- Sau một thời gian thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT thay chấm điểm thường xuyên bằng nhận xét, cuối tháng 12 này học sinh tiểu học cả nước sẽ làm bài kiểm tra cuối kỳ (có chấm điểm) để ghi vào học bạ. Phụ huynh, giáo viên đón nhận kỳ kiểm tra này ra sao?

Những phụ huynh có con mới vào lớp 1 tỏ ra lạc quan vì con được "vừa học, vừa chơi" nên việc chuẩn bị cho bài kiểm tra tính điểm học kỳ cũng không quá căng thẳng.

Chị Linh cho biết, với quy định mới được triển khai từ đầu năm, con gái vào lớp 1 không có khái niệm về điểm số. Đôi khi bài vở có nhầm lẫn nhưng chị không lo lắng lắm vì về cơ bản con vẫn nhận thức tốt về kiến thức được dạy trên lớp...

{keywords}
Sau những bài chỉ có nhận xét như thế này, học sinh tiểu học sẽ có bài kiểm tra có chấm điểm vào cuối học kỳ I và kỳ II. (Ảnh: Văn Chung).

Tuy nhiên, với những học sinh đã học lên lớp 3, lớp 4 thì việc đã quen với "nhận xét bằng điểm số" chuyển sang "bỏ nhận xét bằng điểm số"- rồi thi học kỳ lại tính điểm thì việc học chơi, chơi học đã phần nào giảm động lực?

Phụ huynh Nguyễn Hiền có con đang học lớp 3 (một trường tiểu học ở Hà Nội) khá lo lắng khi con không không được giao bài tập về nhà, lên lớp cô không chấm điểm.

Chị tâm sự: “Con rất vui, chuẩn với "mỗi ngày đến trường là một ngày vui (chơi)" và về nhà được sống đúng với tuổi thơ (chơi tiếp). Còn với những phụ huynh "điềm đạm" như bản thân mình thì đi từ trạng thái "giao tiếp chóng vánh" sang sự "tăng xông" không hề nhẹ...

Cuộc sống “hai không” gần 3 tháng của chị Nguyễn Hiền và con gái được chị tóm tắt qua những câu hội thoại ngắn: Hôm nay con học thế nào? - Tốt mẹ ạ!; Có gì vui không? - rất vui; Cô có phê bình bạn nào không? - con không nhớ; Con học có chưa hiểu hay sai chỗ nào không? - Hôm nay cô không chấm điểm nên con không biết; Con có được cô khen không? - có mẹ; Cô khen con thế nào? - con quên rồi; Hôm nay có bài tập về nhà không con? - không mẹ ạ...

Từng câu trả lời là sự hân hoan của nàng với nụ cười rạng rỡ. Cuối tuần cô nhắn: Con hoàn thành đề....Con có mang vở về không? - Con để trên lớp rồi. Thứ hai con mang về làm bù nhé? - vâng, rồi lại quên (rồi lại chơi)

Học bài chị giao? - nàng chống chế "dạng này cô chưa dạy/chưa học...". Có lập luận với nàng phải a,b,c thì nàng lý luận "Quy định là không có bài tập mẹ nhé....". Học cả kỳ "vui chơi" thế này chuẩn bị thi tính điểm học kỳ thì sao?” – chị lo lắng.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Hoài Thu có con đang học lớp 2, một trường tiểu học ở quận 3 kể lại: “Cách đây mấy ngày hỏi “Con không học bài à? Bé đáp “Cô không cho bài về nhà”. “Ở lớp con học bài thế nào? - “Con đều hoàn thành”. Tôi hỏi tiếp: “Còn các bạn trong lớp học thế nào?” - “Các bạn cũng hoàn thành, chỉ một số bạn “không hoàn thành”....

Trước đây, thực hiện chấm điểm, cô giáo ra bài tập về nhà, tôi còn biết sức học con mình thông qua điểm số, cháu về nhà cũng có việc để làm. Từ lúc bỏ chấm điểm, không có bài về nhà, cháu về nhà không có gì để làm. Kiểm tra vở con chỉ thấy cô phê “hoàn thành”, đôi lúc lại “không hoàn thành". Tôi không biết con mình học như thế nào nữa.

Trong khi đó đề cập đến việc thi học kì phải lấy điểm chị Thu cho hay “Tôi tưởng đã bỏ chấm điểm thường xuyên thì thi học kì cũng không lấy điểm”

Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) phân vân, từ đầu năm đến nay đã thực hiện không chấm điểm, nay thi học kì lại chấm điểm, như vậy chẳng khác nào vẫn chấm điểm. Quan trong hơn, liệu điểm này có phản ánh đúng năng lực của các cháu?

Thường ngày kiểm tra vở con tôi thấy cô giáo toàn ghi “làm tốt” “chưa tốt”, “em hoàn thành tốt” em “đã hoàn thành”, ít khi thấy cô ghi “không hoàn thành”. Tuy rằng cháu được nhiều lời đánh giá tốt đồng nghĩa việc học của con sẽ tốt. Nhưng chưa chắc việc đánh giá này đúng với năng lực của cháu. Hơn nữa đánh giá bằng nhận xét khiến các cháu không có động lực học tập.  Bây giờ lấy điểm thi học kì, cuối năm cũng tính điểm xét lên lớp tôi thấy lo quá.”

{keywords} Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Chung)

Không biết khả năng con ở đâu

Cô Hà Thu - một giáo viên dạy lớp 5 ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết cô vừa thông báo lịch kiểm tra cuối kỳ tới phụ huynh và học sinh.

“Nhận lịch thi, nhiều phụ huynh khá lo vì không biết khả năng con ở đâu. Bài kiểm tra có điểm lại đưa vào học bạ và sổ sách nên cũng căng thẳng đôi chút” - cô Thu cho biết. Những cuộc gọi bất thường của phụ huynh đến cô cũng nhiều hơn để hỏi han tình hình học của con trên lớp.

Điểm tích cực của Thông tư 30 theo cô, với những em học lực kém sẽ không còn áp lực như trước khi chấm điểm số. Tuy nhiên những em khá hơn lại tỏ ra không hào hứng với tiết học.

Chia sẻ thêm về chuyện học của con ở trường, phụ huynh Quang Anh cho biết điều phụ huynh anh lo lắng hơn cả là chương trình ở lớp 1 của con quá nặng. Mới học kỳ 1 mà các con đã gần học đến cộng trừ trong phạm vi 10. Luyện đọc cũng tương đối khó, con phải đọc nhiều những vần, cặp vần khó.

“Biết là lớp 1 học nặng, và từ lớp 2 sẽ đỡ đi. Nhưng với đánh giá của phụ huynh tôi thấy cần thay đổi giản đơn hơn về chương trình. Trẻ vẫn bị quá tải vì học nhiều. Phụ huynh vẫn áp lực vì liên tục phải kèm học. Không ít người phải gửi con học ở nhà cô dù quy định cấm. Nếu không kèm con sẽ học rất kém” – anh Quang Huy chia sẻ.

Cô T.M giáo viên một trường ở quận 1 cho rằng tuy không chấm điểm nhưng học trò tôi học bình thường. Việc lấy điểm thi học kì không có gì phải lo lắng.

“Mọi việc đua tranh đều xuất phát từ người lớn nên phụ huynh luôn có tâm lý lo lắng. Đối với học sinh tiểu học, các cháu còn nhỏ, chưa có tâm lý thua thiệt nên việc lấy điểm hay không, các cháu chưa nhận thức được. Hơn nữa hiện mới chỉ một số trường tổ chức thi học kì, trường chúng tôi chưa thi nên chưa nói được điều gì. Ngoài ra, giáo viên chúng tôi đang chờ động thái tiếp theo từ Bộ GD-ĐT.
  • Văn Chung - Lê Huyền