- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Phạm Ngọc Định trao đổi xung quanh những khó khăn, vất vả trong tiển khai tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Phạm Ngọc Định. (Ảnh: Hạ Anh) |
Việc đánh giá cuối học kỳ và cuối năm học của HS tiểu học yêu cầu giáo viên chủ nhiệm họp với giáo viên bộ môn. Ở nhiều trường các môn như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật một giáo viên dạy 15-20 lớp với hàng trăm HS. Yêu cầu này chắc chắn khiến giáo viên vất vả, mất nhiều thời gian. Bộ có giải pháp nào để việc đánh giá thiết thực, đỡ vất vả cho giáo viên?
- Vụ trưởng Phạm Ngọc Định: Cuối học kỳ, cuối năm học mỗi giáo viên có nhiệm vụ tổng hợp đánh giá HS do mình phụ trách. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm ghi nhận xét kết quả tổng hợp đánh giá HS vào học bạ. Như vậy giáo viên chủ nhiệm cần trao đổi thống nhất với giáo viên chuyên biệt (các môn như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật...) về kết quả tổng hợp đánh giá mỗi HS để ghi học bạ.
Giáo viên chủ nhiệm làm việc này giúp giảm bớt việc ghi nhận xét vào học bạ của 15-20 lớp với hàng trăm HS cho giáo viên chuyên biệt. Việc làm này còn mang ý nghĩa là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy các môn chuyên biệt phối hợp thống nhất chăm sóc giáo dục và đánh giá HS.
Tuy nhiên trong thực tiễn, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên chuyên biệt được chủ động trao đổi thống nhất hỗ trợ lẫn nhau việc ghi học bạ cho phù hợp với hoàn cảnh nhà trường.
Quy định cũng có phần để HS tự bình bầu những ưu điểm nổi bật của nhau. Đối với trò tiểu học việc này có cần thiết? Và làm có thể tránh nhận xét cảm tính của các em hay không, thưa ông?
- Thực hiện Thông tư 30, giáo viên giúp cho HS có khả năng tự đánh giá và tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.
Như vậy, để phát huy khả năng tự đánh giá và tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn việc khen thưởng đối với HS cuối kỳ I và cuối năm giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn HS bình bầu những bạn được khen thưởng. Việc làm này có nhiều ý nghĩa, trước hết tạo ra không khí dân chủ, phát huy quyền làm chủ của HS, Bạn nào được khen là do mọi người công nhận. Giáo viên tôn trọng ý kiến của HS...
Lâu nay chúng ta vẫn nói nhà trường dạy thiên về lý thuyết, nặng kiến thức mà ít chú trọng dạy kĩ năng mềm. Nếu phát huy tốt hoạt động này, học trò sẽ được tăng sự tự tin và chủ động. Mỗi em đều có chính kiến. Khi bầu bạn nào đó các em sẽ nói lý do vì sao bầu bạn này, bạn kia.
Có thể ban đầu HS rụt rè. Thầy cô cần tạo cơ hội, đưa ra những tiêu chí định hướng cho HS bình bầu. Với HS lớp 1, lớp 2 ban đầu thì giáo viên cần định hướng hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn, ở đây vai trò quyết định của cô giáo vẫn là chính.
Tôi tin dần dần cả cô trò sẽ quen với cách làm này. Việc khen thưởng đúng thực chất và dân chủ khi có sự tham gia của HS.
Tuy nhiên không ít trường đánh giá vẫn dựa nhiều trên điểm số cuối kỳ ở hai môn toán và tiếng Việt. Ông có ý kiến gì về việc làm này?
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: Văn Chung). |
Tôi không nghĩ lại có trường nào lại cố tình làm vậy. Nếu có như vậy là không đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thực hiện NQ 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD. Thông tư 30 thực hiện giáo dục toàn diện đồng thời phát huy hết khả năng của mỗi cá nhân HS.
Giáo dục toàn diện được hiểu là HS được học các môn học, hoạt động giáo dục khác, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết đối với HS tiểu học và được đánh giá ở mức độ hoàn thành hoặc chưa hoàn thành.
Đồng thời, HS nào có khả năng về lĩnh vực nào được tạo điều kiện và hướng dẫn phát huy hết khả năng của mỗi HS ấy, thể hiện ở phần khen thưởng. Tùy theo HS có thành tích nổi bật về lĩnh vực nào thì HS được khen về lĩnh vực ấy.
Có em được khen về thành tích học môn học Toán; Tiếng Việt; Âm nhạc... Trong lớp, cháu nào có khả năng tự quản, biết tổ chức cho lớp tham gia các hoạt động cũng được phải khen. Bạn nào thường xuyên quan tâm giúp đỡ các bạn cũng xứng đáng nhận lời khen, động viên....
Tôi vừa đi thực tiễn ở 3 trường tiểu học tại Hà Nội, thầy cô các bộ môn chia sẻ với đánh giá như vậy các cô đã không còn mặc cảm mình chỉ là những giáo viên môn phụ.
Liệu với đánh giá này đi đâu, trường nào cũng sẽ thấy HS giỏi không, thưa ông?
- Việc khen thưởng phải tự nhiên và đúng thực chất, các cơ quan quản lý không giao chỉ tiêu khen thưởng cho các trường, hiệu trưởng không giao chỉ tiêu cho các lớp. Căn cứ vào thực tiễn, giáo viên có đề xuất nội dung, lĩnh vực khen thưởng phù hợp với HS và hiệu trưởng quyết định cuối cùng.
Khen thưởng sẽ có HS được khen toàn diện nhưng có thể có HS chỉ được khen ở một lĩnh vực nào đấy. Mỗi lĩnh vực nhà trường tổ chức cho giáo viên cùng thảo luận thống nhất tiêu chí để hướng dẫn HS bình bầu khen thưởng.
Việc khen thưởng theo khả năng và sở trường của mỗi em như vậy sẽ có thể nhiều HS được khen, nhưng khác với đánh giá trước đây trường đạt gần 100% HS giỏi. Với việc thay đổi căn bản trong đánh giá và khen thưởng HS tiểu học sẽ dần dần xóa bỏ chuyện vì thành tích.
Xin cảm ơn ông!
"Tốt hơn cho trẻ em" Trao đổi với VietNamNet, GS Ngô Bảo Châu cho biết chủ trương thôi không chấm điểm thường xuyên học sinh tiểu học, thay bằng nhận xét và cho đây là một trong những tiến bộ của giáo dục VN. Với học sinh ở tuổi còn nhỏ, điểm số sẽ tạo tính chất ganh đua và sức ép quá thường xuyên giữa học trò với nhau. Đó là điều không hay. Để làm việc đó thầy cô vất vả hơn. Khó khăn nhưng cũng làm được, không quá kinh khủng như ta đang bàn tán. Mọi thay đổi đều tạo xáo trộn nhận định. Nhưng như vậy tốt hơn cho đứa trẻ. |
- Văn Chung (thực hiện)