Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đề xuất khung học phí mới…
Ảnh Văn Chung |
Do thời gian thực hiện Nghị định 49 chỉ áp dụng đến năm học 2014 – 2015, vì vậy, các cơ chế thu, quản lý, sử dụng học phí cũng như các chính sách miễn giảm học phí cho các đối tượng học sinh, sinh viên diện chính sách xã hội sẽ kết thúc vào năm 2015.
Để có cơ sở đề xuất cơ chế thu học phí cũng như chính sách miễn giảm học phí cho giai đoạn tiếp theo, Bộ GD-ĐT đề nghị các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 49 theo các nội dung: Tình hình thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Tình hình thực hiện khung học phí; Tổng hợp số thu học phí và kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập của từng năm.
Bộ cũng đề nghị các cơ quan đề xuất cơ chế thu học phí, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho gian đoạn tiếp theo.
Cụ thể: Về thời gian thực hiện - Tiếp tục thực hiện cho giai đoạn năm 2016 - 2020 hay giai đoạn 2016 - 2025;
Đề xuất cách thức xây dựng khung học phí cho giai đoạn tiếp theo: Ban hành khung theo từng năm hay dựa trên một biến số nào đó (ví dụ chỉ số giá, mức lương cơ sở...); có ban hành mức thu học phí của từng ngành nghề đào tạo đại học hay chỉ quy định mức học phí bình quân của cả trường, trên cơ sở đó trường tự quyết định mức cụ thể cho từng ngành nghề;
Đề xuất đối tượng thụ hưởng và phương thức hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Báo cáo gửi về Bộ trước ngày 20/10.
Ngân Anh