- Trong hàng ngàn ý kiến đồng tình nghiêng về đề xuất "bỏ thi giáo viên dạy giỏi", cũng có không ít ý kiến ngược cho rằng: không bỏ vì cuộc thi vẫn tìm ra những hạt nhân nòng cốt cho ngành. Nhiều đề xuất thay thế "thi giáo viên dạy giỏi" được đưa ra...
Hoàng Trân (Long An): "Không nên "ép" theo chỉ tiêu..."
Bản chất cuộc thi rất tốt, nhằm chắc lọc, tìm ra những hạt nhân nồng cốt cho ngành. Họ giúp những GV mới vào nghề cũng như GV tay nghề chưa vững tiến bộ dần. Do đó không nên bỏ cuộc thi GV dạy giỏi.
Nhưng phải tổ chức, sắp xếp lại kì thi, sao cho đúng nghĩa nhất.
Một giờ học Tiếng Việt tại Trường Tiểu học Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hạ Anh |
Tiêu chuẩn cần phải phù hợp, theo dõi cả quá trình dạy học, chứ không chỉ căn cứ vào kết quả vài tiết dạy.
Cùng với đó, Ban giám khảo phải thật sự công minh. GV giỏi phải được đãi ngộ. Thay đổi biểu điểm xét chọn một tiết dạy phù hợp hơn. Và sáng kiến kinh nghiệm chú trọng thiết thực (có thể áp dụng, hiệu quả).
Bạn đọc Nguyễn Đình Yến (Hà Nội): "Nếu vẫn tổ chức thi GV dạy giỏi thì tổ chức như cuộc thi tay nghề..."
Hình như chỉ có ở Việt Nam và ở Việt Nam chỉ có ngành GD mới có cuộc thi này. Các ngành khác thi tay nghề, khi một người nào đó lên một bậc nghề thì họ nghiễm nhiên ở bậc tay nghề đó, không bao giờ thi lại. Họ chỉ thi để lấy bậc cao hơn.
GV giỏi của Việt Nam thì khác: Trường- huyện- tỉnh- toàn quốc- rồi trở lại trường ... Bởi thế, mới có giáo viên chưa từng được công nhận là giáo viên dạy giỏi (có thể thời của họ không tổ chức thi hoặc họ không thi) nay vì lý do nào đó họ lại ngồi ghế giám khảo phán xét.
Do đó, tôi đề nghị: Bỏ hẳn việc thi GV dạy giỏi như đã từng tuyên bố bỏ bệnh thành tích.
Nếu vẫn tổ chức thi GV dạy giỏi thì tổ chức như cuộc thi tay nghề: GV trẻ trong vòng 10 năm ra trường đề phải thi và được chấm nghiêm túc, được cấp giấy chứng nhận hẵn hoi và thời hạn ít nhất là 10 năm. GV trẻ nào chưa đạt năm này thì đăng ký thi năm sau....
Số GV dạy giỏi của trường được tính cho tất cả những người có giấy chứng nhận còn hiệu lực và là tiêu chí củ trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục.
Không sử dụng GVG để báo cáo thành tích cho trường nhưng được dùng làm thành tích cho cá nhân và nâng lương trước thời hạn cho GVđó ( năm dự thi).
Đánh giá giáo viên giỏi qua đầu ra
Bạn đọc tên Hiếu (tranvanhieu8c@...) đề xuất: Vẫn giữ hình thức tìm ra người giáo viên dạy giỏi, nhưng cách đánh giá cần đổi thay bằng giáo viên tự đánh giá với nhau. Đồng thời, để học sinh đánh giá và đánh giá chính bằng kết quả học tập của những học sinh mà thầy giáo đó dạy.
Còn độc giả Trần Nhương (nhuongtx@...) thì cho rằng, kỳ thi không có tội, vấn đề ở chỗ là tổ chức thi như thế nào và kết quả thi có tác dụng gì. Giải quyết rành rọt 2 nội dung đó thì sẽ có 1 kỳ thi tốt.
Bạn đọc Lê Thanh Loan (Quảng Bình) đúc kết, nên căn cứ vào sản phẩm học sinh, học sinh có yêu thích môn học giáo viên đó dạy không đó dạy không, chất lượng có chuyển biến tích cực không....Đánh giá GV dạy giỏi không thể căn cứ vào một hai tiết dạy.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoàng Thúy Nga (thuyngavanlong@....) cho biết: Quan trọng nhất của một giáo viên giỏi là phát hiện, khơi dậy được trí thông minh, mặt tích cực và những yếu kém trong từng đứa trẻ và giúp trẻ tiến bộ, phát triển. Người giáo viên giỏi là người nâng cao trí tuệ, nhân cách của học sinh.
Bạn đọc Lưu Quang Đức (Anhduc1952@...) bổ sung: Nên đánh giá kết quả chất lượng của đầu ra, tức là chất lượng của học sinh của lớp trên đó liền kề sau mỗi năm học. Và cứ nối tiếp nhau một cách liên tục khách quan công bằng một chuỗi như thế, ở tất cả các cấp nối tiếp cũng liền kề, thì kết quả sẽ khẳng định được những giáo viên nào là giỏi thực sự . Bởi sản phẩm cuối cùng của giáo dục là chất lượng của những người học, phải nhắm vào đúng đối tượng đó thì mới đo được chất lượng thật của giáo viên ... Để từ xuất phát điểm ấy, sẽ đánh giá được sự cố gắng tiếp theo năm học của họ một cách công bằng sòng phẳng.
Đề xuất này cũng nhận được đồng tình từ độc giả Phan Đình Trình (phandinhtrinhbq@....): "Tôi rất đồng tình, hãy đánh giá giáo viên giỏi qua sản phẩm họ tạo ra trong suốt qua trình dạy học. Đó là sự ham yêu thích bộ môn do GV đó dạy, đó là chất lượng đầu ra của học sinh sau 1 năm...Có như vậy GD Việt Nam mới khá lên được, chứ 1-2 tiết không đánh giá đúng năng lực của giáo viên.
Nguyễn Hiền (tổng hợp)