- Nói chuyện với thầy trò Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày khai giảng, Chủ tịch UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ nhiều điều ông trăn trở khi còn làm bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tại đây ông cũng có những đề nghị, lời khuyên chân thành với nhà trường và sinh viên sư phạm.
“Vợ tôi vẫn thích nhất tôi là thầy giáo”
Trải lòng với thầy trò Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng nhà trường chiều 9/9, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho biết nhận lời mời của nhà trường, ông rất vui và hồi hộp. 23 năm từng đứng trên bục giảng nhưng lần nào ông cũng vẫn nguyên cảm xúc ấy.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chiều 9/9. (Ảnh: Văn Chung) |
Những ngày đầu sự nghiệp, ông nói mình phải xưng tên rồi được chào bằng thầy, sau nhiều lần không xưng tên người ta vẫn chào bằng thầy. “Đó là cái phúc của nghề giáo. Vợ tôi cũng bảo em thích nhất anh là thầy giáo, vì em không được đi dạy, học trò tới nhà gặp thầy, em vẫn được gọi là cô. Nhiều thứ trong cuộc đời rồi có thể mất đi nhưng giữ được chữ thầy là hạnh phúc, hạnh phúc suốt cả đời” – nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.
Học gì bên ngoài 4 bức tường?
Tới đây ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại điều ông luôn suy nghĩ nhiều khi còn làm bộ trưởng Bộ GD-ĐT là vấn đề chuyển từ truyền đạt, dạy tri thức sang dạy làm người, dạy nhân cách, dạy năng lực, kĩ năng cho học sinh.
“Nhìn lại, thời gian đầu chúng ta học hầu hết trong khuôn viên trường phổ thông, xung quanh là 4 bức tường, truyền đạt tri thức thì tốt nhưng có lẽ chưa đủ môi trường để hình thành nhân cách”- GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
Ông Nhân đề nghị hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mạnh dạn đăng ký đề tài nghiên cứu, ít nhất là cấp bộ về vấn đề Phân tích các yếu tố hình thành nhân cách của học sinh VN hiện nay, từ đó kiến nghị thiết kế chương trình học phổ thông để ngoài việc học trong bốn bức tường thì học sinh làm gì nữa, làm với ai, học với ai để hình thành nhân cách.
Nhớ lại những năm tháng mình học thời chống Mỹ, đầu đội mũ rơm, 12-13 tuổi phải đi gặt lúa, tự chặt vầu chặt tre dựng lớp, phải đi đào hầm, học dưới ánh đèn dầu bên chuồng trâu bốc mùi, sách vở ít,… ông Nhân đúc kết và cho rằng: Nhân cách người học không được hình thành nhiều trong nhà trường mà chính là từ cuộc sống lúc bấy giờ với nhiều hoạt động ngoài nhà trường. Điều mà ngày nay học sinh ít được học, tiếp xúc.
Ông Nhân cho hay có trường học mà mới đây thôi khi ông đến thăm, một em học sinh tay cầm bông hoa sen giả vẫy chào đại biểu, bất ngờ bông hoa bị rơi xuống đất. Ông đến hỏi cháu có biết hoa gì đây không thì em rất nghiêm túc trả lời Không ạ.
“Giờ không phải các em kém mà phải tạo môi trường, nhúng các em vào đó. Đất nước còn khó khăn nhưng nếu biết kết hợp thì bấy nhiêu tiền, bấy nhiêu người có thể làm được việc tốt đó” – ông Nhân khẳng định.
Yếu ngoại ngữ, không biết vươn lên không nên làm thầy
Tại buổi lễ khai giảng nhưng Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân xin đề cập vào “những nhiều cái yếu khắc phục hơi lâu” của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Theo báo cáo năm 2012 của nhà trường, sinh viên sư phạm có năng lực tự học làm việc độc lập, sử dụng công nghệ thông tin nhưng yếu tư duy sáng tạo, tự tin trong môi trường làm việc có cạnh tranh, đặc biệt yếu nhất là ngoại ngữ.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lắng nghe bài phát biểu của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Văn Chung) |
Quay về phía sinh viên, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân hỏi “các em thấy mình còn yếu (ngoại ngữ) không? Có. Vậy 2 năm nữa yếu không? Nếu yếu không làm được thầy cô giáo, vì tới đây hội nhập khu vực, quốc tế không có ngoại ngữ thì không làm thầy được, không tự học được. Hãy xác định như vậy. Tôi tin nếu có quyết tâm ta là sẽ làm được”.
Báo của nhà trường cũng chỉ ra việc dạy kiến thức dạy trong nhà trường chưa thật sát phổ thông. Ông Nhân mong trường sư phạm phải là nơi kết nối tốt với giáo dục phổ thông để hơi thở của phổ thông lúc nào cũng hiển hiện, không thể để đoạn nối ấy đứt đoạn được, rất gay go.
Ông cũng cho rằng sinh viên sư phạm cần khắc phục hạn chế là sự thiếu cạnh tranh. Trong môi trường đổi mới, người tâm huyết mới được phép tồn tại, không đổi mới không nên làm thầy giáo. Hãy để việc đó cho những người sẵn sàng vươn lên.
“Đánh Mỹ ta quyết tâm còn làm được. Trường làm tốt việc dạy và học cũng là giúp cho đất nước” – lời GS.TS Nguyễn Thiện Nhân.
Cần trả lương, thưởng xứng đáng
Tiếp lời hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho rằng khó khăn lớn nhất và việc cần làm trước tiên của nhà trường là phải đổi mới chính mình, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân góp ý: Muốn đổi mới, vượt lên chính mình nhưng không có người đẩy, thúc ép thì khó vượt lên được, phải xác định không thắng-thua là chết.
Thầy cô phải chịu sự đánh giá của sinh viên. Đây là động lực vô cùng quan trọng thúc đẩy việc thay đổi, sáng tạo trong trường học, nhất là trường sư phạm. Phải làm sao tạo động lực đổi mới từ bên trong nhà trường. Học sinh, đồng nghiệp, cấp trên có thể đánh giá giảng viên.
Sau cùng ngoài mong mỏi thầy cô có tâm huyết, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng muốn làm tốt nhà trường cũng cần trả lương, thưởng xứng đáng cho người thầy.
Văn Chung (ghi)