- Tại buổi sơ kết học kỳ 1 sáng nay ,21/1, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học không máy móc, ép buộc giáo viên trong chuyện ghi sổ đánh giá nhận xét để thầy cô căng thẳng, mất thời gian.

Lần đầu tiên, Hà Nội thực hiện hội thảo trực tuyến và có sự tham gia của hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học trên toàn thành phố.

Dù vậy, khi được hỏi ý kiến, các phòng GD-ĐT đều “đồng ý, nhất trí”. Tiếp sau đó các hiệu trưởng khi được hỏi cũng không có ý kiến gì.

“Tôi nghĩ chắc chắn là có băn khoăn, muốn chia sẻ nhưng chưa tiện nói ra đây”, ông Tiến nói.

“Hãy mạnh dạn nêu vấn các trường, giáo viên hiện nay có khó khăn gì. Đừng nghĩ tặc lưỡi cho qua, nói làm gì cho phòng, sở “soi”. Phải bỏ quan điểm đó. Hãy nói thẳng, nói thật. Đừng để âm ỉ trong đầu rồi làm đôi khi không đúng, ức chế mãi”.

{keywords}
Một giờ học của học sinh tiểu học Hà Nội. Ảnh: Văn Chung

Ông Tiến đã dành nhiều thời gian nói chuyện với các thầy cô về câu chuyện thời sự của giáo dục tiểu học, là thực hiện Thông tư 30.

Dẫn các số liệu các môn như Tiếng Việt năm 2014 của học sinh lớp 1, tỉ lệ yếu (chưa hoàn thành) là 1,37% nay còn 1,34%.; lớp 2 giảm từ 1,1% xuống 0,97%; Toán lớp 1 năm2014 tỉ lệ học sinh yếu (chưa hoàn thành) là 1,1% nay là 1,04%, có thể thấy việc thay đổi cách đánh giá không làm giảm chất lượng học sinh.

“Khi đi kiểm tra 17 quận, huyện, chúng tôi thấy các trang đều có bút tích của cô giáo bằng mực đỏ hoặc bút chì học sinh tự đánh giá bạn. Thậm chí, có nơi cuối tuần còn có bút tích của phụ huynh giúp trò xem lại phần nào chưa đúng, phần nào là lỗi cần sửa chữa. Làm như vậy rõ ràng thường xuyên, ưu việt hơn điểm số rất nhiều” – ông Tiến khẳng định.

Theo ông Tiến, nhiều nơi các cô, các trường vẫn “tự làm khổ mình” trong chuyện sổ sách. Có tâm lý người thầy “không làm như vậy thì sợ ban giám hiệu phê bình”. Trong khi đó, hiệu trưởng đôi khi quá máy móc, đi sâu quá vào vấn đề hình thức.

Vấn đề khen thưởng, dù Bộ GD-ĐT không quy định rập khuôn tỉ lệ khá giỏi ở từng lớp từng trường nhưng theoông Tiến, có giáo viên vẫn nặng nề chuyện này khi nói trường bên có gần 50% học sinh toàn diện, còn trường mình chỉ 44% là “bất hợp lý”.

Chưa kể, cách đánh giá mới là "đánh giá theo từng mặt", nên có hiện tượng một học sinh được tới 3-4 giấy khen.

“Chỉ nên chọn mặt nổi trội nhất của trò để khen thưởng.Nhận 1 giấy khen thì quý, 3-4 giấy thì thấy bình thường. Bộ đã mở ra thì trường và giáo viên phải linh hoạt trong cách làm phù hợp thực tế” – ông Tiến nói thêm.

  • Văn Chung (Ghi)