- Ngày khai giảng năm học mới lại đến. Nhớ lại năm mươi năm về trước, ngày khai giảng đầu tiên trong đời, tự dưng tôi thấy lòng mình chộn rộn. Còn bây giờ, lễ khai giảng dường như nặng về hình thức hơn.
Thầy giáo Nguyễn Duy Xuân, một người tự nhận "số phận đã gắn cuộc đời với những lễ khai trường, khi tôi chọn cho mình cái nghiệp nhà giáo" đã chia sẻ những suy tư của mình khi thời khắc ngày khai trường lại tới. VietNamNet giới thiệu bài viết của ông, và mong nhận được những chia sẻ khác của các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nhân dịp đầu năm học mới, theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
Học sinh Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong lễ khai giảng năm học 2014-2015 (Ảnh Lê Huyền) |
Nhớ lại năm mươi năm về trước, ngày khai giảng đầu tiên trong đời,tôi đeo bên hông tòng teng cái xắc vải mẹ mới may cho, chạy lon ton theo mợ tôi là cô giáo trường làng để đến lớp "Vỡ lòng".
Nói tòng teng vì bên trong xắc chỉ có một cuốn vở đóng bằng giấy nứa bên ngoài bọc giấy báo cũ và cây bút chì mà cha tôi đã gọt sẵn. Bất chợt lại nhớ tới câu hát của trẻ thơ: “Hôm nay trời nắng chang chang / Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/Chỉ mang một cái bút chì / Và mang một mẩu bánh mì con con”.
Bút chì thì có nhưng bánh mì thì không, hình ảnh này chưa có trong đầu trẻ thôn quê ngày ấy. Có chăng trong túi là mấy miếng khoai lang khô hay một ít ngô rang mà thôi.
Một năm "Vỡ lòng" cộng với mười năm phổ thông, cái xắc của tôi vẫn tòng teng như thế, lúc nhiều nhất chứa trong đó cũng không quá dăm cuốn cả sách và vở, thêm vài thứ êke, compa, thước kẻ. Bạn bè tôi, có đứa còn không có túi xách, sách vở thì vài ba cuốn cuộn tròn cầm tay, đút túi quần hoặc là dắt lưng.
Thời học sinh của chúng tôi, đi học sao mà cứ nhẹ tênh, chẳng phải như các cháu bây giờ, cõng trên lưng cả một ba lô nặng trĩu.
Trường cách xa nhà, tôi đi mỏi cả chân mà vẫn chưa thấy đến. Chưa bao giờ tôi phải đi xa như vậy. Cha tôi bảo trường làng do một gia đình địa chủ bỏ tiền ra xây từ thời Pháp thuộc, bề thế nhất vùng lúc bấy giờ. Nghe các cụ cao niên kể, hồi 30, 31 ngôi trường này từng là nơi chính quyền thực dân giam cầm, tra tấn các chiến sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh. Sau ngày khai giảng, tôi cũng đã thấy trong phòng truyền thống của trường những hình vẽ minh họa bọn lính dùng báng súng đánh đập các chiến sĩ bị trói vào cọc giữa sân trường, máu đỏ thấm đất.
Bước chân tới cổng trường, tôi ngửa cổ nhìn mái nhà cao vút, bỗng thấy ngợp
và sợ. Bạn bè thì lạ hoắc. Cũng may có mợ bên cạnh nên tôi cảm thấy yên tâm hơn.
Buổi lễ khai giảng diễn ra chóng vánh, bạn bè chúng nó theo bố mẹ, anh chị về
hết, còn lại mình tôi tha thẩn trước lớp đợi mợ tôi xong việc dẫn về.
Ngôi trường tuổi thơ ấy nay không còn nữa. Chẳng hiểu sao một chứng tích lịch sử như vậy lại bị bỏ hoang rồi bị phá dỡ cách đây mấy năm. Mỗi lần về thăm quê, ngang qua nơi trường cũ, bỗng thấy lòng bâng khuâng, chạnh nhớ trường xưa và bạn bè một thuở.
******************
Số phận đã gắn cuộc đời tôi với những lễ khai trường, khi tôi chọn cho mình cái nghiệp nhà giáo. Biết bao lễ khai trường đã đi qua đời tôi. Có lễ diễn ra giản dị trong lớp học sơ tán thời chiến tranh bom đạn, thầy chủ nhiệm lớp nói mấy lời ngắn gọn động viên, nhắc nhở chúng tôi gắng sức học hành, thế là bắt đầu một năm học mới. Có lễ diễn ra giữa sân trường rợp cờ hoa ngày chiến thắng nhưng vẫn ấm tình thầy trò, bè bạn.
Còn bây giờ, lễ khai giảng dường như nặng về hình thức hơn với những bài diễn văn, bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn, nội dung cứ na ná như nhau, thưa gửi thì dài dằng dặc. Bây giờ, nhờ công nghệ số, chỉ cần kích chuột một cái, sửa số liệu ngày tháng là có ngay một bản văn, đầy những ngôn từ sáo rỗng. Vì bệnh hình thức mà người ta quan trọng hóa lễ khai giảng để rồi cả thầy và trò phải tập dượt mướt mồ hôi trước khi công diễn, chẳng khác gì một màn kịch trên sân khấu.
Trên cái sàn diễn hoành tráng, chưng đầy những hoa tươi và băng rôn đỏ chúc mừng, người ta thi nhau khoe thành tích của nhà trường, thi nhau thay mặt chính quyền, ban ngành huấn thị chỉ đạo mà quên mất chủ thể chính của buổi lễ là hàng trăm, hàng ngàn học sinh đang mệt mỏi chịu đựng sự “tra tấn” ấy dưới trời nắng nóng.
Ngày khai giảng vì thế mà mất “thiêng”, phần vì trước đó các trường đã vào năm học mới gần cả tháng trời rồi, đâu còn là dịp để bạn bè, thầy cô gặp gỡ nhau mà tíu tít đủ chuyện sau ba tháng hè xa cách.
Biết đến bao giờ ngành giáo dục mới loại khỏi tư duy của mình những lối mòn sáo rỗng hình thức, trả lại sự chân thực, trong sáng cho ngày khai trường, để nó mãi mãi là ngày hội đích thực của thầy và trò?
Nguyễn Duy Xuân