Thành công với việc chế tạo xe bọc thép, được chính phủ Campuchia trao tặng Huân chương, biệt đãi bằng chế độ cấp tướng, được cấp xe hơi biệt thự, vườn tược. Đại tướng quân Hai lúa Trần Quốc Hải về nước và trở thành tâm điểm dư luận. Nhưng cái hạnh phúc nhất với ông là được công nhận với tư cách là một nhà khoa học chính danh.

Ông vẫn dành nhiều sự trăn trở về việc làm khoa học.

Phóng viên: Thưa ông Trần Quốc Hải, cảm giác của ông như thế nào sau khi thành công và trở thành tâm điểm của dư luận?

Ông Trần Quốc Hải: Nói thật là tôi không mong mình được quan tâm như vậy. Lúc làm việc tôi chỉ biết làm hết khả năng. Thành công, như tôi đã nói là nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quyết định là mình được tạo điều kiện hết sức. Về nước mình rồi, tôi không nghĩ mình là đại tướng quân gì cả, vẫn là một ông nông dân ham sáng chế thôi. Báo chí và dư luận quan tâm, tôi rất cảm động, cái chính là trăn trở của mình được lắng nghe.

{keywords}

Cha con Đại tướng quân Hai lúa Trần Quốc Hải

Đó có phải là trăn trở về sự khác biệt về điều kiện làm khoa học mà nhiều lần ông nhắc đến?

Đúng vậy. Tôi vẫn nghĩ, làm khoa học ở xứ mình buồn lắm. Ở nước bạn, người ta rất trọng người tài, rất dễ được tin tưởng. Tôi không nói đến Huân chương Đại tướng quân hay bổng lộc. Ở Việt Nam nhiều năm đeo đuổi không ai công nhận. Cùng lắm chúng tôi chỉ được coi là những ông nông dân mê "chế" máy. Ở xứ bạn, ngay sau thành công với một sản phẩm, tôi nghiễm nhiên thành nhà khoa học chính danh đàng hoàng.

Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Ngoài Huân chương Đại tướng quân các bạn nói đến nhiều, tôi được họ cử vào Ủy viên chấp hành Hội đồng Khoa học Quốc gia. Các loại xe tăng tôi cải tiến hoạc chế tạo thành công lập tức được cấp bằng sáng chế và có quyền sở hữu trí tuệ mà không phải làm hồ sơ giấy tờ gì nhiều. Đó mới là hạnh phúc lớn nhất của người làm khoa học.

{keywords}

Bằng sáng chế các sản phẩm xe bọc thép của ông Trần Quốc Hải tại Campuchia

Thưa ông, nhiều người trong nước vẫn nghi ngờ tính ứng dụng của xe bọc thép do cha con ông sáng chế, ông nghĩ thế nào?

Nói thật là tôi lường trước. Cả cái Huân chương thú thực lúc đầu tôi cũng không muốn nói đến. Bây giờ hẳn vẫn còn nhiều người nghi ngờ. Tôi không muốn giải thích gì thêm. Sau khi làm xe bọc thép ở Campuchia, tôi đã chuyển giao kỹ thuật cho phía bạn. Trong tương lai gần, Chính phủ Campuchia sẽ mời tôi sang giám sát kỹ thuật khi họ làm xe bọc thép với số lượng lớn. Họ đã có đề án rồi, chỉ còn chờ cải tiến cơ sở vật chất nữa thôi.

Ông nhiều lần khẳng định là không nhận xe hơi biệt thự, vườn tược và các chế độ biệt đãi để sang hẳn Campuchia làm khoa học, vì sao như vậy?

Tôi đã nói, tôi không đặt nặng chuyện tiền bạc. Tôi có nhiều sáng chế, máy móc có thị trường, điều kiện kinh tế không quá chật vật. Quê hương mình ở đây, tiếng nói mình ở đây thì tâm huyết mình phải gắn bó chứ. Nếu phải xuất ngoại làm khoa học thì đó là phương án cuối cùng. Khoa học là không biên giới, không đóng góp ở chỗ này thì mình cống hiến được ở nơi khác là chuyện bình thường. Nếu không có thành quả gì, thì người ta đánh giá người Việt mình yếu kém. Nhưng thật tâm, thành công ở xứ bạn càng khiến mình buồn, trăn trở thêm.

Theo ông, điều gì khiến ông không thành công ở Việt Nam?

Đó là cơ chế. Làm khoa học ở mình phiền hà, nhiêu khê lắm. Không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng ở hoàn cảnh tương tự. Người Việt Nam chúng ta giỏi lắm chứ. Tại chưa có cơ chế tốt để khuyến khích người ta. Cơ chế cứng nhắc quá thì khiến người ta thui chột đi thôi.

Ông có thể nói cụ thể, những nhà khoa học như ông cần gì để có thể phát triển tài năng?

Đầu tiên là tin tưởng đã, tạo điều kiện thủ tục đã. Kinh phí khó khăn thì đương nhiên rồi. Người ta đam mê tự bỏ tiền ra làm, tự chịu trách nhiệm. Mình chỉ mỗi thái độ tin tưởng còn không có thì làm sao mà thành công được.Bản thân tôi thấy cũng đến lúc chúng ta thay đổi quan niệm về nhà khoa học. Làm như xứ bạn cũng là một cách. Làm được công trình ứng dụng tốt thì là nhà khoa học rồi. Chứ nặng về bằng cấp thì nhà khoa học "tay ngang" thật sự không có đất dụng võ. Tôi nói thẳng, chúng ta có quá nhiều giáo sư tiến sĩ, không cần nhiều như vậy đâu. Cái chúng ta cần là những nhà quản lý có tư duy khoa học, thay đổi cơ chế để khuyến khích khoa học.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(Theo Một Thế Giới)