- Chỉ tính riêng tiền xây dựng và tu bổ cơ sở vật chất của Trường Tiểu học thị
trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định đã gần 1 tỷ đồng, chưa kể hơn 15
khoản thu khác được đưa ra đầu năm khiến phụ huynh bức xúc.
Thu vậy là tùy tiện, nặng cho phụ huynh...
Trong đơn khiếu nại gửi cơ quan báo chí cùng lãnh đạo ngành giáo dục Nam Định, UBND huyện Ý Yên nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học thị trấn Lâm bức xúc cho rằng các khoản tiền đầu năm trường yêu cầu đóng góp là “quá nặng nề” và “không hợp lý”.
Cụ thể, học sinh lớp 1 phải đóng 17 khoản với tổng tiền là 2.855.000 đồng/em.
Các khoản này bao gồm tiền bảo hiểm y tế: 290.000 đồng, quỹ giáo dục: 200.000 đồng, quỹ phục vụ điện: 100.000 đồng, tiền vệ sinh, nước sạch và tiền bảo vệ: 100.000 đồng, quỹ hội phụ huynh: 150.000 đồng, quỹ học sinh nghèo: 50.000 đồng, quỹ xây dựng (hỗ trợ tu bổ cơ sở vật chất): 300.000 đồng, tiền hỗ trợ phòng tin học: 100.000 đồng (trong khi các em lớp 1 chưa được học tin học); tiền học hè trong tháng 8: 300.000 đồng, tiền hỗ trợ dạy thêm 2 buổi/tuần: 500.000 đồng, tiền quỹ lớp: 100.000 đồng, tiền áo, mũ, đồng phục: 310.000 đồng, tiền mua ghế nhựa: 50.000 đồng, tiền đồ dùng học tập: 50.000 đồng; tiền giấy thi, hồ sơ học bạ, sổ liên lạc, kế hoạch nhỏ: 55.000 đồng; tiền Bảo Việt: 100.000 đồng.
Liệt kê các khoản thu đầu năm và thắc mắc của phụ huynh Trường TH thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định. (Ảnh: Đăng Duy) |
Với học sinh lớp 5, các khoản cũng gần như tương tự với 18 mục cần đóng góp nhưng số tiền thấp hơn một chút là 2.505.000 đồng/học sinh.
Theo các phụ huynh này, tất cả các khoản trên nhà trường yêu cầu phụ huynh phải đóng ngay từ đầu năm nên họ gặp nhiều khó khăn. Đối với học sinh lớp 2-3-4 các khoản tiền quỹ trường đặt ra cũng phải nộp với mức như học sinh khối lớp 1 và lớp 5.
Một phụ huynh khối lớp 3 phân tích: “Thu như vậy là tùy tiện, quá nặng nề cho phụ huynh. Nhiều khoản thu chồng chéo như tiền quỹ giáo dục, tiền quỹ phụ huynh, tiền quỹ lớp là 450.000 đồng/học sinh (lên tới vài trăm triệu không ai được biết chi vào những việc gì)”.
Chưa hết, học sinh khối lớp 1-2 chưa học tin học nhưng vẫn phải đóng 100.000 đồng/em. Các khoản điện nước, tiền bảo vệ theo các phụ huynh này là quá cao, không hợp lý. Tiền xây dựng và tu bổ cơ sở vật chất là chồng chéo nhau, với gần 700 học sinh số tiền thu được đã trên dưới 1 tỷ đồng.
Cần phải xem xét lại?
Trong các buổi họp phụ huynh đầu năm của các lớp, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần đóng góp để xây dựng nhà trường, phục vụ cho con em có điều kiện học tốt nhất. Tuy nhiên các khoản thu được đại diện hội cha mẹ phụ huynh học sinh của trường và giáo viên đưa ra cần phải xem lại cho hợp lý.
Biên bản cuộc họp hội phụ huynh học sinh lớp 3A4 hồi đầu tháng 9, tổng hợp ý kiến của không ít phụ huynh đề nghị ban giám hiệu nhà trường cân nhắc lại các khoản thu đầu năm cho hợp lý.
Ngoài các khoản thu quá cao, phụ huynh lớp này cũng cho rằng tiền hội phụ huynh học sinh khối lớp 3 nên giữ ở mức 100.000 đồng như mọi năm thay vì 150.000 đồng như năm nay; Tiền quỹ giáo dục nên giữ ở mức 150.000 đồng như năm trước thay vì 200.000 đồng trong năm mới. Tiền trông giữ xe nên ở mức 30.000 đồng thay vì 50.000 đồng.
Những đề nghị trên cũng được không ít phụ huynh lớp 4A2 đưa trong cuộc họp phụ huynh đầu năm.
Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua nhà trường vẫn chưa có cuộc gặp mặt để giải thích cho phụ huynh cơ sở của các khoản thu này.
Trao đổi với VietNamNet sáng 10/10, hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lâm Phạm Tuấn Khanh thừa nhận, do đầu năm nhiều công việc nên trường có thiếu sót khi đã gần 1 tháng qua nhà trường không họp bàn, giải thích những bức xúc của phụ huynh.
Dự kiến trong tuần tới (từ 13/10) trường sẽ lên kế hoạch để tập trung phụ huynh giải đáp các thắc mắc.
Nhà trường không vụ lợi?
Về các khoản thu nêu trên, ông Khanh cho biết, trong hội nghị BCH hội phụ huynh toàn trường ngày 13/9 với 23 chi hội trưởng các lớp cùng lãnh đạo nhà trường đã thống nhất các khoản thu tự nguyện ủng hộ nhà trường.
“Phần lớn phụ huynh các lớp đều đồng ý với các khoản thu tự nguyện này nhưng ở lớp 3A4 và 4A2 phụ huynh còn băn khoăn, thắc mắc, không nhất trí. Tuy nhiên ban đại diện hội cha mẹ phụ huynh học sinh của trường cho rằng, những khoản trên là cần thiết, phục vụ cho con em học tập nên vẫn tiến hành triển khai thu ở các lớp” – ông Khanh cho biết.
Theo ông Khanh: Quỹ hội phụ huynh để chi cho cuộc họp phụ huynh, động viên ngày lễ Tết cho giáo viên, hỗ trợ nhà trường những điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện. Quỹ hỗ trợ giáo dục do phụ huynh cùng bàn bạc để hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường (?!).
Tiền hỗ trợ tin học: 150.000 đồng với học sinh lớp 3-4-5 và 100.000 đồng với học sinh lớp 1-2 theo ông Khanh là để chi trả cho giáo viên dạy hợp đồng cho các lớp, tu bổ và sắm sửa lại máy vi tính đã hỏng hóc.
“Năm 2005 trường được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia chuẩn cấp độ 2. Sở GD-ĐT Nam Định và phòng GD-ĐT huyện Ý Yên chỉ đạo trường chúng tôi dạy thí điểm tin học tự chọn cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Trường chỉ được đầu tư phòng ốc, máy móc không có nên đề nghị sự tham gia của phụ huynh học sinh. Từ đó tới nay, qua nhiều năm số máy móc cần sửa chữa khá nhiều” – ông Khanh bổ sung.
Trả lời việc tại sao học sinh khối lớp 1-2 chưa học tin học vẫn phải đóng 100.000 đồng, hiệu trưởng Khanh cho biết đây là “ý kiến của phụ huynh muốn cùng giúp đỡ nhà trường”.
Số học sinh nghèo trừ đi khoảng 600 em. Quỹ hỗ trợ giáo dục cùng bàn bạc với phụ huynh để hỗ trợ giáo dục. Tiền thu dạy 2 buổi/ngày theo ông Khanh, trước nay trường vẫn dạy nhưng không thu tiền.
Năm 2014-2015 phụ huynh thấy giáo viên phải đứng lớp quá nhiều so với tiêu chuẩn, tăng cường thêm 5 buổi sáng, 4 buổi chiều nên có đề nghị khoản này để hỗ trợ giáo viên.
Tương tự, tiền học hè đầu tháng 8 cũng do đề nghị từ phía phụ huynh. “Theo văn bản của Sở GD-ĐT Nam Định học sinh toàn tỉnh tựu trường vào ngày 24/8 nhưng để ổn định lớp học, giúp học sinh làm quen với môi trường tiểu học (lớp 1) và ôn lại kiến thức (với các khối lớp còn lại) nên hầu hết các trường đều cho học sinh đến lớp sớm từ đầu tháng 8. Giáo viên thời điểm này theo quy định vẫn được nghỉ nhưng với trách nhiệm, các thầy cô sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không đòi hỏi khoản phụ cấp nào”.
Tiền đồng phục ông Khanh giải thích, trước đây trường để phụ huynh các lớp tự lo dẫn đến mỗi lớp một màu, không đồng nhất. Năm 2014-2015, hội phụ huynh bàn bạc và thống nhất để thường trực hội phụ huynh mua cho các cháu. Trường không lo việc này.
Về khoản tiền vệ sinh, tiền nước sạch, tiền bảo vệ theo tính toán của nhà trường khoản thu được mỗi năm khoảng 60 triệu. Riêng tiền trả cho bảo vệ là 12 triệu, tiền nước sạch 20 triệu và chi tu bổ hệ thống cung cấp nước. Bảo vệ còn kiêm luôn việc quét dọn cho các lớp khối 1-2. Ngoài ra trường còn có đội vệ sinh môi trường lo quét rọn toàn trường nên cũng phải trả chi phí cho họ.
Khoản tiền điện ngoài việc giúp nhà trường trang trải phí điện hàng tháng còn để thay mới hơn 10 quạt trần sắp hỏng ở các lớp và bảo quản hàng năm.
Trường TH thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định. (Ảnh: Đăng Duy) |
Quy xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất theo ông Khanh là để năm nay mua thêm 160 bộ bàn ghế, thay thế cho số bàn ghế bằng gỗ ép trang bị từ năm 2005 đã hỏng. Dự kiến với 180 triệu (thu được từ 600 em, 70 em diện hộ nghèo và khó khăn) trường mới đầu tư mua sắm đủ số lượng lớn bàn ghế này.
“Năm qua, địa phương chúng tôi tập trung cho công trình trường mầm non thị trấn với đầu tư 24 tỷ đồng nên Trường Tiểu học thị trấn Lâm dù muốn cũng không thể có kinh phí để tu bổ số bàn ghế này. Do vậy rất cần sự chung tay góp sức của phụ huynh” – ông Khanh phân trần.
Riêng tiền 50.000 hỗ trợ học sinh nghèo, hiệu trưởng Khanh cho biết trường có gần 50 em diện này. Hàng năm tiền này trường dùng hỗ trợ mua vở, áo sơ mi và áo khoác cho các em học sinh nghèo.
“Tất cả các khoản thu chi tự nguyện khi làm đều có sự tham gia, bàn bạc và thống nhất của hội cha mẹ phụ huynh học sinh. Trường không có vụ lợi gì trong việc này” - ông Khanh khẳng định. Hiện, kế hoạch mới phát đi, số phụ huynh đóng góp vẫn chưa nhiều.
Đăng Duy