- Nhiều năm nay, cô Đoàn Thị Hải Lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) áp dụng dạy môn văn bằng dự án.

Từng bài giảng trong sách giáo khoa được cô cụ thể hóa thành những dự án lớn. Từ dự án lớn, cô chia thành những dự án nhỏ với nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau.

Cụ thể, dạy về những tác phẩm thơ Xuân Quỳnh, cô Lý xây dựng dự án Xuân Quỳnh. Trong dự án này chia làm 3 dự án nhỏ gồm phóng sự về cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh, đêm thơ Xuân Quỳnh, đêm thơ phổ nhạc của Xuân Quỳnh…

  {keywords}
Cô Hải Lý

 Chia sẻ về khởi nguồn của dự án, cô Lý cho biết “Bắt đầu từ năm 2010-2011, tôi sớm nhận ra năng lực của học sinh lớp mình phụ trách từ các buổi sinh hoạt lớp. Các em có khả năng tổ chức hoạt động rất tốt, một số em hát hay và rất nhiều học sinh có khả năng sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, nhiều em có năng lực cảm thụ văn học tốt”

Để thực hiện dự án này, cô Lý thực hiện “khơi lửa” cho học sinh từ bài thơ Sóng, giới thiệu thêm tài liệu để học sinh tham khảo, hướng dẫn các em làm quen với dạy học dự án, và cho học sinh được lựa chọn những dự án nhỏ phù hợp với khả năng.

Tùy vào năng lực yêu thích, đam mê học sinh tự nguyện đăng kí tham gia dự án nhỏ. Những học sinh có năng lực cảm thụ văn học tốt, giọng đọc tốt, giọng ngâm đăng kí viết lời bình, cảm nhận về thơ Xuân Quỳnh ở đêm thơ Xuân Quỳnh.

Những học sinh có khả năng văn nghệ, hát hay, biểu diễn ấn tượng sẽ đăng kí tham gia Đêm thơ phổ nhạc Xuân Quỳnh. (Ở dự án này, học sinh kết hợp phỏng vấn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - người phổ nhạc rất hay thơ Xuân Quỳnh).

Những em có khả năng tổng hợp tài liệu từ sách báo, tranh ảnh có thể tham gia dự án Phóng sự Xuân Quỳnh- Cuộc đời và thơ ca.

Ở đây, các em được đóng vai đạo diễn một chương trình truyền hình, phóng viên, kĩ thuật truyền hình để thực hiện một phóng sự về cuộc đời và sư nghiệp của một nhà thơ.

“Ngoài những kiến thức về thơ, văn, cuộc đời Xuân Quỳnh, còn phải có hiểu biết về phóng sự truyền hình, địa lý, lịch sử…” cô Lý cho biết.

Tương tự, ở các bài học khác, cô Lý cũng xây dựng các dự án khác nhau.

Chẳng hạn, dự án Quang Dũng gồm 4 dự án nhỏ: Phóng sự Quang Dũng – một thời để nhớ; Câu lạc bộ văn học- chuyên đề Quang Dũng, Mỗi ngày một cuốn sách – Mắt người Tây Sơn- Quang Dũng; Đêm thơ- nhạc Quang Dũng.

Hay dự án Nguyễn Minh Châu được chia thành ba dự án nhỏ gồm Mỗi tuần một cuốn sách,  Giao lưu diễn viên điện ảnh xuân 2005- Họp báo ra mắt phim “Chiếc thuyền ngoài xa”; Mỗi tuần một nhân vật- Kỉ niệm 20 năm ra mắt phim “Cỏ lau…

Cô Lý tâm sự “từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy không chỉ với môn văn, dạy học bằng dự án là hướng dạy học tích cực ở trường phổ thông. Việc dạy học bằng dự án đem đến nhiều hiệu quả và ý nghĩa trong phương pháp dạy học, cũng là hướng dạy học phù hợp với đối tượng học sinh chuyên ở Trường chuyên Trần Đại Nghĩa”

Dự án dạy lý

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngân ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM cũng chịu khó áp dung phương pháp dạy học này với môn Vật lý.

Ví dụ, khi dạy về bài Sự phân hạch trong chương trình Vật lý lớp 12 nâng cao, cô Ngân, đưa ra ba phương pháp dạy học để truyền đạt kiến thức cho học sinh như cân đối giữa nội dung môn học và nội dung tích hợp có chọn lọc ngoài các kiến thức vật lý cơ bản có thể tích hợp thêm việc giáo dục tư tưởng, kĩ thuật tổng hợp, môi trường …

{keywords}

Một phương pháp trong bài giảng Sự phân hạch

“Ngoài các kiến thức cơ bản yêu cầu học sinh phải nắm như phản ứng hạt nhân dây chuyền, nguyên tắc lò phản ứng hạt nhân, giáo viên có thể tích hợp thêm các thông tin khác như tác hại của vũ khí hạt nhân (với con người, hệ sinh thái, môi trường); vũ khí hạt nhân hủy diệt sự sống và môi trường (hai vụ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki); năng lượng hạt nhân ở Việt Nam; vấn đề hạt nhân trên toàn cầu...” – cô Ngân nói

Cô Ngân cũng đưa ra cách “Lấy người học làm trung tâm”, sử dụng phương pháp đàm thoại, bằng cách đặt câu hỏi cho học sinh.

“Trong thực tế, điều gì xảy ra khi hệ số nhân nơtron của phản ứng dây chuyên vượt quá 1” – để học sinh hiểu được nguyên lý cơ bản của việc chế tạo bom nguyên tử. Hoặc xây dựng các chủ đề liên quan để từng nhóm học sinh thảo luận  vấn đề “Hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản”.

Ngoài ra, một phương pháp khác là cô Ngân sử dụng các video, hình ảnh về mô hình cấu tạo và hoạt động của lò phản ứng hạt nhân, cho học sinh xem video về tác hại của bom nguyên tử và tạo ra các câu hỏi đánh giá bằng E-learning…

Giải pháp tích cực, cảnh báo lan man

PGS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét cách dạy của cô Lý, cô Ngân tiệm cận với dạy học tích hợp, dạy học phân hóa sẽ triển khai sau năm 2015. Phương pháp này tạo điều kiện tối đa cho học sinh tìm hiểu những kiến thức bên ngoài sách vở. 

PGS Oanh cũng cảnh báo: "Nếu không kiểm soát được cách dạy  này giáo viên sẽ mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra nếu giáo viên không biết chắt lọc, lựa chọn những kiến thức phù hợp cho dự án khiến việc truyền tải kiến thức cho học sẽ lan man, dàn trải".

Theo TS. Lưu Thu Thủy (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam),  khái niệm "dự án" đi từ lĩnh vực kinh tế, xã hội vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo không chỉ với ý nghĩa là "các dự án phát triển giáo dục" mà còn được sử dụng như một phương pháp hay hình thức dạy học.

Xuất hiện trong các trường dạy kiến trúc- xây dựng ở Ý từ cuối thế kỷ 16, tư tưởng "dạy học theo dự án" lan sang Pháp, châu Âu.

Đầu thế kỷ 20, các nhà sư phạm Mỹ đã xây dựng cơ sơ lý luận và coi đó là phương pháp dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học "lấy HS làm trung tâm", khắc phục nhược điểm của dạy học truyền thống - coi thầy giáo là trung tâm.

Ban đầu, phương pháp dự án được sử dụng trong dạy học thực hành các môn học kỹ thuật, về sau được dùng trong hầu hết các môn khác.

Ở Việt Nam, các đề án môn học, đề án tốt nghiệp từ lâu cũng đã được sử dụng trong đào tạo đại học, các hình thức này gần gũi với dạy học theo dự án.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học cho biết, ở trong trường phổ thông hiện nay, dạy học theo dự án là một trong những phương pháp dạy học tích cực đang được áp dụng để đổi mới giáo dục.

  • Lê Huyền