- Năm học mới đã bắt đầu được gần 2 tháng nhưng hàng trăm học sinh từ mầm non tới THCS ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa thể đến lớp. Lý do là phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập THCS Hương Bình với trường Hòa Hải và Phúc Đồng.

Trước tình hình trên, ngày 12/10, lãnh đạo cao nhất tỉnh, huyện đã về đối thoại với dân, nhưng sự việc vẫn đang bế tắc. Người dân vẫn cương quyết không đưa con đến trường.

{keywords}

Người dân ngồi phía ngoài để nghe chính quyền giải thích

 

Phản đối quyết liệt

Từ năm học 2014-2015, 247 học sinh Trường THCS Hương Bình (xã Hương Bình, huyện Hương Khê) sáp nhập vào một trong hai trường THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng (cũng thuộc huyện Hương Khê). Tuy nhiên, chủ trương này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân.

Để cho các cơ quan chức năng "để ý" tới nguyện vọng của mình, dù không liên quan gì tới việc sáp nhập, phụ huynh có con em đang theo học tại trường mầm non và tiểu học của xã Hương Bình cũng không cho học sinh tới lớp.

Vì thế, tại xã Hương Bình, đến thời điểm này vẫn còn hàng trăm học sinh từ mầm non đến THCS chưa đến trường: trường mầm non Hương Bình mới chỉ có 30/215 em, Tiểu học Hương Bình có 29/255 em, Trường THCS Hương Bình sáp nhập sang cơ sở mới cũng chỉ có 30/247 em đến trường. Một số em được bố mẹ chuyển đi nơi khác học.

Theo số liệu từ UBND xã Hương Bình, trong số hàng trăm em học sinh nghỉ học chỉ có 42 em nhà xa từ 5-8km. Chính quyền xã Hương Bình và huyện Hương Khê đã nhiều lần cử cán bộ, giáo viên và thông qua loa phóng thanh để tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho trẻ tới trường. Tuy nhiên,  người dân vẫn kiên quyết giữ quan điểm của mình. Một vài gia đình "nóng ruột" nên cho con tới trường thì ban đêm bị ném đá, ném chất bẩn vào nhà "dằn mặt".

Trước tình trạng đó, sáng 12/10, tại trụ sở UBND xã Hương Bình đã diễn ra cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh với khoảng 300 người dân.

Ông Nguyễn Văn Cung (thôn Bình Thành) trình bày, Trường THCS Hương Bình là ngôi trường có bề dày truyền thống, lại là trường chuẩn quốc gia nhiều năm nay, cơ sở vật chất còn rất tốt thì bị sáp nhập.

{keywords}

Ông Dương Danh Phong bức xúc khi sáp nhập trường mà không thông qua ý kiến người dân

Ông Dương Danh Phong (thôn Bình Trung, xã Hương Bình) bức xúc, sáp nhập trường là một chủ trương lớn thế nhưng chính quyền huyện, xã lại không cho dân tham bàn bạc, đóng góp ý kiến. Hơn nữa, nếu học Trường THCS Hòa Hải, một em học sinh lớp 6, lớp 7 phải đạp xe tới 12 km (cả đi và về là 24 km) ảnh hưởng tới việc học.

Còn Trường THCS Phúc Đồng (cách khoảng 4 km) lại nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đường thường xuyên xẩy ra tai nạn. Muốn yên tâm thì người lớn phải đưa đi đón về thì rất mất thời gian, ảnh hưởng tới năng suất lao động, trong khi người dân chủ yếu làm ruộng.

Lãnh đạo huyện, tỉnh nói gì?

Cũng theo ý kiến của nhiều người dân, việc sáp nhập trường THCS Hương Bình là một quyết định vội vàng. Người dân mong muốn được giữ lại trường. Họ cũng nghi ngờ việc sáp nhập trường có uẩn khúc đằng sau. Đồng thời, cơ sở ngôi trường này đã được bán cho một doanh nghiệp, giờ không thể lấy lại được.

Trước những câu hỏi được người dân đặt ra, ông Hà Văn Hùng, bí thư huyện ủy Hương Khê giải thích, việc sáp nhập trường là theo chủ trường của tỉnh, không có uẩn khúc gì phía sau cả. Còn cơ sở của trường sẽ do xã quản lý chứ không phải bán đi như thông tin mà người dân phản ánh.

Theo ông Hùng, mong muốn giữ lại Trường THCS Hương Bình của người dân là một nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, vì quy mô của trường quá nhỏ (8 lớp với 247 học sinh, theo quy định là 16 lớp) để đảm bảo việc dạy và học nên phải sáp nhập.

Ông Hùng cho biết, việc sáp nhập đã được sự tham mưu của ngành giáo dục và quy trình đã làm rất rõ, được sự đồng ý của chính quyền các cấp. Còn không thông qua ý kiến của người dân thì ông Hùng giải thích là không thể lấy hết ý kiến của người dân được. Tuy nhiên, sau khi biết tin bà con phản ánh, huyện và xã đã tổ chức gặp gỡ giải thích tuyên truyền, vận động để người dân hiểu.

Đối với việc học sinh đi học xa, đi lại vất vả, sẽ có trường nội trú cho những học sinh này. Ngoài ra sẽ hỗ trợ gạo, phương tiện đi lại cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về mùa lụt thì cả huyện Hương Khê bị ảnh hưởng chứ không riêng gì xã Hòa Hải và Phúc Đồng, khi ấy, học sinh sẽ được nghỉ học để đảm bảo an toàn.

{keywords}

Ông Hà Văn Hùng (người đứng), Bí thư huyện ủy Hương Khê giải thích cho người dân, tuy nhiên vẫn chưa có tiến triển

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - ông Nguyễn Thiện cũng cho hay, việc sáp nhập trường đã diễn ra lâu nay theo lộ trình vạch ra trước đó. Ông cũng thông cảm với những khó khăn mà học sinh phải đối mặt khi chuyển trường.

Về chuyện đoạn đường học sinh đi (đường Hồ Chí Minh) thường xuyên xẩy ra tai nạn giao thông, ông Thiện cho biết, sẽ đưa ra những giải pháp thích hợp để không xẩy ra, như bồi dưỡng thêm kiến thức luật giao thông cho học sinh. Và sắp tới tuyến đường vượt lũ đưa vào sử dụng (tháng 6/2015) sẽ rút ngắn được quãng đường đi của các em.

Sau khi nghe giải thích từ lãnh đạo huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, người dân vẫn chưa đồng tình. Đã có một số người dân bỏ về khi cuộc đối thoại đang diễn ra.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết những tâm tư, nguyện vọng của người dân hoàn toàn chính đáng. Song để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài, để nền giáo dục có những bước phát triển đáp ứng với những yêu cầu trong giai đoạn mới thì sáp nhập trường là một chủ trương đúng đắn, nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế và tránh lãng phí tại các trường.

Ông Bình cũng mong muốn người dân đưa con em đến trường, tránh việc các em học sinh phải thất học. 

  • Văn Đức