- Học sinh được chọn môn học, có cả môn Kinh doanh, Kinh tế; bài tập về nhà là các dự án kéo dài nhiều tháng, khi dạy môn văn, thầy cô tự chọn tác phẩm.

Theo học chương trình Tú tài quốc tế (International Baccalaureate) tại trường quốc tế đầu tiên ở Việt Nam (UNIS Hanoi) từ học bổng toàn phần, Nguyễn Thành Nam, 18 tuổi chia sẻ sự khác biệt giữa chương trình trong nước – nước ngoài.

{keywords}
Nguyễn Thành Nam

Đã từng theo học ở Trường THPT Chu Văn An, là trường có điểm tuyển sinh đầu vào khá cao ở Hà Nội rồi trúng tuyển vào đây, em thấy có sự khác nhau gì giữa 2 chương trình học?

Em nộp hồ sơ khi đang học lớp 10, khi chuyển qua trường này, em học lại lớp 10.

Em thấy so với các trường Việt Nam,chương trình ở đây thiên nhiều hơn về thực hành. Ngoài ra trường có cơ sở vật chất khá đầy đủ để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện thông qua các hoạt động thể thao, hoạt động ngoại khóa.

Vì vậy bên cạnh việc học, học sinh phải tham gia hoạt động ngoại khóa; âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động tình nguyện và phục vụ cộng đồng. Ở trường khác, hoạt động tình nguyện nếu có thì thường từ cấp 3, còn ở đây, diễn ra sớm hơn, từ lớp 6.

Một điểm khác biệt nữa là việc bố trí các khu phòng học theo bộ môn: các bộ môn Khoa học, Xã hội, Nghệ thuật v.v.. mỗi ngành có một khu phòng học. Học xong môn này, học sinh lại di chuyển đến phòng học khác để học tiếp, chứ không ngồi cố định ở một lớp để các thầy cô đến dạy.

Mỗi phòng học sẽ do thầy cô dạy tự thiết kế, trang trí. Bàn học thường kê theo nhóm để học sinh từng nhóm quay mặt vào nhau thay vì quay lên bảng.

{keywords}
Học sinh đang chơi môn khúc côn cầu
Còn về kiến thức thì sao?

Về mặt kiến thức, có thể là dễ hơn ở VN, nhưng đòi hòi ở học sinh rất nhiều kỹ năng.

Ví dụ ở môn Vật lý, chúng em cũng học chuyển động cơ, định luậtNewton, chuyển động ánh sáng là những kiến thức mà học sinh học ở nhà trường VN được làm quen từ lớp 6, 7, 8. Điều này có thể lợi thế của học sinh VN nếu có ý định theo học tiếp chương trình của trường.

Ở đây, học sinh vẫn có thể dùng giấy bút để làm bài tập. Tuy nhiên tất cả giáo viên và học sinh của trường đều được trường cấp một laptop được cài đặt sẵn các phần mềm hỗ trợ học tập và thường thì các thầy cô sẽ gửi bài tập và học sinh sẽ nộp bài qua mạng. Khi học vật lý chẳng han, HS sẽ thí nghiệm kết nối laptop với dụng cụ đo.

Em phải học bao nhiêu môn?

Chương trình chuẩn bị đại học Tú tài Quốc tế (IB Diploma Programme) kéo dài 2 năm lớp 11 và lớp12, trước đó học sinh chủ yếu học các kỹ năng cần thiết để tiếp nhận kiến thức của hai năm học này.

Năm lớp 10 em học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên (Lý và Hóa), Thể dục và Nghệ thuật. Môn Nghệ thuật được chọn giữa Âmnhạc, Mỹ thuật và Kịch, em chọn Mỹ thuật. Mỗi môn học mỗi tuần 3 tiết.

Đầu lớp 11, học sinh chọn 6 môn từ nhóm bộ môn sau để học trong hai năm Lớp 11 và 12: Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Toán và Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc, Điện ảnh, Kịch).

Em chọn Vật lý, Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Kinh tế, Kinh doanh và quản lý..

{keywords}
Phòng học môn Tiếng Pháp
Kinh tế và Kinh doanh không phải là các môn học riêng hoặc phổ biến ở nhà trường Việt Nam. Vậy em theo học 2 môn này như thế nào?

Môn Kinh tế chú trọng nhiều hơn về khái quát tình trạng kinh tế, lạm phát, giá trị của tiền, ngoại tệ,v.v.. Còn môn Kinh doanh chú trọng vào doanh nghiệp, điều hành cụ thể.

Khi thực hành môn này, chúng em phải ra ngoài khảo sát thị trường, như thu thập giá từ các quán cà phê khác nhau để phân tích rồi làm bài luận báo cáo kết quả phân tích.

Thầy giáo cũng thường yêu cầu học sinh liên lạc với các công ty để  lấy số liệu kinh doanh, rồi phân tích số liệu để đưa ra kết luận xem họ làm ăn tốt hay không.

Thế còn môn văn?

Ở đây, mỗi HS học 2 thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ, với em là môn Tiếng Việt. Ở môn học này, giáo viên có quyền lựa chọn tác phẩm để giảng dạy. Bên cạnh kỹ năng viết, học sinh còn học kỹ năng thuyết trình cho học viên. Môn tiếng Anh cũng gần như vậy.

Chúng em cũng học thơ Nguyễn Duy, Huy Cận, Nam Cao;  các thầy cô chọn một số tác phẩm thơ, văn xuôi từ sách giáo khoa để giảng cho học sinh nhưng không phải tất cả.

Ở đây chấm điểm hơi khác, bài làm của học sinh được chấm theo nhiều tiêu chí như ngôn ngữ, trình bày, mức độ hiểu đề bài v.v...; các thầy cô sẽ cho điểm từng tiêu chí riêng, cộng lại rồi chia chung bình, chứ không chấm một mức điểm cho cả bài. Cách chấm điểm này được áp dụng trong tất cả các môn chứ không chỉ môn văn.

{keywords}
Phòng học môn Tiếng Việt

Còn chuyện học thêm thì sao?

Thực ra, nói không có học thêm thì không đúng. Nếu cần, các bạn có thể học thêm với gia sư ở nhà, còn trường và thầy cô không tổ chức dạy thêm mà chỉ trao đổi với phụ huynh về những lỗ hổng kiến thức cần được bổ sung.

Học thêm là việc riêng nên các bạn cũng không hay chia sẻ hay nói chuyện về điều này.

Theo học chương trình này, áp lực nhất của em là gì?

Thì cũng là áp lực điểm số, vì HS đi học, ai cũng muốn điểm cao (cười).

Ở đây, các thầy cô thường giao bài tập lớn, làm trong thời gian dài, học sinh phải tự nghiên cứu để thực hiện.

Điểm từ 4 trở lên là Đạt và 7 là mức điểm tối đa. Học sinh phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để đạt được 6 – 7.

Vì vậy áp lực nhất là trong một khoảng thời gian nhất định, môn nào cũng có bài tập, lượng bài tập nặng, ngoài những kỹ năng học tập và nghiên cứu như thu thập, phân tích, trình bày, thuyết trình, học sinh còn phải học cách quản lý thời gian hợp lý để hoàn thành các bài tập đúng hạn.

Ngoài ra một trong những điều kiện để tốt nghiệp phổ thông của Chương trình Tú tài quốc tế là HS phải có hoạt động tình nguyện phục vụ cộng đồng, ít nhất 50 giờ mỗi năm liên tục từ tháng 11 đến hết tháng 5  Thế nên học sinh càng phải nỗ lực nhiều hơn để quản lý thời gian vừa hoàn thành việc học vừa đảm bảo các hoạt động khác.

{keywords}
Thư viện nhà trường

Bài học nào đáng nhớ nhất mà em học được từ các bạn?

Ở đây mỗi bạn có một cá tính riêng, lại đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nên tuy cùng giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng khác biệt có thể rất lớn. Có những hành động mình coi là bình thường nhưng lại là không phù hợp với một số nền văn hóa khác. Em mất nửa năm đầu để thích nghi và làm quen.

Bài học đáng nhớ nhất của em có lẽ việc chủ động nói chuyện với các bạn. Khi mới chuyển vào đây, em cũng khá nhát, vì hồi còn học ở trường VN, em không phải là người thích nói chuyện nhiều.

Thế nhưng khi vào trường, có những bạn em không nói chuyện bao giờ nhưng luôn quan tâm hỏi em có vấn đề khó khăn gì không, có gì cần hỗ trợ hay giúp đỡ không.

Em nghĩ người ta cởi mở như thế thì mình cũng cởi lòng mình ra. Đó là bài học đáng nhớ nhất và đã tạo nên sự khác biệt trong em. (Năm học 2013-2014, Nguyễn Thành Nam đã được trường cử tham gia đội hùng biện của trường tới Singapore tham gia The Hague Model United Nations. Tại đây Nam đại diện cho Canada để thuyết trình trước Hội đồng về chủ đề Biến đổi Khí hậu).

-Cảm ơn em.

  • Hạ Anh (thực hiện)
  • Ảnh: Lê Anh Dũng

UNIS Hanoi là một trong hai trường quốc tế Liên Hợp Quốc duy nhất trên thế giới (ngôi trường đầu tiên có trụ sở ở New York, Mỹ).

Đây cũng là ngôi trường đầu tiên tại châu Á giảng dạy theo Chương trình Tú Tài Quốc tế và là trường quốc tế phi lợi nhuận duy nhất tại Hà Nội.

Hiện nay trường có 1,088 học sinh từ 3 đến 18 tuổi đến từ hơn 60 quốc gia, đại diện của 40 ngôn ngữ trên thế giới; số lượng học sinh người Việt chiếm khoảng 15%.

Học phí học tại UNIS Hà Nội tăng dần theo từng năm học từ lớp Mẫu giáo bé (3 tuổi) đến cao nhất là Lớp 12. Trong năm học 2014 - 2015, học phí các lớp 9 - 10 là 22.325 USD, lớp 11 - 12 là 23.850 USD (khoảng 470 - 500 triệu đồng).

Chương trình học bổng toàn phần (trị giá 25.000 USD/năm) cho năm học 2015 - 2016 của trường bắt đầu tuyển ứng viên.