- Bài viết của nhà giáo Trần Trung Huy (Trường Tiểu học Lai Vu – Kim Thành – Hải Dương) dưới đây được đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, là góc nhìn riêng của tác giả. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông và mong nhận thêm trao đổi.


Đúng ra thì sách giáo viên (SGV) là tài liệu tham khảo và sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc. Thế nhưng thực tế hiện nay ở Tiểu học, đã có SGK thì phải có SGV. SGV có vai trò cụ thể hóa SGK về mặt phương pháp. SGV là tài liệu hướng dẫn giáo viên chuyển kiến thức từ SGK đến học trò. Tác giả của SGV cũng chính là tác giả của SGK. Có thể nói, muốn tìm đáp án đúng cho bài tập ở SGK thì cứ mở SGV ra là có. Và có lẽ chính vì vai trò của SGV quan trọng như vậy nên nhiều khi GV biết là SGV nói sai nhưng vẫn cứ dạy theo SGV.

{keywords}

Chương trình Luyện từ và câu -Tiếng Việt 4 có tất cả 12 tiết về câu kể. Trong đó, tìm hiểu chung về câu kể có 1 tiết, câu kể Ai là gì? gồm 4 tiết, riêng hai kiểu câu Ai làm gì?Ai thế nào? có 7 tiết. Việc xác định câu Ai là gì? có lẽ dễ nhất với cả GV và HS. Việc xác định và phân biệt câu Ai làm gì?Ai thế nào? là tương đối khó và nhiều khi không có ranh giới rõ ràng.

Có lẽ vì vậy mà loạt bài về hai kiểu câu Ai làm gì?Ai thế nào? trong SGK Tiếng Việt 4 có tất cả 7 tiết thì có đến 6 tiết SGV (tài liệu hướng dẫn GV giảng dạy) xác định sai về câu Ai làm gì? hoặc Ai thế nào? 

Những bài học SGV xác định câu sai

1. Bài “Câu kể Ai làm gì ?” – Tiếng Việt 4, tập 1 trang 166

Để giới thiệu mẫu câu Ai làm gì?, phần Nhận xét đưa ra đoạn văn: “Trên nương, mỗi người một việc. Người lớn đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá. Mấy chú bé bắc bếp thổi cơm. Các bà mẹ tra ngô. Các em bé ngủ khì trên lưng mẹ. Lũ chó sủa om cả rừng” kèm theo yêu cầu HS xác định câu Ai làm gì? để phân tích các bộ phận câu.

SGV đã xác định các câu “Người lớn đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá. Mấy chú bé bắc bếp thổi cơm. Các bà mẹ tra ngô. Các em bé ngủ khì trên lưng mẹ. Lũ chó sủa om cả rừng” thuộc kiểu Ai làm gì?

Nếu chỉ đọc lướt qua thì chắc ít ai thắc mắc gì. Nhưng nếu đặt riêng ra từng câu thì SGV đã xác định sai câu “Các em bé ngủ khì rên lưng mẹ.”

Để xét xem một câu văn thuộc mẫu Ai làm gì? hay Ai thế nào? ta thường căn cứ vào vị ngữ của câu.

Về nghĩa, vị ngữ trong câu này trả lời câu hỏi Thế nào? chứ không trả lời câu hỏi Làm gì? Để trả lời “ngủ khì trên lưng mẹ” thì chẳng ai lại hỏi “Các em bé làm gì ?”. Ta có thể đặt hai câu hỏi và trả lời để đối chiếu:

Câu hỏi Trả lời Nhận xét
1. Các em bé làm gì? Ngủ khì trên lưng mẹ Không hợp lí
2. Các em bé thế nào? Ngủ khì trên lưng mẹ Hợp lí

Rõ ràng câu hỏi và trả lời 2 nghe thuận hơn. Như vậy, “Các em bé ngủ khì trên lưng mẹ” là câu Ai thế nào? chứ không phải câu Ai làm gì? như SGV xác định.

2. Bài “Vị ngữ trong câu Ai làm gì ?” – Tiếng Việt 4, tập 1, trang 171

Bài tập 1 phần “Nhận xét” yêu cầu HS tìm câu kể Ai làm gì? trong đoạn văn sau:

“Hàng trăm con voi đang tiến về bãi. Người các buôn làng kéo về nườm nượp. Mấy anh thanh niên khua chiêng rộn ràng. Các bà đeo những vòng bạc, vòng vàng…”

SGV đã xác định cả ba câu đầu là câu Ai làm gì? Theo tôi, chỉ có câu thứ nhất và câu thứ ba thuộc mẫu câu Ai làm gì?. Còn câu thứ hai thuộc mẫu câu Ai thế nào“kéo về nườm nượp” là một trạng thái. Để chính xác hơn, ta lại xét bảng sau:

Câu hỏi Trả lời Nhận xét
1.Người các buôn làng làm gì? Kéo về nườm nượp Không hợp lí
2. Người các buôn làng thế nào? Kéo về nườm nượp Hợp lí

Ta thấy “kéo về nườm nượp” không thể trả lời câu hỏi Làm gì? được. Cần nói thêm: Câu thứ nhất “Hàng trăm con voi đang tiến về bãi” Vẫn có thể xếp vào mẫu câu Ai thế nào? được. Ta xét bảng sau:

Câu hỏi Trả lời Nhận xét
1. Hàng trăm con voi làm gì? Đang tiến về bãi Hợp lí
2. Hàng trăm coi voi thế nào? Đang tiến về bãi Hợp lí

Nhiều khi, ranh giới cho hai mẫu câu Ai làm gì?Ai thế nào? không thật rõ ràng chính là trường hợp này đây.

3. Bài “Chủ ngữ trong câu Ai làm gì ? – Tiếng Việt 4, tập 2, trang 7.

Bài tập 1 phần “luyện tập” yêu cầu HS tìm câu kể Ai làm gì trong đoạn văn sau:

“Cả thung lũng như một bức tranh thủy mặc. Những sinh hoạt của một ngày mới bắt đầu. Trong rừng, chim chóc hót véo von. Thanh niên lên rẫy. …”

SGV chỉ ra câu “Trong rừng, chim chóc hót véo von” thuộc  mẫu câu Ai làm gì? là sai. Ta chỉ có thể hỏi “Trong rừng, chim chóc thế nào? chứ chả ai lại hỏi “Trong rừng, chim chóc làm gì?. Người viết câu văn này có ý muốn tả cái “véo von” của chim chóc chứ không phải chỉ thông báo cái việc “hót” của chim.

Có thể viết hai câu sau:

+ Trong rừng, chim chóc hót – Câu Ai làm gì? (Người viết văn ít khi viết những câu kiểu đó)
+ Trong rừng, chim chóc véo von – Câu Ai thế nào? (Người viết văn rất có thể viết những câu kiểu đó – Vị ngữ thiếu động từ chỉ hoạt động nhưng người nghe vẫn hiểu.)

Vậy thì câu “Trong rừng, chim chóc hót véo von” là nhằm miêu tả cảnh chim chóc hót trong rừng chứ không phải để thông báo việc chim hót. Do vậy, đây là câu Ai thế nào?

4. Bài “Luyện tập về câu kể Ai làm gì ? – Tiếng Việt 4, tập 2, trang 16

Phần Nhận xét có đoạn văn: “Đêm trăng. Biển yên tĩnh. Tàu chúng tôi buông neo trong vùng biển Trường Sa. Một số chiến sĩ thả câu. …". Bài tập 1 yêu cầu HS tìm câu kể Ai làm gì? Và một lần nữa, SGV lại mắc sai lầm khi “hướng dẫn” GV xác định câu “Tàu chúng tôi buông neo trong vùng biển Trường Sa” thuộc mẫu câu Ai làm gì?

Trong sách “Hỏi đáp về dạy học Tiếng Việt 4” – NXB GD 2005 – trang 163, các tác giả (của SGK, SGV và cũng là tác giả sách “Hỏi đáp…”) đã đưa ra câu “Bức tranh treo ở trên tường” để lưu ý các thầy cô giáo rằng “treo” ở đây là động từ chỉ trạng thái nên đây là câu Ai thế nào?. Nó hoàn toàn khác câu “Người ta treo bức tranh trên tường” vì “treo” trong câu này là động từ chỉ hoạt động và câu này thuộc mẫu Ai làm gì?

Thế thì “Tàu buông neo” là một trạng thái chứ đâu phải một hoạt động. Dù “Tàu chúng tôi” được “nhân cách hóa” thì tàu “buông neo” vẫn là một trạng thái (Tàu đã đứng yên để các chiến sĩ thả câu, ca hát,...). Chắc rằng chỉ cần nói đến đây thôi bạn đọc cũng có thể khẳng định SGV đúng hay sai rồi chứ không cần phải nói tiếp nữa.

5. Bài “Câu kể Ai thế nào ?” – Tiếng Việt 4, tập 2 trang 23

Vẫn như vậy. Phần Nhận xét là một đoạn văn. Đoạn văn đó như sau: “Bên đường, cây cối xanh um. Nhà cửa thưa thớt dần. Đàn voi bước đi chậm rãi. Người quản tượng ngồi vắt vẻo trên chú voi đi đầu. Anh trẻ và thật khỏe mạnh. Thỉnh thoảng, anh lại cúi xuống như nói điều gì đó với chú voi.”

 Tôi xin chép lại đây nguyên văn đáp án của SGV Tiếng Việt 4 để bạn đọc tiện theo dõi:

“*Chú ý: Các câu 3,5 và 7 (Đàn voi bước đi chậm rãi. Người quản tượng ngồi vắt vẻo trên chú voi đi đầu. Thỉnh thoảng, anh lại cúi xuống như nói điều gì đó với chú voi) là câu kể kiểu Ai làm gì?. Nếu có HS nói Đàn voi bước đi chậm rãi  hay Người quản tượng ngồi vắt vẻo trên chú voi đi đầu là câu Ai thế nào? GV có thể giải thích: Các từ bước đi, ngồi là động từ, trả lời cho câu hỏi Làm gì?. Các em tưởng những câu ấy trả lời cho câu hỏi thế nào? vì trong cụm động từ làm vị ngữ có các tính từ chậm rãi, vắt vẻo,.. . Nhưng những tính từ ấy chỉ miêu tả cho các hoạt động bước đi và ngồi.” (Tiếng Việt 4 - SGV tập 2, trang 45 từ dòng 9 đến dòng 16 )

Bài học này có hai vấn đề để nói:
- Thứ nhất, ta khẳng định ngay câu văn Người quản tượng ngồi vắt vẻo trên chú voi đi đầu  là câu Ai thế nào? và SGV đã sai khi xác định đây là câu Ai làm gì ? Ai cũng biết ngồi là động từ nhưng đây là động từ chỉ trạng thái, nó hoàn toàn khác với ngồi trong câu “Người quản tượng ngồi lên  chú voi đi đầu”. Ở đây, tác giả muốn miêu tả cái tư thế ngồi của anh quản tượng như thế nào chứ không phải viết để kể việc anh ấy đã ngồi lên mình con voi đi đầu. (Cũng có thể hiểu như câu “Bức tranh treo trên tường” đã dẫn ở mục 4).

- Thứ hai, trong sách “Hỏi đáp về dạy học Tiếng Việt 4” - NXB GD 2005 – trang 163, tác giả lại hướng dẫn GV theo kiểu “nước đôi”. Câu “Đàn voi bước đi chậm rãi”. Có hai cách xác định, cứ nhấn giọng ở từ nào thì xác định câu theo ý nghĩa của từ đó. Tức là, nếu đọc nhấn giọng ở “bước đi” thì ta xếp nó vào câu Ai làm gì?. Nếu đọc nhấn giọng ở “chậm rãi” thì ta xếp nó vào câu Ai thế nào? Với GV tiểu học (trình độ hiện tại) và HS tiểu học mà sách hướng dẫn thế thì khó quá.

6. Bài “Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào ?” – Tiếng Việt 4, tập 2 trang 36

Để giúp HS hiểu ý nghĩa và cấu tạo của chủ ngữ trong câu Ai thế nào?, phần “Nhận xét” đã đưa ra đoạn văn sau đây với yêu cầu thứ nhất là tìm câu kể Ai thế nào? trong đoạn văn:

“Ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Cả một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Những dòng người từ khắp các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình. Các cụ già vẻ mặt nghiêm trang. Những cô gái thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ.”

Một lần nữa, SGV  lại mắc sai lầm khi “hướng dẫn” GV “kết luận: Các câu 1-2-4-5 là các câu kể Ai thế nào? Ở cuối trang 63, các tác giả viết thêm: Chú ý: Câu 3 trong đoạn văn trên thuộc kiểu Ai làm gì? (Những dòng người từ khắp các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình.)

Ta hãy đặt riêng câu văn này ra để xét:
- Về ý nghĩa: Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết câu này để miêu tả cảnh hàng vạn người dân thủ đô từ khắp các ngả đường trong thành phố tiến về vườn hoa Ba Đình tựa như những dòng nước lớn “tuôn” về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

- Về cấu tạo của vị ngữ: Bộ phần chính của vị ngữ - “tuôn”- là một động từ chỉ trạng thái. (Có thể thay thế “tuôn” bằng “đổ” (nhưng không hay) chứ không thể thay thế “tuôn” bằng “đi”.)
Ta cũng có thể dùng thủ thuật đặt câu hỏi để xác định:

Câu hỏi Trả lời Nhận xét
1. Những dòng người từ khắp các ngả làm gì? tuôn về vườn hoa Ba Đình Không hợp lí
2. Những dòng người từ khắp các ngả thế nào? tuôn về vườn hoa Ba Đình Hợp lí

***

Trên đây là cụ thể của vấn đề 7 bài học liên tiếp của SGK Tiếng Việt 4 thì có đến 6 bài SGV xác định câu sai để “hướng dẫn GV dạy”. Vì thế, khi lên lớp, nếu cứ cắm cúi dạy theo SGV thì sẽ nhiều lúc GV sẽ dạy sai.

Trong thực tế, đa số GV rất tin tưởng vào đáp án trong SGV nên thường “cãi” đồng nghiệp rằng “Tôi cứ theo SGV tôi dạy. Thế mà các đồng nghiệp đôi khi lại thua cái lí sự đó đấy vì cô giáo đã dạy theo “SGV” cơ mà. Lại có nhiều GV nghi ngờ (thậm chí khẳng định) đáp án ở SGV sai nhưng vẫn cứ dạy theo SGV vì họ không “dại gì” để mà chuốc lấy sự phỏng vấn, bắt bẻ của đồng nghiệp vì thực tế ở Tiểu học, chả lấy đâu ra nhiều GV thông kiến thức về câu.

Hơn nữa, ai dạy trái với đáp án của SGV cũng có nghĩa là dạy trái với đáp án của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Giáo dục Tiểu học và là chính tác giả của SGK  ...

Vì vậy, điều tưởng chừng như "không thể" lại "có thể" đang diễn ra bao năm nay: khi dạy Tiếng Việt, giáo viên tiểu học nhiều lúc chỉ còn biết làm “LOA” cho SGV mà thôi?

Trần Trung Huy (Trường Tiểu học Lai Vu – Kim Thành – Hải Dương)