- Ủng hộ chủ trương một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích, lãnh đạo các trường THPT và sở GD-ĐT địa phương cho rằng câu hỏi lớn nhất vẫn là tiến hành như thế nào để đảm bảo khách quan, trung thực.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội: "Nên lắp camera cho các phòng thi..."

{keywords}
Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm (Ảnh: Văn Chung).

Nếu không có biện pháp thống nhất giải quyết tận gốc "bệnh thành tích" chúng ta sẽ rất lúng túng trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia. Cách tổ chức thi sẽ nửa vời, không triệt để và sẽ không đổi mới được gì.

Ngoài việc công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia, Bộ cần chỉ đạo các trường ĐH, CĐ công bố sớm các phương thức tuyển sinh của mình để học sinh THPT sớm rèn luyện phấn đấu theo hướng cải tiến. Bộ nên trả việc tuyển sinh cho các trường được tự chủ. Bộ tập trung kiên định chất lượng quá trình đào tạo.

Hiện nay, nếu căn cứ vào các con số thống kê để lựa chọn 3 phương án môn thi của Bộ GD-ĐT chắc chắn số giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh chỉ chọn phương án 1 của Bộ gần như tuyệt đối nhưng đây vẫn là cách làm cũ, cồng kềnh, tốn kém, không cần thiết.

Trong khi đó các trường ĐH, CĐ chọn phương án 2 là chính. Đây thực sự là phương án thực sự đổi mới nhưng các trường phổ thông rất ngại vì chưa quen.

Về môn thi, không nên tham nhiều môn thi để đánh giá năng lực học sinh chỉ cần tập trung thi 2 môn cơ bản: Văn, Toán và thêm môn Ngoại ngữ để đánh giá năng lực của học sinh là đủ. Với môn Ngoại ngữ, hiện nay có một số địa phương chưa có điều kiện, Bộ phải có phương án thay thế còn không nên bỏ môn Ngoại ngữ.

Về tổ chức thi, để đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan nên lắp camera cho các phòng thi, giám sát 100% thời gian thi.

Về công nhận tốt nghiệp, những học sinh không tốt nghiệp vẫn có giấy chứng nhận học hết THPT để đi học nghề. Còn học sinh nào muốn học ĐH, CĐ phải để sang năm thi lại cùng với học sinh khóa sau hoặc có thể đến tháng 9 tổ chức tiếp kỳ thi quốc gia như kỳ thi đầu tháng 6 để những học sinh nào không đạt thi lại và cả những học sinh đạt điểm thấp thi lại để các trường ĐH, CĐ có điều kiện xét tuyển thêm.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An Thái Huy Vinh: "Một kỳ thi chung quốc gia sẽ có 7 cái được"

Cụ thể: Giảm tốn kém ngân sách, đỡ khổ học sinh, nhân dân, giảm tải công việc và giúp các trường tuyển sinh linh hoạt hơn, học sinh thi nghiêm túc hơn, gia đình định hướng tốt cho con, giảm tính may rủi cho học sinh khi chọn trường trước và các trường đánh giá được chất lượng dạy học thực sự.

{keywords}
Phó GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An Thái Huy Vinh (Ảnh: Văn Chung).

Việc tổ chức thi, Nghệ An đã tổ chức cụm thi ở ĐH Vinh nên khi tiến hành một kỳ quốc gia chắc chắn vẫn làm tốt. Nơi nào không có các trường ĐH làm địa điểm thi có thể thuê trung tâm hội nghị của tỉnh, thành phố.

3 phương án thi được Bộ GD-ĐT đưa ra thực chất là 3 lộ trình thực hiện thì đúng hơn. Việc tích hợp các môn học trong bài thi cần có thời gian. Vì vậy, trước mắt phương án 1 thi theo môn thi gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ là khả quan nhất.

Phương án 1 chỉ là cải tiến so với năm ngoái một chút. Làm như vậy cũng để ổn định tâm lý dạy và học trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Về cơ chế phối hợp thực hiện: Ở nơi nào trường ĐH, CĐ đảm bảo có thể thực hiện tốt thì giao trách nhiệm chính và lãnh đạo sở GD,ĐT cùng phối hợp thực hiện. Ngược lại, nếu trường ĐH,CĐ chưa mạnh, sở GD-ĐT có kinh nghiệm tốt thì hoàn toàn có thể nắm vai trò chủ trì thực hiện”.

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình: "Liều thuốc “2 không” uống đều sẽ có kết quả...."

{keywords}
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình (Ảnh: Văn Chung).

Với các phương án được đưa ra, trong năm 2014-2015 phương án 1 là khả thi hơn và ít gây những xáo trộn trong việc dạy học và cả tâm lí người học, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Khâu kiểm tra đánh với một số thay đổi có lợi cho học sinh như ngoài 3 môn bắt buộc học sinh có thể chọn một môn phù hợp năng lực, ít áp lực cho người dạy học và làm công tác quản lí.

Lo lắng lớn nhất là độ chính xác của kỳ thi, làm sao kết quả đó đảm bảo hệ số chính xác cao nhất cho phép các trường ĐH, CĐ làm căn cứ tuyển sinh.

Nhờ có sự tham gia của các đại học với vai trò chịu trách nhiệm chính, địa phương và lãnh đạo các sở GD-ĐT, các trường cùng phối hợp thực hiện sẽ tăng cường khâu giám sát, mức độ nghiêm túc kỷ luật chắc chắn sẽ hơn trước.

Thủ tướng đã có chỉ đạo sát sao, Bộ GD-ĐT cũng thể hiện quyết tâm nhưng điều đặc biệt quan trọng là lãnh đạo địa phương phải thực sự vào cuộc. Vì sự đổi mới mà có những thời điểm ta phải chấp nhận những điều không mong muốn, cụ thể là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không cao như mọi năm, thậm chí thấp hơn nhiều.

Mọi người đều nhắc nhiều đến căn bệnh thành tích, biết tác hại của nó, lên án nó nhưng căn bệnh thâm căn cố đế vẫn còn trong cách nghĩ, cách làm, cách tư duy ở nhiều nơi. Phải mạnh dạn gạt bỏ căn bệnh đó, dù biết sẽ mất nhiều năm.

“Liều thuốc” khi đã uống vào như cuộc vận động hai không thực hiện hồi năm 2007 đã phát huy hiệu quả, được xã hội ủng hộ. Nay nếu “uống đều, uống thường xuyên” tôi tin giúp đổi mới giáo dục có được những kết quả tốt.

  • Văn Chung (ghi)