- 5 “lệnh cấm” ở tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành nhận được phản hồi tích cực cả từ phụ huynh và nhà quản lý. Tuy nhiên vẫn có một số băn khoăn đặt ra.

{keywords}
Niềm vui của học sinh trong giờ sinh hoạt văn nghệ. Ảnh: Hạ Anh

Cấm giao bài tập: Không mới

Bà Phạm Thị Yến, hiệu trưởng tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho biết: Có thể quy định này mới với một số đơn vị. Còn ở trường của bà, từ lâu đã không giao bài tập về nhà, đặc biệt với lớp 1, 2, 3.

Với khối 4 - 5, lượng kiến thức rất lớn, nên dù không có bài tập về nhà nhưng trường vẫn đề nghị phụ huynh phải nhắc nhở các cháu xem lại bài và chuẩn bị bài ngày hôm sau....

Bà Yến đồng tình với việc “cấm” lập đội tuyển, bởi khi đó sẽ đẩy cái vui lên mức thái quá, tạo máu ăn thua "màu cờ sắc áo''.

Có những cuộc thi tốn kém công sức, tiền bạc cho giáo viên và nhà trường, gia đình thì nên cấm. Tuy nhiên cũng cần có những hội vui học tập. Sắp tới, trường bà Yến tổ chức các cuộc thi nhỏ như Đấu trường 100, Rung chuông vàng… tạo hứng thú cho học sinh.

Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) nhìn nhận đây là hướng đi đúng thực hiện giảm tải cho học sinh tiểu học. Bà Hà cho hay, việc tổ chức thi học sinh giỏi đã được bỏ từ trước. Còn những sân chơi trí tuệ, không nặng kiến thức, mang tính giao lưu như Olympic… thì nên để học sinh tham gia.

{keywords}
Nhiều học sinh bày tỏ thích các hoạt động thể dục thể thao, trong hộp thư "điều em muốn nói". Ảnh: Hạ Anh

Một giáo viên Tiếng Anh đón nhận lệnh cấm “Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ” với tâm trạng rất vui mừng.

Chị cho biết: “Những năm trước tôi thường được giao nhiệm vụ bồi dưỡng cho học sinh của trường dự thi các cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet và Olympic “Tài năng tiếng Anh”. Ngoài việc phải dạy thêm giờ cho các em, tôi còn chịu áp lực khá lớn về việc phải có thành tích cho trường. Bản thân học sinh được chọn thi cũng chịu áp lực. Bây giờ bỏ được việc lập đội tuyển đi thì tốt quá. Nên để những sân chơi kiểu này đúng nghĩa là “sân chơi” của học sinh, không phải là nơi để các trường kiếm thành tích”.   

Không giao bài tập về nhà: Phụ huynh phấn khởi

Chị Hương Giang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con học lớp 2 bày tỏ:

“Tôi rất đồng tình với quy định không giao bài tập nhiều về nhà, khuyến khích hoàn thành bài tập ngay tại lớp. Điều này không chỉ giảm tải căng thẳng cho học sinh mà ngay cả phụ huynh của các cháu vì việc tối nào cũng phải ngồi kèm các cháu học. Và việc hoàn thành bài tập ngay tại lớp sẽ giúp các cháu có thể để lại sách vở ở trưởng, tránh được việc phải mang cặp quá nặng".

  {keywords}
Ngăn đựng sách vở của HS Trường Tiểu học Marie-Curie (Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng

Việc kiểm tra đầu năm cấm cũng là đúng, bởi nếu trường sử dụng kết quả kiểm tra để phân lớp sẽ gây ra tình trạng chạy vào lớp chọn, lớp ngoại giao”.

Chị Thu Hà cũng vui không kém khi “nhớ lại” những năm học trước tối tối miệt mài cùng con trai giải quyết phiếu bài tập mà cô giáo giao về.

“Thật sự là tôi không hiểu là bài tập làm thêm giúp con tôi giỏi lên tới mức nào, hay chỉ cần làm bài ở lớp là đã đủ đạt mức yêu cầu chung rồi. Nhưng nếu bây giờ con không phải làm bài buổi tối nữa tôi cũng rất mừng, vì sẽ có thể cho cháu đọc thêm một số cuốn sách, truyện phù hợp. Trước đây, từ khi mới học lớp 3, tôi đã được đọc rất nhiều sách, nhưng với con tôi bây giờ phải chờ đến cuối tuần hoặc đến hè mới đọc được không có thời gian rảnh. Và cũng vì chẳng mấy khi đọc nên cháu mất dần đi thói quen đọc truyện, chỉ biết có làm bài với xem ti vi là hết ngày”.

Những băn khoăn

Bà Phạm Thúy Hà cũng băn khoăn về quy định không giao bài tập về nhà, không cho học sinh làm gì sẽ đánh mất thói quen học tập.

Với đa số phụ huynh, điều mà họ đang chờ đợi là  thực hiện ở cơ sở có được như chỉ thị, hay vẫn dạy thêm dù "lệnh trên" có cấm.

Theo dõi những thay đổi về quản lý giáo dục thời gian gần đây, anh Trung Tân, một phụ huynh có con đang học tiểu học e ngại, liệu càng ban hành nhiều lệnh, thì càng rối khi vào thực tế.

Chuyên gia tâm lý Linh Tâm (Hà Nội) cho rằng, chỉ thị chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học là một thiện chí thể hiện sự thay đổi của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách "điều trị triệu chứng" chứ chưa thể cải thiện được cái gốc của bệnh thành tích và ôm đồm quá nhiều phương pháp như giáo dục Việt Nam hiện nay.  

Ở góc độ quản lý, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trước đây Bộ GD- ĐT đã có quy định chấn chỉnh nhưng không rõ ràng. Bây giờ, những “lệnh cấm” này nhằm làm sáng tỏ những nét tích cực của Thông tư 30.

Ông Điệp đề xuất, các Sở GD-ĐT cần có hướng dẫn tỉ mỉ cho các trường vì chỉ thị có nhiều quy định. Ví dụ, bỏ "thi tuyển vào lớp 6" thì việc xét tuyển vẫn tạo ra áp lực.

Bên cạnh đó, việc bàn giao chất lượng cần căn cứ từng mục tiêu, yêu cầu từng môn học, lớp học, đánh giá học sinh phải có sự chuẩn bị chu đáo.

Điều quan trọng là nhận thức đồng bộ về đổi mới. "Chừng nào, các trường THCS vẫn tuyển theo điểm số cuối năm, áp lực chất lượng vẫn còn" - ông Điệp dự báo.

Chuyên gia tâm lý Linh Tâm: Tại sao lại đánh đồng tất cả mọi nhu cầu theo số đông?

Tôi thấy việc giảm tải lượng sách vở mà học sinh phải mang trên vai khá thiết thực, tuy nhiên, liệu cơ sở vật chất của các trường đã đáp ứng được hay chưa? Đâu phải trường nào cũng có sẵn tủ cá nhân cho học sinh. Nếu chưa có, thì ai biết được sẽ lại phát sinh thêm khoản phí – Mua tủ đựng đồ tại trường .

Học tập cũng là một công việc làm theo năng lực và cũng cần được đánh giá trên những tiêu chí nhất định. Vậy thì thay vì cấm, hoặc bắt buộc các em học sinh theo những tiêu chí chung, có lẽ ngành giáo dục nên thảo luận để học sinh đều được học, được sinh hoạt và thể hiện bản thân đúng theo năng lực và mong muốn của chính mình. Tại sao lại đánh đồng tất cả mọi nhu cầu theo số đông, mặc dù mỗi con người là cá thể riêng biệt và có thế mạnh và điểm yếu khác nhau.

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể tìm ra cách để học sinh không bị áp lực bởi việc học mà vẫn phát triển được tiềm năng của bản thân trong các môn học yêu thích.

Ngân Anh - Lê Huyền