- Thông qua “vở dặn dò” - cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/7 Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TP.HCM hàng ngày hiểu được học sinh vui, buồn - để có động viên kịp thời...

Sáng kiến làm một quyển “vở dặn dò” để học sinh ghi bài cần chuẩn bị cho buổi học sau, viết thêm những lời tâm tình với thầy cô, rồi sau đó được thầy cô hồi âm...được cô Nguyễn Thị Minh Tâm thực hiện từ nhiều năm nay. 

{keywords}

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết: Đây là tâm huyết của tôi dành cho lớp học đầu tiên tại Trường tiểu học Phạm Văn Cội - Củ Chi. Ngày ấy nhiều thế hệ học trò sống cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng các em tình cảm, gần gũi.

Tính vốn tỉ mỉ, tôi “sinh” ra quyển vở này để ghi tựa bài học ngày hôm sau cho các em về nhà chuẩn bị trước.

Nhiều người thắc mắc đã có vở báo bài, giáo viên không cần dặn thêm, bài chưa học, học sinh không chuẩn bị được. Nhưng ở nhà các cháu có “vở tự học”, có thể chuẩn bị bài mới theo ý riêng. Hiểu tới đâu, chuẩn bị tới đó, tôi không đòi hỏi thêm. Đến lớp cô giáo truyền thụ thêm kiến thức, bài học sẽ được cập nhật nhanh hơn. Nếu em nào làm sai sẽ được khắc phục tại chỗ.

Ngoài dặn dò học trò làm bài, “vở dặn dò” còn là nơi tâm sự của cô – trò, giáo viên – phụ huynh. Qua những trao đổi như vậy đem lại điều gì cho bản thân cô?

- Tôi hiểu rõ hơn về đạo đức, nhân cách của các em. Hiểu được các em thì việc truyền thụ kiến thức của tôi dễ hơn. Tôi muốn biết học trò của mình mong muốn điều gì để đáp ứng cho các em, chứ không bắt các em phải biết hay hiểu cô giáo cần gì ở mình.

Khi hình thành được nhân cách, đạo đức các em sẽ có ý thức tự giác trong học tập. Học sinh tự giác học, giáo viên mới hứng thú giảng dạy. Cô và trò kết hợp chặt chẽ hơn.

Nhiều người rất tò mò với một lớp học hơn 50 học sinh, nếu em nào cũng tâm sự như vậy cô lấy đâu ra thời gian để chia sẻ?

- Lớp đông nhưng không phải tất cả học sinh đều có tâm sự. Chỉ những bạn có tâm sự mới chia sẻ. Những chia sẻ này các bé ngại nói trực tiếp với bố mẹ, người thân nên viết vào vở.

Khi đọc được tôi đã chia sẻ lại với các em. Học sinh cảm thấy vui được cô quan tâm, động viên, các bé sẽ tự tin hơn. Nếu các em chúc cô một câu, cô sẽ cảm ơn hoặc cô động viên lại để cháu cảm thấy nhẹ nhàng. Vì vậy việc này được thực hiện ở tiết trống, giờ chơi.

Lo lắng nhất là vấn đề sổ sách

Cô đón nhận quy định đánh giá tiểu học bằng nhận xét thay chấm điểm thường xuyên của Bộ GD-ĐT với tâm trạng thế nào?

- Thông qua “vở dặn dò”, tôi và phụ huynh, học sinh đều phản hồi ý kiến cụ thể. Việc đánh giá theo quy định mới với tôi là bình thường. Học sinh cũng vậy, bởi các em đã quen với những lời nhận xét trao đổi của tôi.

Tuy nhiên, sẽ không đủ thời gian nếu yêu cầu giáo viên phải nhận xét sâu sát. Việc Bộ GD-ĐT cho phép những bài làm tốt được nhận xét trước lớp, những bài cần nhắc nhở giáo viên có thể ghi vào vở rất hợp lý.

Phụ huynh luôn cầu toàn về con cái, muốn con phải học những trường chuyên, trường danh tiếng. Nhiều phụ huynh luôn đòi hỏi con phải toàn diện nhưng không nghĩ đến năng lực thực sự của cháu. Năng lực mỗi em sẽ khác nhau. Việc đầu tiên phụ huynh phải nắm năng lực của con ở mức độ nào mới định hướng được.

{keywords}

Cô Tâm mong muốn phụ huynh học sinh sẽ luôn trân trọng những giáo viên đúng với ý nghĩa của một người làm nghề

Khi đứng lớp, việc nhận xét học sinh theo quy định mới có làm cô thay đổi quan điểm về việc dạy học?

- Việc này không ảnh hưởng đến quan điểm dạy học. Tôi làm việc này thường xuyên nên không thấy lạ lẫm. Tuy nhiên nếu đánh giá bằng điểm số giáo viên làm nhanh hơn đánh giá bằng nhận xét rất nhiều.

Nếu được lựa chọn, cô chọn cách cho điểm hay nhận xét?

- Việc đánh giá bằng cách nào do Bộ GD-ĐT quy định, giáo viên chỉ là người thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá bằng nhận xét sẽ khiến giáo viên làm việc trách nhiệm hơn. Bản thân cô thấy sao?

Tôi thấy giáo viên làm việc rất nhiều và tâm huyết với đánh giá bằng nhận xét. Điều duy nhất chúng tôi lo lắng là vấn đề sổ sách. Hiện tại chúng tôi đã nhận được các loại sổ sách, phần lớn đều là kênh chữ với nhiều phần phải nhận xét rất tỉ mỉ.

Mong muốn được phụ huynh trân trọng

Trong quy định mới của Bộ GD-ĐT có yêu cầu phụ huynh cần phối hợp với giáo viên để đánh giá học sinh. Cô thấy sự đón nhận của các phụ huynh đối với việc nhiệm vụ mới này như thế nào?

- Nhiều phụ huynh không thích quy định mới mà muốn được chấm điểm như cũ. Phụ huynh cho rằng điểm số phản ánh rõ rệt hơn những lời phê rất khuôn mẫu. Thực ra điểm số và nhận xét bằng lời đều phản ánh như nhau.

Có cách nào thật sự hoàn hảo để “đánh giá chất lượng thực sự của HS, mang lại niềm vui, hứng thú cho các em, tạo động lực cho các em yêu thích việc học…” – như lời vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, vừa không khiến giáo viên quá căng thẳng?

- Bài giảng phải có sự sửa đổi, sinh động, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa thầy và trò. Trường chúng tôi đã được dùng phương pháp mới, sử dụng công nghệ, học sinh học rất thích thú. Đối với giáo viên mỗi tuần họp khối chúng tôi đều đưa ra những phương án, cách dạy bài làm sao cho học sinh thích học, hiểu bài nhanh.

Cô mong muốn điều gì trong ngày 20/11?

- Phụ huynh luôn trân trọng giáo viên chúng tôi đúng với ý nghĩa của một người làm nghề đưa đò.

Cảm ơn cô!

Lê Huyền (thực hiện)