- Tôi là một mẹ Việt 100%, chẳng lấy chồng Tây và cũng chưa có điều kiện nuôi con ở nước ngoài. Nghĩa là tôi không có sự thuận lợi hiển nhiên của việc được tiếp xúc với môi trường giáo dục khoa học, văn minh và đầy tính tự lập của “các bạn Tây”.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: tresosinh

Nhưng tôi có Internet, có TV, có sự đồng lòng của chồng trong việc dạy con. Vậy nên con gái tôi, chuẩn bị đón SN thứ ba vào tháng 7 tới đây, rất may mắn đã “thoát thân” được nhiều cơn ác mộng mà đa số các em bé Việt khác phải chịu đựng thường xuyên.  

Sẽ không ngoa nếu nói rằng ăn uống đã trở thành cơn ác mộng của rất nhiều trẻ em Việt Nam, trong khi đáng nhẽ ra, nó là một trong “tứ khoái” của đời người.

Hàng xóm nhà tôi thường diễn ra 2 hoạt cảnh: Một bên, con trai đã học tới lớp 4, nhưng mẹ và người giúp việc vẫn phải bón cơm. Mỗi bữa ăn kéo dài không dưới 2 tiếng, bát cơm chảy nước ròng ròng vẫn cố đút cho con bằng được, dù nghe nói chị ấy là.... dược sĩ.

Một nhà khác, cứ đến giờ ăn của thằng bé là cả xóm biết. Vì sao? Vì tiếng khóc sẽ vang ầm cả khu, khóc ngằn ngặt, gằn lên từng tiếng và thường là trận khóc kéo dài từ nửa tiếng trở lên, cho đến khi nào nó ăn xong bát ô tô bột. Thường sau mỗi bữa ăn, má thằng bé bao giờ cũng đỏ lựng lên vì bị... mẹ tát. Cứ ngậm là ... tát. Tát xong thì khóc, thế là nuốt miếng bột đang ngậm trong mồm. Cứ thế, trường ca ngậm – tát – khóc tiếp diễn ngày này qua ngày khác.  

Con gái tôi chưa bao giờ phải chịu đựng cảnh đó. Hồi còn đang mang bầu, tôi đã tìm được “Bí quyết ăn dặm kiểu Nhật” của một mẹ trên webtretho. Tôi còn nhớ mình đã sướng như nhặt được vàng tại thời điểm đó, và đến bây giờ, tôi vẫn thấy thật may vì cả hai vợ chồng đã quyết tâm theo đuổi con đường này đến cùng.

Ở Nhật, khoa học khẳng định các bé có phản xạ nhai bẩm sinh từ giai đoạn 8-11 tháng, sau giai đoạn đó phản xạ sẽ mất và muốn luyện cho các bé nhai đúng cách sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Vì thế, họ cho trẻ em ăn dặm từ 5 tháng với tiến độ rất nhanh: từ cháo loãng -> cơm nát -> cơm thường, mì, phở và tất cả các thức ăn của người lớn. Trẻ em Nhật ngoài một tuổi đã ăn cơm cùng gia đình, bố mẹ ăn gì, con ăn nấy.  

Mỗi bữa, con tôi chỉ ăn đúng khẩu phần được chỉ ra trong tài liệu, thường chỉ là vài thìa cháo, một nhúm thức ăn các loại và nửa bát nước mắm canh.

Nhờ vậy, cháu phân biệt được mùi vị từng loại thịt, cá, rau, củ, thay đổi món ăn mỗi ngày.

Khẩu phần đó, đảm bảo 10 bà mẹ Việt nhìn thì có quá 9 người chê. Cũng vì thế mà cháu chậm lên cân, và đó cũng là lý do khiến cho bà ngoại của cháu suốt ngày nổi nóng với vợ chồng tôi, mắng chúng tôi “Bỏ đói” con.  

Nhưng vợ chồng tôi hiểu rằng, nhu cầu của các cháu chỉ đến vậy (chẳng phải cảm tính mà khoa học chỉ ra rõ ràng). Bắt cháu ăn nhiều chẳng khác gì bắt cái "xe đạp phải thồ cả cái nhà", chỉ khiến cháu bội thực, quá tải, đau dạ dày và ti tỉ hệ lụy khác. Cháu đói thì ăn, no thì dừng.

Hiện tại, cháu ăn cùng bữa với cả nhà, một mình một ghế, một bát, một thìa, một đôi đũa. Cháu tự xúc, tự gắp thức ăn, tự cầm cốc uống nước nếu khát. Gặp thức ăn mới, cháu sẵn sàng thử, thích thì xin bố mẹ ăn tiếp, không thích thì ngừng. Không bao giờ “nhìn thức ăn như nhìn quân thù”, thấy thức ăn là lắc đầu quầy quậy.

Có những hôm cháu chán ăn, hai vợ chồng cũng không quát mắng mà đồng ý cho cháu ăn ít, uống sữa để thay thế.

Chỉ có điều, hàng xóm nhà tôi càng ép ăn thì càng gầy. Còn con gái tôi, dù ăn không nhiều, nhưng người lúc nào cũng tròn lẳn, cân nặng ổn định.  

  • Trọng Cầm