- Trao đổi với VietNamNet sáng 3/12, ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Bắc Giang) khẳng định: Từ năm 2006 Bắc Giang đã có định hướng thay đổi thi GV dạy giỏi, đến 2008 bắt đầu thực hiện và nhận được hưởng ứng tích cực của thầy cô.

GV giỏi khẳng định đẳng cấp nhà trường

GV là một nghề, hội thi để khẳng định tay nghề vừa là nhu cầu của thầy cô vừa là trách nhiệm và nên có để kiểm tra năng lực người thầy. Tất nhiên chất lượng học sinh phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng một người thầy sẽ thể hiện được nhiều khả năng thông qua các tiết dạy cụ thể.

Nghề giáo viên đòi hỏi phải xử lí nhiều tình huống sư phạm trong mỗi tiết dạy. Nếu không có bản lĩnh, kinh nghiệm anh không hoàn thành bài giảng xuất sắc được.

{keywords}

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Trong ảnh: Một tiết dạy của cô trò Trường TH Dịch Vọng A, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Tại Bắc Giang, các GV giỏi các cấp qua theo dõi khi về cơ sở họ đều trở thành nòng cốt của trường, là đầu tàu kéo chất lượng giáo dục đi lên, đội ngũ cán bộ, quản lý cũng từ đây mà ra.

Một trường nhiều giáo viên dạy giỏi cũng là khẳng định đẳng cấp nhà trường, phản ánh đội ngũ nhà trường tốt.

Việc nhiều thầy cô phản đối chủ yếu do cách làm hiện nay còn nhiều tồn tại, bất cập. Điều cần thiết là các nhà tổ chức, các sở GD-ĐT, các phòng và chính các trường, tổ chuyên môn cần tổ chức, lựa chọn người tham gia thi thực sự tốt, chấm thi khách quan, làm nghiêm túc thì GV sẽ hết sức nỗ lực, cố gắng.

Mục tiêu tìm giáo viên dạy giỏi để bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp giáo dục đều có thể thông qua những hội thi như thế này.

Ở địa phương chúng tôi, những hội thi như GV dạy giỏi hết sức sôi nổi. Nó như là các cuộc sinh hoạt chuyên môn cấp trường, phòng, sở. Một tiết dạy luôn có 10-20 GV cùng đến dự để học hỏi, nhiều người còn ghi hình để về tham khảo, rút kinh nghiệm. Người giáo viên muốn nâng cao nghiệp vụ cần đi dự nhiều mới tốt được. Đó là việc làm cần thiết, thường xuyên, liên tục của người thầy.

Không dễ “đỗ”, không hề khô khan

Để được công nhận GV giỏi thầy cô phải qua bước đầu tiên là sáng kiến kinh nghiệm (SKKN). Nhiều ý kiến phản ánh nhờ các bài vở có sẵn trên Internet, xào xáo lại và họ dễ dàng vượt qua vòng này. Vậy ở Bắc Giang SKKN được kiểm duyệt như thế nào, thưa ông?

{keywords}

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Trong ảnh: Một tiết dạy của cô trò Trường TH Dịch Vọng A, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Hội đồng chấm của chúng tôi đề cao các SKKN dựa trên tinh thần phù hợp điều kiện mỗi cá nhân, mỗi nhà trường. Đó là những điều giáo viên thực tế trải nghiệm và vượt qua. GV không cần trình bày kiểu như luận văn, đề tài dài dòng mà đi vào đúng câu chuyện của bản thân.

Khi phân loại sáng kiến, nếu thấy nội dung trùng nhau và có phần giống trên Internet chắc chắn anh bị trượt. Khi cảm thấy các SKKN viết quá tròn trịa, hoặc nghi ngờ hội đồng sẽ trực tiếp đối thoại với người viết.

Thông tin những người sao chép hay có SKKN trùng nhau được thông báo rộng rãi về các cơ sở. Ví dụ trong hội thi vừa qua, có 430/752 thầy cô vượt qua vòng 1, tức số trượt lên đến 42,9%.

Phần thi lý thuyết trong hội thi GV dạy giỏi cũng được cho là làm máy móc, các câu hỏi chủ yếu đòi hỏi học thuộc lòng, khô khan. Điều đó có đúng với thực tế ở Bắc Giang không, thưa ông?

- Từ lâu chúng tôi đã không ra các câu hỏi kiểu như trình bày điều mấy ở thông tư bao nhiêu như thế nào, hỏi điều lệ nhà trường ra sao.

Giờ đề thi hỏi kiến thức không nhiều, đa số hỏi về phương pháp và thực tiễn. Các câu hỏi thiên vào các định hướng đổi mới của ngành năm đó hoặc gần đó và hỏi ứng xử trong những tình huống cụ thể. Ngoài ra theo đăng kí của giáo viên, chúng tôi còn cho GV thi dưới hình thức xem các tiết học thực tế được ghi lại (hoàn toàn bí mật) để thầy cô phân tích các tình huống học tập của học sinh và đề xuất phương án dạy tốt. Làm vậy anh không chỉ cần có kiến thức về lý thuyết, thực tế mà đỏi hỏi cả hiểu biết về tâm lí học trò,…

“Diễn” trơn tru,  chắc chắn trượt

Nhận nhiều phản hồi nhất là phần thi đứng lớp dạy 2 tiết. GV cho rằng cả họ và học sinh phải diễn quá nhiều. Trò thì được chọn các em tốt nhất, các cô lên lớp dạy thử đến cả tháng trời, chất lượng lớp học đi xuống. Ở Bắc Giang thì sao, thưa ông?

- Đó là chuyện đã xưa rồi ở Bắc Giang. Cách làm này đã không phù hợp với thực tiễn.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Ở Bắc Giang, hiện nay GV rất sợ dạy trước. Vòng thực hành chúng tôi không chỉ nhìn vào hoạt động GV mà chú trọng quan sát học sinh học tập, đánh giá các em học thế nào, có em nào bị bỏ rơi không. Làm như vậy hạn chế việc tập rượt của GV. Thầy cô thay vì tập rượt, phải nghĩ kế hoạch tổ chức các hoạt động học tập và dự kiến các tình huống phát sinh trong giờ học.

Nếu đi chấm mà chỉ quan tâm đến việc GV lên lớp ra sao đương nhiên chuyện tập dượt sẽ nhiều.

Ở đây, nếu dạy trước anh gần như thất bại. Hội đồng giám khảo của chúng tôi đặc biệt coi trọng việc xử lí tình huống xảy ra trong tiết học. Các tiết suôn sẻ từ đầu đến cuối, không phát sinh tình huống thì coi như không thành công.

Quan điểm tiết học thành công là học sinh phải học được và được học, các em hiểu kiến thức và nắm bắt được cái mới chứ không đơn giản là trò chỉ như cái máy tái hiện lại kiến thức.

Về việc xây dựng giáo án, theo quy định GV sẽ được bốc thăm bài dạy và chuẩn bị trước từ 5-7 ngày. Chuyện hội đồng sư phạm nhà trường góp ý cho giáo án, xây dựng kế hoạch học tập cho giáo viên là rất cần. Còn việc lên lớp, ở Bắc Giang đã không ít trường hợp trước đây dù chuẩn bị kỹ nhưng lên lớp giáo viên không xử lí được tình huống phát sinh. Mà đó lại là điều được hội đồng giám khảo đánh giá cao nên tiết dạy không thành công.

Ông có khẳng định ở Bắc Giang chuyện “chạy” GV giỏi không diễn ra không?

- Với cách làm như trên, GV ở địa phương chúng tôi phải vất vả mới đạt được danh hiệu này. Sau mỗi vòng thi thì hội đồng đều công bố kết quả ngay đồng thời dành thời gian 3 ngày cho giáo viên phúc khảo (nếu có) rồi mới quyết định công nhận giáo viên đạt.

Nói “chạy” GV dạy giỏi thầy cô sẽ rất buồn. Tôi tin không có chuyện đó. Anh có thể hỏi bất cứ thầy cô nào.

Việc đánh giá tiết dạy tập trung vào việc học của học sinh nên đã làm thay đổi ý thức chuẩn bị bài và lên lớp của giáo viên vì vậy Bắc Giang được Bộ GD-ĐT đánh giá cao và lấy đó làm định hướng trong dự giờ để các địa phương tham khảo, học tập.

Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)