- "Không ít hiệu trưởng các trường tại Hà Nội còn chủ quan, gia trưởng, chưa cập nhật kịp thời các văn bản khiến giáo viên phản ứng...." Vấn đề đặt ra tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 của Sở GD-ĐT Hà Nội sáng 3/10. 

"Ai cũng ngại nói"

{keywords}
Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2013-2014, triển khai nhiệm vụ thanh tra năm học 2014-2015 tại Hà Nội vừa diễn ra sáng 3/10 (Ảnh: Đăng Duy).

Chánh thanh tra sở GD-ĐT Hà Nội Hoàng Cơ Chính cho biết từ ngày 15/8/2013 đến 22/5/2014, thanh tra sở đã nhận 188 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 28 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, 71 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, 89 đơn nặc danh.

Nội dung đơn tập trung vào công tác quản lý, điều hành của hiệu trưởng, công tác tổ chức dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường, công tác thu góp và quản lý quỹ hội cha mẹ học sinh.

Dù đơn thư nặc danh nhiều nhưng nếu cần xem xét, xử lý, sở GD-ĐT Hà Nội vẫn yêu cầu kiểm tra, xác minh và có chỉ đạo khắc phục kịp thời các hạn chế.

Nguyên nhân của việc có nhiều đơn thư khiếu nại như trên, theo ông Chính: “Một số cán bộ quản lý còn chủ quan, gia trưởng, chưa cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật khiến giáo viên phản ứng. Một vài trường còn hiện tượng thu chi không đúng quy trình gây thắc mắc trong phụ huynh và nội bộ giáo viên”.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc công khai, minh bạch trong tuyển sinh, thu chi ở một số trường theo ông Chính chưa được thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Một số đơn vị chưa coi trọng công tác kiểm tra nội bộ trường học hoặc có kiểm tra nhưng thực hiện chưa khoa học, chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra, biên bản kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra.

Ở hầu hết các trường không có lịch tiếp dân, phòng tiếp dân. Nhiều nơi khi Thanh tra đã có kết luận, xử lí nhưng nhà trường vẫn “để đó”, chưa có ý thức về trách nhiệm của đơn vị mình.

Thừa nhận của một hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa, công tác kiểm tra hoạt động của giáo viên nhiều ý kiến trong trường còn chung chung, né tránh.

Là nội dung quan trọng trong trường học nhưng ngay tại hội nghị sáng 3/10, nhiều lãnh đạo nhà trường, các phòng GD-ĐT khi được hỏi ý kiến chỉ “đồng tình, cảm ơn” và hết. Nói như lời Phó GĐ sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang các ý kiến “còn ngại phát biểu”.

Nhiều phản ánh của người dân là đúng

Tại hội nghị, Phó GĐ sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Từ đầu năm 2014-2015, sở đã thành lập 5 đoàn thanh kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học và hoạt động thu chi tại các cơ sở trực thuộc. Quá trình thanh-kiểm tra đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiêu khoản thu dự kiến, thu hộ, thu theo thỏa thuận không đúng quy trình.

Nhiều thông tin theo Phó GĐ Quang được người dân, xã hội và báo chí phản ánh là đúng. Một số đơn vị như quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông đã giải quyết khá tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tới đây, Thanh tra sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành công tác thanh-kiểm tra đầu năm tại các đơn vị, cơ sở trực thuộc ở 15 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Trong năm học 2014-2015, sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến thanh tra khoảng 15% số đơn vị trực thuộc, 15% số nhà giáo/đơn vị.

2 vấn đề cấn chấn chỉnh

Trước đó, trao đổi với PV, Phó GĐ sở GD-ĐT Hà Nội bà Phạm Thị Hồng Nga là 1 trong 5 trưởng đoàn thanh tra, bà Nga thông tin: kết quả thanh tra ban đầu cho thấy, năm học mới này, 3 vấn đề gây bức xúc cho phụ huynh thời gian qua đã được giải tỏa là: may đồng phục, thu tiền học của các câu lạc bộ và việc làm quen với tiếng Anh trong các cơ sở mầm non.

Từ 6/10 Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thí điểm thanh tra trong 1 tháng các hoạt động đầu năm tại các cơ sở sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội. Nội dung sẽ tập trung vào đổi mới phương pháp dạy và học, thực hiện nề nếp đầu năm, vấn đề thu chi, dạy thêm học thêm.

2 việc cần phải chấn chỉnh ngay, theo bà Nga là việc thu quỹ hội cha mẹ học sinh và xã hội hóa.

Hiện nay những văn bản quy định về thu quỹ hội cha mẹ học sinh vẫn đang rất chung chung, nên có những trường thu không đúng khoản quỹ này.

Để hạn chế tối đa sai phạm này, sở đã yêu cầu các các quận, huyện phải có những buổi họp và quán triệt từng những văn bản cụ thể, chấn chỉnh từng cấp học chỉ được thu duy  nhất 1 loại quỹ hội cha mẹ học sinh, chứ không chia thành nhiều loại quỹ như quỹ trường, quỹ lớp...Số tiền thu-chi quỹ để làm gì, các trường cũng phải có dự kiến chi tiết kế

Ngoài quỹ cha mẹ học sinh còn 1 khoản nữa phải chấn chỉnh là công tác xã hội hóa.

Theo bà Nga: "Xã hội hóa phải hoàn toàn với tính chất là tự nguyện và tuyệt đối không được cào bằng. Những gia đình nghèo khó phải tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho con em họ đi học, chứ không phải vì không có tiền xã hội hóa mà con em họ phải băn khoăn khi đến trường, đến lớp. Tất cả học sinh đóng tiền xã hội hóa hay không đóng tiền đều phải được hưởng chế độ công bằng như nhau".

Ngoài kiểm tra việc thu chi, trong nội dung kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ năm học, đoàn kiểm tra cũng sẽ tiến hành kiểm tra vấn đề “nóng” của các trường là việc thực hiện dạy thêm, học thêm.

  • Đăng Duy