- Giáo viên thẳng thắn “mổ xẻ” về giáo trình chữ viết của Bộ GD-DT để tìm ra câu trả lời vì sao nhiều thế hệ học sinh viết chữ quá  xấu.

Vì sao nhiều người lúc nhỏ viết chữ đẹp nhưng lớn lên chữ lại xấu?

Vì sao nhiều người khi nắn nót thì chữ đẹp còn khi cần ghi chép thì chữ lại biến dạng nhìn không ra?

Một mẫu chữ đẹp

Chữ xấu không chừa một ai

Do thường xuyên sử dụng máy tính nên anh T., doanh nghiệp ở Quận 1, TP.HCM “quên” mất cách cầm bút viết chữ.

“Lúc mới đến lớp, do thiếu tư tin nên mỗi khi cầm bút là tay anh T. run cầm cập, mồ hôi mồ kê túa ra ướt cả tay. Anh T. đến lớp không phải để luyện chữ đẹp mà để tập viết chữ cho thành thạo như thời còn đi học”, cô Thúy, giáo viên Trung tâm luyện chữ ở quận 1, cho biết.  
Cô Thúy, kể tiếp: “ Trước đây, trong lớp tôi có một học viên rất đặc biệt, anh ta là Giám đốc một công ty làm ăn khá thành đạt nhưng chữ viết quá xấu nên đến đây chỉ để luyện viết mỗi tên họ của mình để về ký giấy tờ”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, doanh nghiệp tư nhân, đang theo học một lóp luyện chữ ban đêm ở Quận 1, cho biết, do cũng thường xuyên sử dụng máy tính nên chữ viết của chị càng ngày càng xấu.

“Lúc nhỏ chữ tôi cũng được nhưng khi ra đời làm ăn thì chữ xấu dần. Chữ xấu đến nỗi tôi không dám viết, mỗi khi gửi thư mời ai, tôi phải đánh máy, in ra giấy rồi cắt dán vào bì thư”, chị Quỳnh kể.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các Trung tâm luyện chữ ở TP.HCM có rất nhiều doanh nghiệp theo học. Thì ra, chữ xấu cũng không chừa những người thành đạt.

Đi tìm “căn nguyên”


Theo giáo viên ở các trung tâm luyện chữ ở TP.HCM, sở dĩ nhiều doanh nghiệp viết chữ xấu là do họ ít viết ra giấy, những lúc cần ghi chép thì công việc đòi hỏi họ lại phải viết thật nhanh trong khi kỹ năng viết chữ của họ lại không có. Nói một cách khác, chữ viết của những người này bị “mất gốc” từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nghe giáo viên “mổ xẻ’ giáo trình chữ viết

  • (Trung Thanh - Thanh Ca thực hiện).


“Một người có kỹ năng viết tốt thì chữ viết rất ít thay đổi. Cho dù họ làm công việc gì thì chữ của họ cũng không xấu. Còn những người không có kỹ năng viết, lúc họ nắn nót thì chữ viết tạm được nhưng  lúc viết nhanh thì chữ  rất xấu”, cô Thúy, giải thích.

Theo cô Thúy, trước khi viết chữ đẹp cần phải học cách viết chữ đúng, phải viết nét chính trước, nét phụ sau:  “Ví dụ như viết chữ Luyện, phải viết nét chính trước Luyen, sau đó mới thêm dấu mũ và dấu nặng (nét phụ) lên chữ e. Thế nhưng trên thực tế nhiều người không biết điều này nên viết chưa dứt nét chính đã viết nét phụ dẫn đến chữ thường thiếu dấu, thiếu nét. Cách viết này làm cho tốc độ viết cũng rất chậm”, cô Thúy dẫn chứng.

Cô N. giáo viên dạy luyện chữ ở Quận Bình Tân, cho rằng, trong giáo trình về dạy viết chữ của Bộ GD-ĐT có câu: Hạn chế nhấc bút và viết liền mạch thế nhưng cách dạy hoàn toàn ngược lại. “Ví dụ như chữ m, thông thường chỉ cần viết một nét là xong nhưng theo giáo trình của Bộ thì học sinh phải viết đến 3 nét (nhấc bút 3 lần) mới hoàn tất chữ m”.

“Cách viết chữ m theo cách dạy ở nhà trường chậm gấp 3 lần cách viết đúng. Đối với chữ có nhiều nét như chữ Luyện thì học sinh viết chậm đến 12 lần. Đây là nguyên nhân vì sao khi viết chậm thì chữ học sinh đều đặn nhưng khi cần ghi chép nhanh thì chữ của các em thiếu nét, thiếu dấu và rất xấu”, cô Thúy giải thích thêm.

Thầy Nguyễn Vĩnh Thành, giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) cho rằng, các trường đại học sư phạm nên thành lập khoa Viết chữ để dạy giáo viên bậc Tiểu học các kiến thức cơ bản về chữ viết. Như thế, khi ra trường giáo viên mới có thể dạy học sinh cách viết chữ đúng và đẹp.

Một số mẫu chữ đẹp



  •   Trung Thanh