"Tôi không hiểu tại sao khi làm sách dạy trẻ em làm quen với chữ cái Việt Nam mà lại đưa cờ Trung Quốc vào phần chữ C?" - GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề về sách dạy tiếng Việt vẽ cờ Trung Quốc.  

>>Bộ GD nói gì về sách cắm cờ Trung Quốc?
>>Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc?
>>Hình ảnh thu hồi sách sai sót và lời xin lỗi
>>Sách in cờ Trung Quốc không phù hợp với trẻ Việt

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: nhắc đến những sai sót trong sách tham khảo cũng cần đặt ra trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước. Lâu nay sách tham khảo xuất hiện quá nhiều và phần lớn trong số đó chất lượng không được kiểm soát. Nhiều nhà xuất bản chỉ bán giấy phép, phó mặc cho đơn vị liên kết làm gì thì làm. Đáng lo hơn khi có nhiều cuốn được đưa vào sử dụng trong trường học.

- Theo lý giải của NXB Dân trí do là sách dịch, mua bản quyền nên không thay đổi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu là sách dịch và nội dung bổ ích, có thể tham khảo được trong dạy học thì nên dịch. Khi dịch phải tôn trọng lời văn và hình ảnh của sách tùy theo hợp đồng bản quyền đã ký kết.

Trang sách dạy các em học chữ C (trong cuốn Bé làm quen với chữ cái) có in lá cờ của Trung Quốc. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cái sai ở đây của đơn vị xuất bản và phát hành là không nói rõ đó là sách dịch và không nói rõ tên tác giả, lại nói phù hợp với chương trình mầm non của Bộ GD-ĐT. Những điều đó không đúng.

Nói tóm lại chỉ cần nói rõ mục đích, minh bạch vấn đề để mọi người nắm được tinh thần. Nếu người dịch và nhà xuất bản cảm thấy không phù hợp thì không dịch. Thậm chí nếu không phù hợp với tình cảm của người dân Việt Nam vào thời điểm này và giai đoạn này cũng không nên dịch.

Việc nhà xuất bản ra sách tham khảo là quyền của họ. Song để đưa vào nhà trường thì cần có hội đồng thẩm định nghiêm ngặt. Nếu cho trẻ học theo những cuốn sách chưa qua thẩm định của Bộ GD-ĐT thì không khác gì mình tiêm thuốc chưa qua kiểm định của Bộ Y tế cho các cháu.

- Trong khi dư luận chưa khỏi bất ngờ với cuốn sách của NXB Dân trí thì lại xuất hiện cuốn sách “Bé làm quen với chữ cái” NXB Sư phạm có in hình cờ Trung Quốc trong phần học chữ cái “C”. Có ý kiến cho rằng, không nên quá cực đoan... Quan điểm của ông về ý kiến đó?

Đúng là không nên cực đoan, chính trị hóa vấn đề.

Nhưng tôi không hiểu tại sao khi làm sách dạy trẻ em làm quen với chữ cái Việt Nam mà tác giả lại đưa cờ Trung Quốc vào phần chữ C. Nếu là sách dạy tiếng Anh thì có lý vì C là chữ cái mở đầu từ China (Trung Quốc). Còn đây là sách dạy tiếng Việt, nếu chữ C liên tưởng đến lá cờ thì phải vẽ cờ Việt Nam mới đúng.

Ở lứa tuổi mẫu giáo hay đầu cấp tiểu học, chỉ cần dạy cho các cháu những gì gần gũi nhất; còn kiến thức về các nước để lên lớp trên, cho các cháu lớn hơn.

- Là một chuyên gia cũng có con có cháu, ông có lời khuyên nào cho phụ huynh trong việc chọn sách cho trẻ?

Phụ huynh nào cũng muốn con mở mang kiến thức, phát triển kĩ năng, mua sách cho con là đúng. Tuy nhiên, cần chọn sách cho phù hợp chương trình, có lợi cho trẻ. Hiện nay sách tham khảo trên thị trường nhiều, phụ huynh cần hỏi ý kiến những người có hiểu biết, cần lưu ý xem tác giả sách là ai và chọn sách của những nhà xuất bản tin cậy trong từng lĩnh vực.

Với các cháu nhỏ, học lớp 1, phụ huynh nên mua sách tranh, chữ to, có nội dung phù hợp với lứa tuổi để các cháu đọc, vừa giải trí vừa rèn kĩ năng. Các cháu ở trường đã học nhiều rồi, nếu tiếp tục mua sách bài tập về cho các cháu làm nữa thì chỉ làm các cháu chán học mà thôi.

- Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)