- Thông tin về cha con ông Trần Quốc Hải được nước bạn Campuchia tặng huân chương Đại tướng quân do những đóng góp của mình....Theo quan điểm của TS Nguyễn Khánh Trung, chuyện này phản ánh một chuyện chung, vĩ mô hơn là chuyện cá nhân của ông Hải, đó là chuyện quan hệ giữa hệ thống và cá nhân, và điều này lại liên quan đến sự phát triển của một đất nước.
Quốc gia thành công và phát triển
Nói một cách dễ hiểu, một xã hội phát triển là gì nếu không phải là một xã hội trong đó mỗi một cá nhân được tạo môi trường và điều kiện để phát triển tối đa về mọi mặt. Nói cách khác, sự phát triển của một xã hội là tổng của tất cả sự phát triển của từng cá nhân cộng lại.
Trần Quốc Hải nhận huân chương Đại tướng quân. Ảnh: Motthegioi |
Như vậy, một quốc gia thành công, phát triển, là quốc gia biết tổ chức xã hội, biết thiết kế một thể chế sao cho mỗi một người dân có thể phát triển tốt nhất. Luật lệ, chính sách của quốc gia đó được sinh ra từ nhu cầu của người dân, và là phương tiện phục vụ cho cuộc sống chung, là bệ nâng trên đó người dân có thể sống tốt, an toàn và cho phép từng người phát huy hết khả năng của mình, và qua đó làm cho xã hội phát triển.
Ngược lại, trong một quốc gia mà con người bị công cụ hoá, bị biến thành những mắt xích thụ động cho hệ thống, cá nhân bị hoà tan, làm cho phi nhân cách, ai cũng giống ai thì xã hội đó có thể vẫn chuyển động nhưng khó có thể phát triển tốt, vì xã hội đó chỉ phụ thuộc vào tầm nhìn, vào nhân cách và khả năng của một người hay một nhóm người đứng đầu hệ thống, mà không tận dụng được sức sáng tạo và các khả năng tiềm tàng của từng người dân cộng lại.
Chúng ta có rất nhiều ví dụ để minh chứng cho những điều vừa nói, chẳng hạn, theo hai nhà nghiên cứu Dan Senor và Saul Singer, Israel vẫn có thể phát triển một cách mạnh mẽ mặc dầu chỉ là một quốc gia nhỏ, nằm trên một bãi sa mạc khô cằn, luôn phải sống trong tình trạng chiến tranh, tứ bề thọ địch, vì quốc gia này đã biết tổ chức một thể chế dân chủ, luôn dành cho từng thành viên trong xã hội những khoảng trống đủ để mỗi người có thể sáng tạo và phát triển tối đa khả năng riêng của mình. Dân chủ và nguyên tắc quản lý dân chủ được quốc gia này áp dụng triệt để trong toàn bộ đời sống xã hội, kể cả trong quân đội, nơi mà đáng lý ra phải răm rắp muôn người như một theo mệnh lệnh.
Nhìn vào bản thân mình, so sánh các giai đoạn lịch sử, chúng ta cũng thấy quy luật nói trên là đúng. Từ khi đổi mới đến này, Việt Nam đã phát triển kinh tế so với chính Việt Nam trước đây rất nhiều vì việc đổi mới đã tạo điều kiện cho các chủ thể trong xã hội (các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các cá nhân) tham gia vào đời sống kinh tế.
Nói tóm lại, quốc gia nào xem từng người dân là chủ thể chủ động, tôn trọng và tạo điều kiện cho từng cá nhân thể hiện vai trò và sự sáng tạo của mình, quốc gia đó sống động và phát triển, ngược lại, đất nước nào nào tập trung quyền lực trong tay của một cá nhân hay một nhóm người, san bằng sự khác biệt, và không tôn trọng vai trò của cá nhân, nước đó sẽ chậm tiến, trì trệ.
Điều nói trên không chỉ đúng trong lĩnh vực kinh tế mà trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chuyện giáo dục
Từ logic đã trình bày, tôi muốn liên hệ đến chuyện giáo dục như một ví dụ khác tại Việt Nam. Giáo dục là thiết chế cốt lõi làm nên sự phát triển nhưng đã không tạo ra được nguồn lực con người có chất lượng để có thể thúc đẩy sự phát triển.
Người ta có thể nói đến nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là do hệ thống đã không xem trọng vai trò của chủ thể chính trong giáo dục, đó là người thầy.
Xã hội đã không tạo điều kiện cho người thầy làm đúng chức năng phận vụ của mình là những “kỹ sư tâm hồn” đúng nghĩa.
Người thầy ở Việt Nam đang làm việc như những người thợ dạy, như những “phát thanh viên” của những điều có sẵn. Họ không có những điều kiện cần để sáng tạo, để thể hiện dấu ấn riêng. Hoàn cảnh, hệ thống đã biến họ thành những công cụ, những mắt xích chỉ biết thực hiện những ý muốn của hệ thống mà không cho họ những khoảng trống cần thiết để họ thực hành công việc cao cả của mình.
Khi người thầy đã như thế, thì làm sao họ đào tạo được những học sinh có đầy đủ những tố chất và kỹ năng để sống và làm việc trong thế kỷ 21, mà theo nhà nghiên cứu Tony Wagner, tố chất, kỹ năng quan trọng bậc nhất của một công dân có chất lượng trong thế kỷ này mà nền giáo dục phải tạo ra là “tư duy phản biện và giải quyết vấn đề”. Tố chất này hình như chẳng liên quan gì đến những điều mà nền giáo dục hiện này đang chạy theo đó là thành tích, điểm số, nhồi nhét kiến thức....
Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, nếu nền giáo dục không trang bị cho những công dân tương lai tố chất nói trên, thì chúng ta sẽ tụt lại phía sau, sẽ bị đè nát trong sự cạnh tranh toàn cầu, chất xám sẽ chảy qua các nước khác, những người như ông Hải sẽ đành phải bỏ quê hương để có thể theo đuổi đam mê sáng tạo của mình.
TS Nguyễn Khánh Trung