Nhiều ý kiến ủng hộ đổi mới thay chấm điểm bằng nhận xét, nhưng không ít ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả: Lo giáo viên làm cho có, còn chất lượng giáo dục sẽ không như mong muốn....

Thầy cô mệt thì trò mới được nhờ

Đồng ý với đổi mới của Bộ GD-ĐT, độc giả Bùi Nam (viet.1418@...) nêu quan điểm:“Thói quen đánh giá bằng cách cho điểm của giáo viên cần phải thay đổi bởi cho điểm thì rất dễ dàng không cần phải học qua sư phạm cũng có thể cho điểm được. Thầy cô có mệt thì trò mới được nhờ”.

  {keywords}
  Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Ảnh Lê Anh Dũng)

Độc giả Trần Văn Giang (tranvangiang98@...) thì bình phẩm: “Không lẽ giáo viên cứ lên đứng lớp rồi nhận lương, phải có nhận xét đối với các em học sinh của mình mới đúng. Sao thời gian dạy thêm và để ý nhận xét em nào ko học thêm thì ko kêu?”…

Hay như độc giả có địa chỉ email ldkl97@... đặt câu hỏi:    “Các cô đều đồng tình theo cách đánh giá mới giờ còn kêu ca nhiều sổ?”

Tuy nhiên, đa số các phản hồi về bài viết đều bày tỏ sự chia sẻ với các thầy, cô dạy tiểu học.

Bộ và sở đưa nhiều văn bản xa...thực tế

Qua con mắt của người trong cuộc và cả… người ngoài ngành, giờ đây, nghề giáo bỗng trở nên đáng thương hơn lúc nào hết với hàng núi việc.

Độc giả có địa chỉ email mainga@... cho biết: “Học sinh của tôi nói "mai mốt lớn lên con không làm GV đâu vì con thấy cô cực quá!"”.

Còn độc giả ở địa chỉ hoangoanh22111958@... thì nhận xét: “Tôi đã từng là giáo viên tiểu học, tôi thấy bộ và sở đưa ra nhiều văn bản và thông tư rất không có thực tế và chẳng đổi mới được gì cả. Giờ đây về hưu tôi thấy nhẹ cả người chỉ thương cho những người còn đang đứng lớp”.

Một người chồng có vợ là GV tiểu học (nguyenquangsang2014@...) than thở: “Tôi thấy từ ngày Bộ GD-ĐT đổi mới cách đánh giá HS, vợ tôi than trời, không khi nào được ngủ trước 23h, phải nhận xét đủ 42 HS/ ngày (1 môn /ngày, ngày nào 2 môn thì gấp đôi). Tôi nhà quản lý có hiểu nỗi khổ của GV đứng lớp không?”.

Độc giả Ngân Lê (nganle0910@...) thì đùa mà không kém phần thực tế: “Sổ sách nhiều, GV phải lo hoàn thành thời gian đâu để dạy HS. Còn đêm về nhà mà chúi mũi vào đống sổ sách thì chồng cho ra đường sớm”....

Chất lượng giảng dạy sẽ giảm?

Đáng lo hơn, không ít ý kiến cho rằng chỉ vì yêu cầu nhận xét HS mà chất lượng học tập giảng dạy sẽ giảm.

Độc giả Đinh Thị Huệ (trhocngoclam@...) nêu câu chuyện: “Cháu tôi kể rằng: Bà ơi, cô giáo con bận lấm, chỉ dạy được môn chính thôi, còn môn phụ đã có trưởng lóp hoặc bạn giỏi dạy thay cô vì cô còn phải ngồi ghi sổ nhận xét”.

Bạn đọc Vũ Thanh Tâm (tam_bui@...) nhìn nhận: “GV cần thời gian nghiên cứu bài vở thì này gò lưng đi nhận xét để rồi mệt mỏi lên lớp qua quýt...”.

Một GV tiểu học (lienttb.aca@...) chia sẻ: “Thực sự mình thấy đánh giá theo Thông tư 30 thì có tính nhân văn với HS thật đấy, nhưng lo lắng vô cùng vì chất lượng giáo dục. Từ ngày chỉ đánh giá bằng nhận xét, HS chẳng có động lực gì để học cả. Chúng xao nhãng và lười học hơn. Hàng đống sổ sách chỉ là hình thức hết, GV không còn thời gian để mở mắt vì mớ sổ sách vô bổ này”.

{keywords}
Nhiều ý kiến đồng cảm với giáo viên cho rằng: Công việc sổ sách chiếm quá nhiều thời gian....(Ảnh: Lê Anh Dũng)

“Đổi mới như vậy chỉ làm mất thời gian của GV. GV chỉ lo việc viết lời nhận xét chứ không còn thời gian để lo cho HS. Hiệu trưởng trường tôi còn chỉ đạo em nào cũng phải viết "Em đã cơ bản hoàn thành kiến thức và kĩ năng các môn học, nhưng em cần ......" Một sự giả dối thiếu thực tế của giáo dục nói chung và của bà hiệu trưởng trường tôi nói riêng. Em nào dốt cũng viết em đã cơ bản hoàn thành. Đau lòng lắm” – đây là ý kiến của độc giả Lê Bình Yên (binhyenlt…@...)

Thậm chí, đã có băn khoăn về việc nhập nhèm trong việc mua bán sổ sách. “Đây là một cách để kiếm tiền, vẽ ra càng nhiều thứ sổ sách, càng nhiều càng tốt, NXB sẽ tính hoa hồng % trên tổng số sổ sách in.... Đây là băn khoăn của độc giả Trương Quân Mỹ (quanmytruong@...).

Nhà quản lý cần xuống thử làm giáo viên

“Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu kỹ rồi mà vẫn không sát với thực tế của người học và người dạy” là băn khoăn của độc giả Nguyễn Văn Duy Anh.

Tuy nhiên, độc giả Bùi Quang chỉ ra một nguyên nhân khác rất đáng lưu ý: Bộ thấy GV vất vả nên yêu cầu phê sổ 1 tháng một nhóm học sinh, nhưng về đến phòng giáo dục là yêu cầu phê 100%. Không hiểu là mọi người chỉ đạo thế nào mà về cơ sở rụng lả tả luôn.

Rất nhiều độc giả “kêu gọi” lãnh đạo ngành giáo dục cần xuống làm việc thực tế tại cơ sở trước khi ra một quy định mới.

Độc giả Nguyễn Đình Dương (dinhduongkg@...) đề nghị “Bộ GD-ĐT phân công các nhà quản lý xuống làm trợ lý cho các GV tiểu học 1 năm, ai chưa qua chuẩn này tuyệt đối không cho làm quản lý, không cho làm chính sách. Có lẽ đây là cách tốt nhất để đổi mới giáo dục hiện nay?”.

Anh Nguyễn Phúc Công đồng tình” “Muốn đổi mới hãy xuống làm giáo viên tiểu học 1 đến 2 năm”

Còn độc giả có địa chỉ email hangtrinh@... đề xuất tin học hóa sổ sách cho GV. “Lúc đó công việc sẽ đơn giản đi rất nhiều. Phụ huynh sẽ đăng ký với nhà trường sẽ nhận sổ theo dõi con em mình dưới hình thức sổ bình thường hay sổ liên lạc điện tử. Nếu sổ bình thường, hàng tháng giáo viên sẽ in ra gửi cho phụ huynh. Nếu chọn sổ liên lạc điện tử, phụ huynh sẽ được cấp user và password để vào xem. Việc lưu giữ và tra cứu thông tin của từng học sinh cũng sẽ liên tục và nhanh chóng hơn nhiều. Bộ GD-ĐT nên thử tham khảo cách quản lý hồ sơ nhân sự của các doanh nghiệp hay quản lý hồ sơ khách hàng của các ngân hàng để học tập?”

Ngân Anh (tổng hợp)