- 34 tuổi đời, 17 năm tuổi nghề- cô Mai Thị Thắm, giáo viên Trường Tiểu học An Lộc B, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước vinh dự là người trẻ tuổi nhất được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú của năm nay.

Trong số 680 Nhà giáo ưu tú được phong tặng có: 288 nhà giáo là nữ; 19 nhà giáo là người dân tộc; 432 nhà giáo đang làm việc tại các trường phổ thông, 248 nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học. Nhà giáo ưu tú trẻ tuổi nhất năm nay là cô giáo Mai Thị Thắm (tỉnh Bình Phước), 34 tuổi.

Thành giáo viên ở tuổi 17

Chào cô Thắm, không ít người thắc mắc cô năm nay 34 tuổi nhưng đã có 17 gắn bó với nghề. Cô vui lòng giải đáp thắc mắc này chứ?

- (Cười). Từ khi còn nhỏ là học sinh thấy hình ảnh cô giáo say sưa đứng trên bục giảng mình là yêu thích công việc này.

{keywords}
Cô Mai Thị Thắm trên bục nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)

Còn tại sao mình vào ngành sớm là do hoàn cảnh khó khăn. Mình sinh ra trong gia đình 4 anh em, mình là con thứ hai. Bố mình bị tật, không làm được gì, chỉ còn mẹ quanh năm bám nương rẫy nuôi các con. Lên 7-8 mình đã phải theo chị cùng mẹ đi trồng sắn, làm nương. Hết lớp 9 bạn bè nô nức lên học THPT và khát khao vào đại học.

Ý thức được gia cảnh, mình xin mẹ cho học hệ trung cấp 9+3 tại trường CĐ sư phạm ở quê. Nhưng do trường dạy cấp tốc nên 2 năm mình đã học xong, ra trường ở tuổi 17 tuổi. Đến nay mình đã bước sang tuổi 17 trong nghề.

Những ngày đầu đi làm cô có gặp nhiều khó khăn?

- Tốt nghiệp xong mình được phân công về Trường Tiểu học Thanh Bình A, cách nhà 7km.

Những ngày đầu thực sự mình rất lo sợ, hồi hộp. May mắn lần đó còn một cô giáo trẻ khác cùng về điểm trường này với mình.

Để tự tin, mình nhờ bạn ở dưới quan sát, quá trình dạy mình có gì cần chỉnh sửa cô góp ý luôn. Hai người cùng giúp nhau tiến bộ.

Những kí ức đẹp

Cô gắn bó ở trường bao nhiêu năm?

- Khoảng 7 năm. Sau đó mình được điều chuyển về Trường Tiểu học An Lộc B. Quãng thời gian khó khăn những cũng cho mình nhiều kỉ niệm đẹp không thể quên.

Thứ nhất là chuyện vận động trẻ em dân tộc đến trường. Giáo viên phải đi vận động rất vất vả, có khi nhiều ngày trò mới đến lớp. Các em không thích đi, nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ. Với các em cô giáo phải vừa dạy vừa dụ vừa dỗ. Còn nhớ có em cứ 2-3 buổi học lại nghỉ ở nhà. Cô phải gần gũi, gặng hỏi trò mới nói vì con không có dép. Cô phải nhẹ nhàng con cố gắng đi, lần sau cô mua cho đôi dép. Vậy là khi có dép, trò đã vui vẻ và đến lớp đều đặn.

{keywords}
Cô Mai Thị Thắm chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú tối 13/11. (Ảnh: Văn Chung).

Thứ hai, cũng nơi này mình còn nhớ mãi kỉ niệm ngày 20/11 cách đây tròn 7 năm. Hôm đó là gần 14h, trời mưa tầm tã. Một học trò chuẩn bị sang lớp 4 một mình đội mưa đạp xe đạp, mang bó hoa hồng đứng thập thò ngoài cửa đợi cô.

Gặp cô, em nói nhỏ: “Cô ơi hình như hôm nay không bạn nào đến chúc mừng cô. Em có bó hoa này tặng cô nhân ngày 20/11” (khóe mắt cô Thắm rơm rớm nước mắt - PV). Mình mời trò vào nhà rồi xuống nhà lấy bánh kẹo mời em. Nhưng vừa thoáng cái trò đã không thấy đâu.

Đời giáo viên mình không có ý thức gì về quà tặng là vật chất mỗi dịp như thế. Mọi món quà quý giá nhất với giáo viên là sự tin tưởng, quý mến thực sử học sinh và phụ huynh.

Tự đổi mới, không chờ “trận đánh lớn”

Kiến thức trong SGK hiện nay vẫn được xem là nặng với học trò. Cô làm như thế nào để học trò hứng thú trong mỗi tiết dạy của mình?

- Đó thực sự là trăn trở lớn luôn thường trực trong suy nghĩ mỗi người thầy tâm huyết.

Học sinh tiểu học thường không tập trung trong tiết học được lâu. Giáo viên nếu không sử dụng  các phương pháp khác nhau dạy học sẽ khiến trò nhàm chán.

Bản thân mình luôn sử dụng các trò chơi học tập linh hoạt để thay đổi không khí, cuốn trẻ vào trò chơi nhưng lại vừa tiếp thu được kiến thức hiệu quả.

Trước “trận đánh lớn” của ngành giáo dục, cô có thấy mình thay đổi kịp?

Là giáo viên mình không thể rời bỏ được các chuẩn kiến thức kĩ năng trong mỗi tiết học.  Nhưng là giáo viên mình luôn làm chủ tiết học. Với các tiết vừa học vừa chơi, giáo viên với kinh nghiệm sẽ biết để sàng lọc, phân loại học trò và cân nhắc kiến thức truyền đạt đến các em.

Những năm qua, ngành nhiều lần đổi mới chương trình, SGK với nhiều chỉ đạo nhưng mình luôn chủ động nên vẫn bắt kịp, chưa gặp quá nhiều khó khăn.

Cô Mai Thị Thắm vào nghề từ khi 17 tuổi, 2 năm sau cô đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Không nản chí, cô tiếp tục tìm tòi thay đổi phương pháp dạy học. Đến nay cô đã 4 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

Như năm học này, giáo viên tiểu học đón nhận hàng loạt thay đổi, bắt đầu từ  Thông tư 30 và những lệnh cấm trong trường. Bản thân cô có đồng tình với thay đổi này?

Theo mình Thông tư 30 phù hợp học sinh tiểu học. Nhiều phụ huynh cho rằng các em thích cho điểm. Nhưng mình quan sát thấy chỉ các em giỏi thích điểm, còn các em trung bình không thích cho điểm vì như vậy trò thường xuyên không đạt điểm số bằng các em khá giỏi.

Như ở lớp 1 mình đang dạy có em khá yếu và thích nhận xét. Cô giáo vì vậy luôn thường xuyên chú ý từng thay đổi nhỏ của em. Chỉ cần trò có chút tiến bộ như chữ đẹp hơn ngày hôm qua là cô khen bằng lời ngay. Nhận lời cô khen, trò hăng hái hơn nhiều.

Đối với học sinh học 2 buổi/ngày vài năm gần đây trường đã không giao bài tập về nhà vì những phần buổi sáng học sinh chưa hoàn thành cô giáo cho các em làm vào buổi chiều.

Khó khăn nhất hiện nay của cô là gì?

- Năm nay là năm đầu tiên mình nhận dạy lớp 1, trong lớp có những trò chậm phát triển. Đây thực sự là thử thách đòi hỏi sự kiên nhẫn và tâm huyết của người thầy.

Mình hi vọng sẽ sớm giúp các em dần bắt kịp với các bạn khác.

Nhiều người nói chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Nếu được chọn lại cô có chọn làm giáo viên?

- Mỗi ngành nghề công việc cái cần nhất là đam mê, yêu thích. Lựa chọn là của mỗi người. Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề giáo vì nó giúp hoàn thiện nhân cách, giáo dục con cái nên người. 

Có được sự tôn trọng, quý mến từ gia đình và toàn xã hội là điều những giáo viên như chúng tôi luôn tự hào và tự nhủ mình cần cố gắng hơn trong nghề.

- Cảm ơn cô! 

  • Đăng Duy (thực hiện)