springer lo phần xác, tôi lo phần hồn, văn kiện sáng lập có hai chữ kí của tôi và Springer. Như vậy, nhà sáng lập là hai bên, ông Danh là bên thứ ba không liên quan. Nếu ông không đồng ý với những đề nghị trên, tôi rất sẵn lòng chấm dứt hợp đồng cố vấn với ĐH Tôn Đức Thắng, tờ báo này tôi sẽ có cách xử lý.
Khi ấy, ông Danh trả lời: "Thầy cứ tiếp tục đi, mấy chuyện khác tính sau". Tôi nghĩ ông đã đồng ý để tôi tiếp tục trên quan điểm của tôi.
Một năm sau, tháng 2/2014, khi chúng tôi bắt đầu ra số báo đầu tiên, với tư cách là tổng biên tập, tôi được nhà xuất bản mời viết bài xã luận giới thiệu APJCEN.
Khi viết, tôi có nhắc tới những đóng góp tinh thần của Tôn Đức Thắng, viết xong tôi cũng có chuyển cho ông Danh, nhưng một lần nữa, ông Danh lại phản đối và nói phải để ĐH Tôn Đức Thắng là nhà sáng lập.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng chính TS Lê Văn Út là người chủ động thực hiện một số việc để thành lập tạp chí. Còn ông cho rằng, TS Út không có kinh nghiệm xây dựng tạp chí quốc tế. Dường như ông đang bác bỏ vai trò của TS Út?
Tôi là người lập ra BBT, nhưng có lẽ là ông Út đã nói với ông Lê Vinh Danh chính ông Út là người lập ra BBT. Khi tôi liên lạc với bà Huyền là phó hiệu trưởng, bà Huyền nói tôi không phải là người lập ra BBT. Bà Huyền gặp ông Út nên tin lời ông Út.
Tôi không phủ nhận công lao ông Út. Việc ông Út viết thư cho Springer, việc ông Danh khuyến khích tôi làm tạp chí, tôi đã nói trong bài xã luận đầu tiên trong số đầu tiên rằng “Tạp chí này ra đời khi tôi làm cố vấn cho ĐH Tôn Đức Thắng, khi tôi trình bày tôi có ý muốn làm thì ĐH Tôn Đức Thắng đã ủng hộ vì trường cũng muốn có xu hướng nghiên cứu; còn tôi thì thực thi giấc mơ đã có từ 20 năm trước”
ĐH Tôn Đức Thắng kiện ông do vi phạm hợp đồng, đòi bồi thường kinh phí do vi phạm. Ông thấy sao?
Tôi nhận thư của thẩm phán tòa án nhân quận 9- TP.HCM thông báo ngày 14/8 lên gặp tòa và rất ngạc nhiên khi ĐH Tôn Đức Thắng kiện, hiện tại chưa biết kiện chuyện gì mà chỉ thông qua báo chí. Và như vậy, mục đích của họ không phải là tố tụng mà là bôi nhọ tôi.
Nếu nhà trường kiện tôi phủ nhận công việc của ĐH Tôn Đức Thắng là không đúng. Trong bài xã luận đầu tiên, số đầu tiên, tôi đã nói đến vai trò của ĐH Tôn Đức Thắng.
Còn bảo tôi phủ nhận đóng góp của ông Lê Văn Út? Tôi chỉ phủ nhận Lê Văn Út là người đứng ra tập hợp BBT, còn những gì Lê Văn Út giúp khi là trợ lý, tôi đã xác nhận.
Khi lập tờ tạp chí APJCEN, nhà xuất bản Springer được lợi gì? GS Nguyễn Đăng Hưng: Springer là một nhà xuất bản tạp chi khoa học lớn, có mặt trên gần 30 nước, họ đang xuất bản hằng trăm tờ báo đủ loại, đủ ngành. Đây là nhà quảng bá toàn cầu, một thương hiệu có bề dày lịch sử. Là nhà kinh doanh họ có nguồn thu sinh lãi. |
Nếu Lê Văn Út xác định trong đơn kiện rằng chính ông ấy thuyết phục Springer mới có được tờ tạp chí này, tôi xin nói rằng tại sao Lê Văn Út không thuyết phục Springer ra một tờ tạp chí khác? Nếu ông Út thấy tôi làm tờ báo của mình, bản thân ông thấy mình đủ thuyết phục thì đi làm tờ báo khác.
Nếu ĐH Tôn Đức Thắng kiện đòi tiền lương 21 tháng x 15 triệu/tháng như vậy thì mỗi một người ký hợp đồng với ĐH Tôn Đức Thắng phải coi chừng, vì đây là cái bẫy, có thể bất cứ lúc nào bảo rằng không vừa lòng và đòi lại tiền.
Huống nữa, hợp đồng lao động của tôi đã được thanh lý với ý kiến do chính tôi viết tay: “không gì phải bàn giao và trách nhiệm về công việc GS Nguyễn Đăng Hưng phụ trách”. Như vậy, kiện bồi thường vể hợp đồng lao động của tôi là trái luật.
Còn việc giành quyền chủ quản của tờ báo là hoàn toàn sai phạm. Trong hợp đồng xuất bản quy định rõ việc tố tụng sẽ theo quy định của Singapore, việc tố tụng phải xét xử ở Singapore.
Xét về công thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng là đơn vị có vai trò trong việc phôi thai tờ báo này. Trước đây, logo của ĐH Tôn Đức Thắng xuất hiện trên tạp chí nhưng hiện tại logo này được thay bằng logo ĐH Việt Đức- từ khi GS chuyển sang trường này. Như vậy dường như vai trò của Tôn Đức Thắng đã không được ghi nhận?
Khi làm cho ĐH Tôn Đức Thắng, trong quá trình ra tạp chí, tôi đã đấu tranh đưa logo của trường lên. Logo của ĐH Tôn Đức Thắng đã xuất hiện trên tạp chí một năm, ở một chỗ trang trọng nhất, nếu tính ra chi phí không dưới 1 tỷ đồng.
Khi chuyển sang ĐH Việt Đức, tức là tôi chấm dứt hoàn toàn hợp đồng với ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Tôn Đức Thắng không có quyền bảo tôi làm việc gì nữa. Mặt khác, hợp đồng giữa tôi và nhà xuất bản Springer cho phép tôi toàn quyền xử lý về nội dung tờ báo. Việc muốn đưa ai lên, ai xuống là quyền của tôi.
Tôi đưa logo lên cho ĐH Tôn Đức Thắng nhưng ĐH Tôn Đức Thắng không nghe lời tôi còn muốn chiếm đoạt. Vì vậy khi tôi về ĐH Việt Đức, tôi đưa logo, để địa chỉ thư kí của tạp chí tại ĐH Việt Đức mặc dù nhà trường không yêu cầu tôi làm điều này.
Theo bản hợp đồng mà ông ký với trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhiệm vụ của ông khá “nặng”, như: tư vấn hoàn chỉnh kế hoạch phát triển nhà trường; thành lập nhóm nghiên cứu;Tư vấn và thực hiện các hỗ trợ cần thiết; Lên kế hoạch với sự hỗ trợ nhân sự và tài chính của ĐH Tôn Đức Thắng, xây dựng một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh với mục tiêu được cộng đồng quốc tế công nhận theo chuẩn ISI trong tương lai. Với 15 triệu đồng mỗi tháng, ông có nghĩ đây là mức “khó khả thi” để thực hiện được các công việc đó?Là hợp đồng cố vấn chứ không phải là hợp đồng thực hiện, tôi không phải thường trực hiện diện tại trường.
GS Nguyễn Đăng Hưng chỉ có nhiệm vụ thảo dư án, viết đề cương, phát thảo đường hướng, đôc tham luận giúp ĐH Tôn Đức Thắng củng cố thương hiệu.
Việc thực hiện là do nhà trường làm qua các nhân sự. Và tôi đã soạn thảo: Chương trình Cao học xây dựng quốc tế; Thạc sỹ quốc tế về mô hình tính toán các môi trường liên tục; Đề cương về tổ chức nhân sự củng cố việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Founding and international Journal in computational engineering; Đề cương xây dựng viện tính toán tại trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Hợp đồng có giá trị đến tháng 7/ 2015, những triển khai trong thời gian qua chưa có điều kiện, phải chờ thời gian thực hiện qua các nghiên cứu sinh, giảng viên trong ngành. Hiện nay, giảng viên quá bận, lớp cao học về tính toán chưa mở được, nguồn nhân sự chưa dồi dào. Nghiên cứu khoa học cần nhà người cứu có chất lượng, cần thời gian.
Tờ tạp chí APJCEN hiện nay đang được giới khoa học đón nhận ra sao?
Theo báo cáo mới nhất của nhà xuất bản gửi cho Tổng Biên tập, trong năm 2013 và đầu năm 2014, đã có 23 nhà khoa học đăng ký bài, 10 bài đã được chấp nhận đăng tải qua thẩm định chặt chẽ, thời gian trung bình từ ngày đăng ký cho đến ngày ra mắt là 49 ngày. Độc giả nào quan tâm có thể truy cập thoải mái, kéo các bài đã xuất bản về nhà sử dụng.
Có một nội dung mà nhà trường kiến nghị nữa là GS ngừng phát tán những nội dung sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đính chính và xin lỗi trường trên các diễn đàn đã đăng tải, công khai xin lỗi trường trên 3 kỳ liên tiếp tại báo do trường chỉ định. Ông có phản hồi gì về kiến nghị này?
Là nhà khoa hoc có uy tín, tôi không bao giờ phát tán nội dung nào mà không có chứng cứ. Phần lớn các thông tin tôi có kèm theo địa chỉ nguồn. Tôi chỉ đưa ra thông tin chân thực, xác định bởi tài liệu đích thực với tinh thần trách nhiệm của người làm khoa học lâu năm.
Tôi cũng kiềm chế, chỉ đưa ra thông tin đính chính những điểm sai trái, thiếu căn cứ của nguyên đơn đã tán phán, không hay chưa đưa ra những tài liệu chưa cần thiết.
Tôi ý thức là vụ kiện này sẽ kéo dài vì người khởi kiện có mục đích không trong sáng. Hiệu trưởng nhà trường đã khiến gần 60 nhà khoa học quốc tế phẫn nộ, họ đồng loạt trả lời phản đối qua e-mail.
Vụ kiện này có gây rắc rối gì trong công việc của ông khi làm tư vấn ở các trường đại học Việt Nam hiện tại và trong tương lai?
Hiện nay, tôi chỉ tư vấn cho ĐH Việt Đức và ban giám hiệu trường không can thiệp bất cứ điều gì, ngay cả tờ báo. Cũng như các nhà khoa học trong ban biên tập APJCEN, cũng như nhà xuất bản Springer, họ đã và đang khẳng định lòng tín nhiệm bất biến đối với Tổng biên tập.
Tôi là một giáo sư đại học, về hưu đã 8 năm, gần như không làm khoa học nữa.
Thành lập APJCEN, tôi muốn giúp đỗ các nhà khoa học trẻ Việt Nam dễ dàng công bố thành quả nghiên cứu ra quốc tế. Khi tờ báo đã lên quỹ đạo, tôi lại trở về với cuộc sống an nhàn thanh thản của người có tuổi.
Tôi chẳng có gì để mất. Việc tôi làm cho khoa học, cho giáo dục có bề dày 40 năm, không ai thế làm phai mờ được.
Cảm ơn ông!
- Lê Huyền (thực hiện)