Năm học mới được một tháng, nhưng hình thức kỷ luật mà một số giáo viên, một số trường đang áp dụng khiến cho phụ huynh không những không tâm phục khẩu phục mà còn cảm thấy lo ngại cho tinh thần, sức khỏe của con mình.

Phụ huynh một trường cấp 3 ở Hà Nội thì rất sợ phương thức xiết kỷ luật của trường: Học sinh đi học muộn 5 phút bị bắt đứng ngoài, hết tiết mới mở cổng cho vào.

Anh Thái, một phụ huynh của trường này phàn nàn: "Phụ huynh ức chế vì nếu trường không cho con lên lớp sợ ảnh hưởng tới các bạn khác cũng được, nhưng cho học sinh vào trong, ngồi ở phòng thường trực hoặc ôn bài ở đâu đó. Chứ để các cháu lang thang gần 1 tiếng ngoài đường, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu lỡ có chuyện xảy ra?

Hàng ngày con tự đạp xe đi học, có thể có những lúc gặp trục trặc về xe cộ, hay tắc đường, làm sao mà lường trước được. Nên cách “dọa” không cho học sinh vào trường làm tôi rất lo".

Chỉ 2 tuần sau khi học lớp 6 tại một trường THCS ở quận Hai Bà Trưng, bé Sơn đã 3 lần bị cô giáo yêu cầu làm bản kiểm điểm. Chị Hà, mẹ bé, rất ấm ức: "Có phải cháu phạm tội lỗi gì nặng nề cho cam. Quên vở bắt làm kiểm điểm, quên làm bài tập bắt làm kiểm điểm, không thuộc bài cũng bắt làm kiểm điểm nốt".

Bé phải làm bản kiểm điểm nhiều khiến cả nhà cùng căng thẳng. “Hôm nào con về, thay vì hỏi han nó học hành thế nào, thì từ ông bà cho tới bố mẹ câu đầu tiên là hôm nay có lỗi gì không, có phải làm bản kiểm điểm không?”.

Chị Hà nhận xét: "Trước đây mình đi học, phải lỗi tới mức đánh nhau, hỗn láo với thầy cô… mới bị bắt làm kiểm điểm. Và khi bị bắt làm, phải đưa cho bố mẹ ký là rất sợ. Bây giờ những lỗi lặt vặt chỉ ở mức nhắc nhở mà đã bắt làm, tôi thấy không có tác dụng giáo dục như trước”.

Hơn nữa, kiểu ép học sinh như vậy khiến phụ huynh ngay lập tức nghĩ đến chuyện “Cô giáo chê con để mẹ phải… quan tâm”. Chị Hà cho biết có thể nghĩ như vậy là oan cho cô, nhưng chị không sao tránh được suy nghĩ này.

Có con học lớp 12, chị Thu Hương lại rất ấm ức về việc con đã 2 lần bị đình chỉ học 1 ngày, 2 ngày vì lỗi như không học thuộc thơ khi kiểm tra miệng, “quay” bài giờ kiểm tra văn cũng vì không thuộc dẫn chứng… “Cháu dự kiến thi khối A, nên mấy chuyện học thuộc mấy bài thơ dài dằng dặc là quá tải với cháu. Cô giáo nên hiểu và điều chỉnh cách dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh theo sự lựa chọn khối thi của các cháu. Tạo điều kiện cho các cháu sao cho đủ kiến thức để thi tốt nghiệp, nhưng có thời gian tập trung cho các môn thi chính của cháu.

Đúng là cháu rất sai khi quay cóp. Nhưng cô giáo có thể áp dụng những biện pháp phạt khác chứ không nên đình chỉ học. Vì nghỉ một buổi học cháu đã mất tới vài môn học, rồi lại mượn vở chép bài bại, hơn nữa lại ức chế về tâm lý”.

Tất nhiên, cô giáo phạt vì muốn học sinh của mình học tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc và có sự lựa chọn thích hợp, những hình phạt này không phát huy được tác dụng. mà thay vào đó, học sinh sợ sệt, phụ huynh phẫn uất.

Và, cũng như chị Hà, “suy nghĩ xấu” ngay lập tức len lỏi vào đầu chị Hương: “Sắp tới 20/10 với 20/11, chắc lại phải quà”.

Ngân Anh